Các Mác (trái) và Ph.Ăng-ghen. Ảnh tư liệu
Sự ra đời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C.Mác và Ph.Ăngghen đã đặt nền tảng chắc chắn cho chủ nghĩa cộng sản khoa học
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C.Mác và Ph.Ăngghen cùng soạn thảo vào cuối năm 1847 và được xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức vào khoảng tháng 3/1848. Sau đó tác phẩm được dịch và xuất bản ra nhiều thứ tiếng ở châu Âu như tiếng Anh, Pháp, Đức, Italia, Đan Mạch, Ba Lan, Nga… Chỉ tính riêng châu Âu, sau khi “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được xuất bản đã nhanh chóng truyền bá và dịch ở hơn hai mươi quốc gia. Thời điểm đó, sức ảnh hưởng của tác phẩm ở châu Âu được cho là lớn mạnh nhất và sau đó lan sang các nước châu Á như Ấn Độ, Georgia, Armenia, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” bao gồm 4 chương và các lời tựa do C.Mác và Ph.Ăng ghen viết cho các lần xuất bản khác nhau bằng các thứ tiếng khác nhau: bản tiếng Đức năm 1872, 1883, 1890; bản tiếng Anh năm 1888; bản tiếng Nga năm 1882; bản tiếng Ba Lan năm 1892, bản tiếng Ý năm 1893. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là văn kiện không thể sửa lại hay bổ sung vì yếu tố lịch sử. Bởi lịch sử luôn luôn thay đổi, hơn nữa thực tiễn cách mạng từ khi “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời đã có nhiều biến đổi, phong trào công nhân ở các nước châu Âu đã đạt được những thắng lợi nhất định, do vậy, qua các lần xuất bản khác nhau, hai ông chỉ có thể viết lời tựa để bổ sung những quan điểm đã trình bày trong tác phẩm.
Sau khi “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được dịch và truyền bá rộng rãi khắp châu Âu, phong trào cách mạng của giai cấp công nhân cũng đã đạt được những thành tựu nhất định. Công xã Pari ra đời là thành quả bước đầu của giai cấp công nhân Pari. Đặc biệt thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã làm cho học thuyết về chủ nghĩa xã hội chính thức trở thành một chế độ chính trị. Từ đây, ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lê nin mà trong đó các tác phẩm kinh điển của các ông bao gồm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã không ngừng được truyền bá đến các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Ở Việt Nam, trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc hay cách mạng xã hội chủ nghĩa, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vẫn luôn là một tác phẩm có vị trí quan trọng đối với công tác giáo dục nâng cao trình độ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin.
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là một trong nhiều tác phẩm về chủ nghĩa Mác được ưu tiên dịch và xuất bản ngay khi nước nhà độc lập
Ngay sau khi nhà nước Việt Nam độc lập (tháng 8/1945), do điều kiện tình hình thế giới và trong nước, ngày 11/11/1945 Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự giải tán” và rút vào hoạt động bí mật. “Những tín đồ của chủ nghĩa cộng sản muốn tiến hành việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác gia nhập “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”1. Báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật ra đời thay thế cho báo Cờ giải phóng (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương) và Nhà xuất bản Cờ giải phóng. Một trong những tác phẩm dịch và xuất bản đầu tiên về chủ nghĩa Mác là tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Phương châm hoạt động của tờ báo và Nhà xuất bản Sự thật là chỉ ra một sự thật cơ bản là: “muốn tự do, hòa bình và hạnh phúc cho tất cả loài người, cho mỗi dân tộc, cho giai cấp công nhân, chỉ có một con đường là thực hiện triệt để chủ nghĩa Các Mác”2. Ngày 13/4/1946, báo Sự thật số 31 chính thức công bố Nhà xuất bản Sự thật đã bán “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Đây là một trong nhiều tác phẩm về chủ nghĩa Mác, mà