Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc (Ảnh tư liệu)
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa -Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Sự ra đời của Nhà nước Dân chủ nhân dân ở Việt Nam là bước nhảy vọt vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; đồng thời có tác dụng to lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên phạm vi toàn thế giới trong thế kỷ XX. Đây thực sự là một áng văn bất hủ khẳng định quyền con người và quyền độc lập, tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Khẳng định về quyền con người, mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai đoạn văn bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789. Người đã tiến một bước xa hơn, cao hơn, sâu sắc hơn về tầm tư duy và khẳng định về quyền dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên sự phát triển quyền tự nhiên của con người đến quyền độc lập, tự do của dân tộc; khẳng định sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người với tư duy pháp lý của nhân loại tiến bộ, không xa lạ với những chân lý phổ biến đã được coi là thành quả văn minh của loài người.
Trong lịch sử nhân loại, bất kỳ ở phương Đông hay phương Tây, kể từ khi xã hội có sự phân chia thành giai cấp, có bóc lột và bị bóc lột, có áp bức và bị áp bức thì những tư tưởng về quyền tự do, bình đẳng đã được nảy nở từ hình thức sơ khai cho tới các trào lưu tư tưởng, lý luận. Đấu tranh cho tự do của con người, công bằng trong xã hội là mục tiêu, lý tưởng của biết bao cuộc khởi nghĩa, của biết bao thế hệ từ thời cổ đại cho đến ngày nay.
Sau gần 30 năm (từ 1911 - 1941) bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua 3 đại dương, đến 4 châu lục, đặt chân lên gần 30 nước để nghiên cứu, tìm hiểu đời sống, nguyện vọng, hoạt động đấu tranh giành quyền độc lập của nhiều dân tộc. Người đã trực tiếp đọc các văn kiện chính trị quan trọng ấy và tư tưởng về quyền tự do, bình đẳng trong các văn kiện lịch sử đã gợi mở cho Nguyễn Ái Quốc suy nghĩ về con đường cách mạng cho dân tộc mình. Trong tài liệu đầu tiên huấn luyện cho thế hệ thanh niên cách mạng, Người đã dẫn ra lịch sử cuộc cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp và rồi Người dừng lại ở cách mạng Nga để từ đó tìm ra “Đường kách mệnh” (1927) cho dân tộc Việt Nam. Tư tưởng về các quyền tự nhiên của con người, của dân tộc vẫn khắc sâu trong khối óc và trái tim của một con người hết lòng vì độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Rõ ràng, nhận thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của các dân tộc được đúc kết từ tấm lòng thiết tha với vận mệnh của dân tộc Việt Nam, từ sự trải nghiệm qua cuộc hành trình gần 30 năm trên thế giới trước tình cảnh nhiều dân tộc vẫn đang bị nô dịch. Trong mỗi dân tộc có nhiều quyền cá nhân, song quyền của mỗi cá nhân không bao hàm đầy đủ quyền dân tộc. Cho nên, sự “suy rộng ra” của Người mang tính nhân văn cao cả, có ý nghĩa quốc tế, đã mở rộng khái niệm và nâng tầm nhìn về quyền tự nhiên của con người, của dân tộc.
Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng đã tố cáo và lên án những tội ác man rợ của thực dân Pháp về quyền con người, quyền dân tộc đối với đồng bào ta về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa,... trong đó có tội trong 5 năm chúng đã hai lần bán nước ta cho Nhật, từ đó nói rõ cho thế giới và phe Đồng minh biết: “Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”.
Bản Tuyên ngôn Độc lập còn khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền của dân tộc Việt Nam được “hưởng tự do độc lập”, đồng thời cũng vạch ra cơ sở thực tế là Việt Nam “sự thật đã thành một nước tự do và độc lập”. Bằng những lý lẽ sắc bén, lập luận đanh thép và lời văn hùng hồn, bản Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định lại một lần nữa quyền của dân tộc Việt Nam phải được sống trong độc lập, tự do như bất cứ dân tộc nào khác: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà trật tự pháp lý quốc tế chỉ nhằm phục vụ quyền lợi ích kỷ của các nước lớn tư bản, đế quốc, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là lời tuyên bố cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức, đồng thời mở đầu thời đại trỗi dậy của các dân tộc bị áp bức, bóc lột đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Chính vì vậy, nhiều nước châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ-La tinh đã thừa nhận đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự xác lập một nền công pháp quốc tế mới, đảm bảo cho các quyền tự do, bình đẳng của con người và quyền tự quyết, quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc trong việc tự do lựa chọn con đường phát triển của mình về chính trị, kinh tế, văn hóa,...
Những câu kết thúc trong bản Tuyên ngôn Độc lập chính là “lời thề độc lập” - lời thề bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước của nhân dân Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Như vậy, chỉ trong một đoạn văn ngắn với 52 từ, Hồ Chí Minh đã ba lần nhắc đến “tự do, độc lập” với ba ý nghĩa nối tiếp nhằm thể hiện khát khao tự do, khát khao độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, Tuyên ngôn Độc lập là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hội tụ được các trào lưu lịch sử Việt Nam với trào lưu lịch sử nhân loại, làm xích lại gần nhau những quan niệm về quyền con người, quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới. Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc. Đó là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam, chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức, mở ra kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa ở nước ta. Giá trị lớn lao về quyền con người, quyền dân tộc trong bản Tuyên ngôn Độc lập mùa Thu năm ấy mãi mãi trường tồn! Thực tiễn cách mạng Việt Nam 73 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên ngôn Độc lập, những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về chính trị, pháp quyền, quyền dân tộc và đặc biệt là về quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn vẫn là nền tảng lý luận, tinh thần dẫn đường cho cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, vững bước đi lên theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng về quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp năm 2013, quyền con người và quyền dân tộc luôn được đề cao và ngày một hoàn thiện hơn để sao cho con người được hưởng trọn vẹn nhất những giá trị đáng có, phù hợp với xu thế thời đại và thực tiễn cuộc sống. Vì lẽ đó, suốt 73 năm qua, Đảng ta vẫn luôn nêu cao ngọn cờ dân chủ, phát huy sức mạnh toàn dân để tạo được khối đại đoàn kết vững chắc và đã: “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Cao Văn Trọng
Tiến sĩ, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1993.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2006): Nghiên cứu học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.