Do phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng đối phó với tình thế “nước sôi lửa bỏng” nên Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể vào dự Đại hội, với tình cảm sâu sắc đối với các dân tộc thiểu số, Bác Hồ viết thư gửi tới Đại hội với lời lẽ động viên thiết tha, giục giã và khẳng đinh quyết tâm cùng nhau đoàn kết một lòng chiến thắng giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Dù cách trở khó khăn nhưng thư Bác (viết ngày 19/4/1946) đã đến kịp với Đại hội, được đọc lên cho tất cả đại biểu cùng nghe. Bức thư là tư tưởng bao trùm xuyên suốt của Người về đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam, đã trở thành lời hiệu triệu khích lệ hàng triệu con tim quyết tâm bảo vệ đất nưóc: "Cùng các đồng bào dân tộc thiểu số! Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha Dân tộc thiểu số” để săn sóc cho tất cả các đồng bào. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta. Xin chúc Đại hội thành công”.
Các đại biểu tham dự Đại hội Đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Nam. Ảnh: Tư liệu
Chỉ trên 300 chữ, nhưng với hình thức ngắn gọn, giản dị và quen thuộc, bức thư là văn bản đầu tiên về tư tưởng “Tộc người” của Bác, hàm chứa một nội dung phong phú, tình cảm sâu sâu sắc, lời động viên kịp thời và mạnh mẽ: “Lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”, thể hiện quan điểm tư tưởng mang tính nền tảng của Người về công tác dân tộc ở nước ta là: đoàn kết, bình đẳng, tương trợ. Nói đến công tác dân tộc là phải nói đến nguyên tắc đoàn kết. Đoàn kết là truyền thống lịch sử vốn có của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Người trân trọng và coi đó là truyền thống quý báu, là cái làm nên sức mạnh của dân tộc. Thư nhấn mạnh đến cội nguồn đoàn kết các dân tộc và tình cảm, sức mạnh Việt Nam: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt: Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Thư chỉ ra tài sản quý giá: “Nước Việt Nam là nước chung của chúng ta”, để thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc cần có vai trò đại diện cho quyền lực của các dân tộc và quyền lực Nhà nước trong Quốc hội: “Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha dân tộc thiểu số” để săn sóc cho tất cả các đồng bào”.
Đoàn kết không chỉ là vì các dân tộc phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội, mà đoàn kết các dân tộc còn là vì dân tộc ta trong cách mạng giải phóng dân tộc luôn đứng trước những thử thách lớn lao của lịch sử và ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước với những thách thức về quản lý kinh tế, về giữ gìn và củng cố an ninh quốc phòng. Vì vậy, thư xác định yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kêu gọi các dân tộc đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm trong thư rất chân thành, sâu sắc và giàu sức thuyết phục. Cách lập luận của Bác đơn giản nhưng rất hùng hồn, lý lẽ như là sự thật hiển nhiên, là quy luật bất di bất dịch: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. Do các dân tộc ở nước ta với trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, lại cư trú vừa phân tán vừa xen kẽ nhau trên một địa bàn rộng lớn. Trong xã hội phong kiến và dưới chế độ thực dân, các dân tộc phát triển rất không đồng đều về kinh tế, đa dạng về phong tục tập quán; vì vậy, thư chỉ rõ quan điểm tương trợ giúp nhau nếu không có sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau thì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, việc rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc không chỉ gặp khó khăn mà còn sẽ mất một khoảng thời gian dài “phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”. Trong thư, 5 lần Bác nhắc đến từ “đồng bào”. Mỗi lần nhắc lại từ “đồng bào” chính là Bác thêm một lần nhắc đến nguồn gốc các dân tộc Việt Nam, qua đó kêu gọi quyết tâm giữ vững tình đoàn kết. Nội dung cuối cùng kết thúc bức thư là sự xác lập một quyết tâm sắt đá: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
Thấm nhuần tư tưởng về đại đoàn kết các dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong mỗi bước đi của cách mạng Việt Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số đã luôn cùng đồng bào cả nước một lòng thủy chung son sắt theo Đảng và Bác Hồ, cống hiến công sức, máu xương cho sự nghiệp chung, giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Trong sự nghiệp đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đồng bào trong cả nước, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác dân tộc với quan điểm “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vùng dân tộc và miền núi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng thể hiện trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Việc thực hiện công tác dân tộc đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, hội tụ được tình cảm và sự giúp đỡ, trách nhiệm của nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế. Vùng dân tộc và miền núi có nhiều tiến bộ, thay đổi rõ rệt, to lớn từ việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động cho đến việc phát triển các mặt kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an ninh. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện; công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được coi trọng. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể nhân dân được kiện toàn; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số đã có những bước trưởng thành.
Tuy nhiên, vùng dân tộc, miền núi vẫn là vùng kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Khoảng cách thu nhập và đời sống giữa đồng bào dân tộc thiểu số với thu nhập và mức sống chung của xã hội tiếp tục bị doãng ra. Những vấn đề bức xúc về đất ở, đất sản xuất, di cư tự do, tàng trữ, buôn bán, sử dụng các chất ma tuý, buôn bán người... diễn biến phức tạp, chưa được giải quyết triệt để. Việc đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, một số địa phương hiệu quả thấp. Các thế lực thù địch đang lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc, các yếu kém bất cập của ta về kinh tế, xã hội để kích động, tuyên truyền lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số hòng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc và gây mất ổn định ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Hệ thống chính trị cơ sở, trình độ, năng lực của cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số còn những mặt hạn chế, bất cập, trình độ dân trí thấp đã ảnh hưởng đến việc thực hiện tư tưởng về đại đoàn kết các dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vùng dân tộc, miền núi.
Hội nghị biểu dương người tiêu biểu dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên, tháng 8/2016. Ảnh: Mạnh Quang
Để tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết các dân tộc trở thành hiện thực sinh động trong đời sống xã hội của các dân tộc thiểu số trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tập trung quán triệt và thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ và giải pháp sau đây về công tác dân tộc:
Một là, nhận thức đầy đủ vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đó là một bộ phận quan trọng của công tác cách mạng, là bộ phận cấu thành của sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Hai là, đổi mới công tác dân tộc cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng hiện nay, tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, quan tâm đầy đủ, đúng mức tới các dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến. Tập trung đổi mới các hoạt động sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ đối với vùng dân tộc và miền núi phù hợp với đặc điểm, điều kiện đặc thù của từng vùng miền.
Ba là, giữ vững mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng và nhân dân các dân tộc, tăng cường củng cố tình đoàn kết các dân tộc; xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín ở cộng đồng dân cư, trong công tác vận động đồng bào xây dựng qui ước, hương ước, thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, góp phần tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Bốn là, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, tăng cường cán bộ cho cơ sở, kiện toàn củng cố tổ chức, bộ máy, biên chế các cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.
Năm là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giói thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, giữ vững chủ quyền lãnh thổ; tham gia xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng anh em.
Vũ Dương Châu
Trưởng Ban Dân tộc - UBTƯ MTTQ Việt Nam