Nhà xuất bản Sự thật liên tiếp xuất bản thời kỳ này: Xã hội tương lai, Hiến pháp Liên Xô, Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác… Sau khi “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được dịch và xuất bản lần đầu ở nước ta năm 1946, đến năm 1949 tác giả X.Y.Z - bí danh của Nguyễn Ái Quốc đã lược dịch tác phẩm với mục đích giúp các chiến sĩ có thể hiểu dễ dàng hơn về tác phẩm kinh điển này. Người viết: “Nhưng vì trong bản tuyên ngôn đó, sự tích rộng, văn chương cao, đọc khó hiểu. Đây tôi chỉ dịch theo ý, không dịch từng câu, từng chữ. Vì mong anh chị em hiểu được tí nào còn hơn không hiểu”3. Năm 1950, Ban Tuyên huấn xứ ủy Nam Bộ đã cho tái bản bản dịch “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” năm 1946 làm tài liệu nghiên cứu học tập lý luận chủ nghĩa Mác. Cùng năm, tác giả Tân Chi biên soạn “Đề cương tóm tắt Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” để phục vụ công tác nghiên cứu học tập lý luận chủ nghĩa Mác. Như vậy chỉ tính riêng từ tháng 4/1946 đến tháng 8/1950, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được dịch và tái bản, tóm tắt liên tiếp bốn lần cho thấy vị trí và vai trò quan trọng của tác phẩm đối với cách mạng Việt Nam nói chung, đối với công tác giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác nói riêng.
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là một trong nhiều tác phẩm được ưu tiên sử dụng làm tài liệu học tập nâng cao trình độ lý luận chủ nghĩa Mác
Trong kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C.Mác và Ph.Ăngghen giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Tác phẩm vĩ đại này đánh dấu sự hình thành chủ nghĩa Mác. Nó trở thành tác phẩm gối đầu giường của mọi người cộng sản và của những người công nhân giác ngộ cách mạng. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã trình bày nhiều luận điểm và nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác. Những nguyên lý trong “Tuyên ngôn” mang tính chất phổ biến mà “bất cứ một đảng công nhân nào, hễ đi chệch cương lĩnh sách lược đó trong hoạt động của mình thì đều phải trả ngay một giá đắt”. Do đó không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị chủ nghĩa Mác - Lênin là nhiệm vụ cần thiết trong công tác xây dựng Đảng. Xuyên suốt trong quá trình từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tới nay, trải qua hơn 90 năm Đảng ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục xác định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;…”6.
Ngay sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930, trong thư gửi đại diện quốc tế cộng sản Pháp ở Quốc tế cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có đề nghị: “Tôi có mấy yêu cầu và câu hỏi sau đây với các đồng chí. Cần giáo dục các đồng chí An Nam chúng tôi, vì trình độ tư tưởng, lý luận và kinh nghiệm chính trị của các đồng chí còn rất thấp. Tôi yêu cầu các đồng chí: (a) cho chúng tôi một tủ sách các tác phẩm của Mác và Lênin, và các sách khác cần cho việc giáo dục cộng sản chủ nghĩa…”7.
Năm 1935, trong bức thư gửi Ban phương Đông, Nguyễn Ái Quốc lại tiếp tục đề xuất kiến nghị được giúp đỡ về mặt tài liệu nghiên cứu, học tập lý luận chủ nghĩa Mác. Bởi vì “đại đa số đồng chí của chúng tôi, trình độ lý luận và chính trị rất thấp... Vì vậy, tôi thấy tuyệt đối cần thiết là chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thu được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có”8. Biện pháp “duy nhất có hiệu quả” chính là xuất bản những quyển sách nhỏ viết về các vấn đề như: Tuyên ngôn cộng sản, Đảng Cộng sản và tổ chức của Đảng, Lịch sử Quốc tế Cộng sản… Năm 1950, trong bài nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, Người đã nhấn mạnh nội dung cần phải học tập: “Phải dạy lý luận Mác - Lênin cho mọi người”9. Bởi “Tuyên ngôn” theo Người “là một bài học mà mỗi người cách mạng nên nghiên cứu đầu tiên”10.
Sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất năm 1975, phong trào học tập, nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn được Đảng ta chú trọng. Các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác vẫn là những tài liệu học tập, nghiên cứu quý báu dành cho những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong đó, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là một tác phẩm có giá trị to lớn về mặt lý luận và thực tiễn. Bởi vậy, mặc dù nước nhà đã hoàn toàn độc lập nhưng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4/1976, Đảng ta vẫn chủ trương triển khai học tập lý luận Mác - Lênin với tinh thần “làm cho tư tưởng của chủ nghĩa Mác chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống tinh thần của xã hội và trở thành hệ tư tưởng của toàn dân”. Và lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được Nhà xuất bản Sự thật tái bản lần thứ 10 với số lượng 30.000 cuốn, đồng thời xuất bản lần đầu ấn phẩm “Giới thiệu tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Tài liệu này nhằm phục vụ cho những đối tượng lần đầu nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác. Như vậy có thể thấy, phong trào phổ biến “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã diễn ra mạnh mẽ trong cả nước được Đảng ta tiếp tục triển khai từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 năm 1960. Ngày nay chúng ta vẫn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Từ năm 1985, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã ban hành quyết định số 472-QĐ ngày 20/5 quy định: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là tác phẩm đầu tiên trong số các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin mà sinh viên cần phải nghiên cứu một cách hoàn chỉnh và sâu sắc”11. Sau đó, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được tái bản nhiều lần nhằm phục vụ công tác giảng dạy tại các trường đại học trong cả nước.
Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội, học tập, nghiên cứu những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin trong đó phải kể đến tác phẩm có vai trò quan trọng là “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã được Đảng và Nhân dân ta thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản. Trải qua những tháng năm lịch sử, với những chiến thắng lẫy lừng làm kẻ thù phải rút lui trả lại hòa bình độc lập cho dân tộc ta, chúng ta càng thấm nhuần những lý luận mác xít của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc cần thiết học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị đối với đảng viên, chiến sĩ, nhân dân ta. Trong bối cảnh hiện nay, với những thành công nhất định trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta vẫn “kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Bởi thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân ta đã và đang tiến hành chứng minh tính đúng đắn của lý luận mác xít và của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên trì mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Bởi đây chính là con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dành cả tuổi trẻ của Người đi tìm và cũng dành cả cuộc đời để đấu tranh cho độc lập, dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Thực tiễn hơn 90 năm Đảng ta lãnh đạo đất nước và nhân dân đã chứng minh tính đúng đắn của con đường đó. Kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội chính là kiên định đích đến mà nhân dân ta đã lựa chọn: độc lập, hoà bình, hạnh phúc, dân chủ. Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta trước hết phải xác định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động. Từ đó không ngừng học tập, nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể hiện nay của đất nước và quốc tế, tuyệt đối không đi chệch hướng lý luận mác xít. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vẫn cần được nghiên cứu, học tập. Bởi giá trị của tác phẩm không chỉ trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn có giá trị đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Phạm Thị Huyên
NCS, Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc
Chú thích:
1. Báo Cờ giải phóng, số 33 ngày 18/11/1945, tr.1.
2. Báo Sự Thật, Số 1, 5/12/1945, tr.1.
3,10. C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, X.Y.Z dịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1949, tr.3.
4. Nguyễn Kiến Giang, Từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản 1848 đến hai bản tuyên ngôn Mạc Tư Khoa năm 1957, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.11.
5. C.Mác và Ph. Ăngghen: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.49.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.33.
7,8. Hồ Chí Minh (toàn tập), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.25, tr.111-112.
9. Hồ Chí Minh (toàn tập), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.357.
11. Vụ Mác - Lênin, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp: Giới thiệu tác phẩm của Các Mác và Phri-Đrích Ăngghen “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Nxb. Sự thật, Hà Nội, năm 1986, tr.4.