|
Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.
(Ảnh minh họa:tapchitaichinh.vn) |
Thực trạng và thành tựu ngành nông nghiệp nước ta những năm gần đây
Tính đến năm 2021, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 48,31 triệu tấn. Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển đổi từ diện tích cây trồng hàng năm không hiệu quả sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn như chuyển đổi diện tích trồng lúa bị hạn hán, nhiễm mặn hoặc kém hiệu quả, sang trồng rau, màu, cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả tạo ra những sản phẩm có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước với giá trị thu được cao hơn trồng lúa. Đối với từng loại cây, vừa cơ cấu lại diện tích, vừa thay đổi giống cây trồng phù hợp, cho năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt.
Lúa là cây trồng chủ lực của nước ta. Năm 2021, sản xuất lúa gạo đánh dấu một năm sản xuất lúa thắng lợi với năng suất tăng ở tất cả các mùa vụ, tổng diện tích gieo trồng lúa đạt 7,24 triệu ha, năng suất trung bình cả năm đạt cao với 6,06 tấn/ha, sản lượng lúa đạt 43,88 triệu tấn.
Nhóm cây ăn quả có diện tích gieo trồng tăng, chủ yếu tập trung vào nhóm các loại quả, như: sầu riêng, dứa, ổi, mít, bưởi, xoài. Hiện nay, diện tích trồng một số cây ăn quả chủ yếu là xoài đạt 114,2 nghìn ha, bưởi 108,3 nghìn ha, cam 93,8 nghìn ha, chuối 155,3 nghìn ha, nhãn 82,5 nghìn ha, vải 54,8 nghìn ha, mít 72,2 nghìn ha, ổi 23,1 nghìn ha, sầu riêng 84,8 nghìn ha.
Nhóm cây công nghiệp có diện tích gieo trồng năm 2021 tăng ở cây điều, cà phê và cao su. Diện tích trồng điều đạt 314,6 nghìn ha, cà phê đạt 705,0 nghìn ha, cao su đạt 938,8 nghìn ha.
Gần đây, một số giống cây trồng xuất sắc như giống lúa lai thơm TH6-6, giống lúa Đài thơm, RVT, Lộc trời 28, giống lúa hạt tròn ĐS1 tại phía Nam (2019) cho năng suất từ 7-9 tấn/ha, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Úc và thị trường EU; Giống lúa ST25 cho gạo ngon nhất thế giới; Một số giống cây trồng mới có giá trị cao như giống Đậu núi cho hàm lượng Omega 3-6-9 cao, giống ngô sinh khối SSC 586... giống cỏ ngọt ST77, ngọt gấp 300 lần đường mía, nhưng chiết xuất được loại đường không năng lượng, dùng cho người bị bệnh tiểu đường, có tác dụng chống béo phì, giảm cholesterol trong máu...
Thành tựu nổi bật của nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây là kim ngạch xuất khẩu nông sản đến thị trường trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tăng mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 10, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 50 tỷ USD.
Mặc dù đạt được những thành tựu xuất sắc trong những năm qua nhưng xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp. Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu tiêu, điều, tôm, cá tra, cà phê, đồ gỗ nội thất, gạo, nhưng thứ hạng về giá xuất khẩu lại rất thấp. Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu xếp thứ 1 thế giới, nhưng giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ đứng thứ 8; hạt điều đứng thứ 1 thế giới, nhưng giá đứng thứ 6, gạo, cà phê đứng trong nhóm thứ 2 và thứ 3 thế giới, nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 10. Giá trị xuất khẩu thấp, phần nhiều do Việt Nam còn xuất thô và sơ chế.
Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường. Trong giai đoạn 2010 - 2021, xuất khẩu các sản phẩm nông sản phụ thuộc hai thị trường là Trung Quốc và Hoa Kỳ chiếm 47,2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản trong 5 tháng đầu năm 2021. Chất lượng các nông sản xuất khẩu chưa ổn định, trong những năm qua, trong khi các yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng cao, nhất là các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu còn thấp. Mặc dù có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở vị trí dẫn đầu thế giới, nhưng có đến hơn 80% chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác của Việt Nam.
Định hướng phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2050
Chiến lược đưa ra nền tảng tổ chức lại sản xuất để phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lại nông nghiệp. Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất, đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”. Ngành nông nghiệp sẽ hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, ngành cũng sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Theo đó, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5% đến 3%/năm, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 đến 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1% đến 1,5%/năm... Đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, đẹp...
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phát triển nền công nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn
Xu thế phát triển nông nghiệp của thế giới và của Việt Nam trong thời gian tới là xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái.
Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.
Nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh, giảm phát thải cũng như thực thi các cam kết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Tất cả đều hướng đến thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ Khoa học - kỹ thuật, Công nghệ sinh học, Công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm (hằng năm, trồng trọt là 88,9 triệu tấn, Chăn nuôi, 61 triệu tấn, Lâm nghiệp, 5,5 triệu tấn, thủy sản trên 1 triệu tấn... nếu tái chế có thể cho nhu nhập 30 tỷ USD) sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi, trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.
Có thể khẳng định, nông nghiệp tuần hoàn góp phần tạo ra hệ sinh thái khép kín. Quy mô của nông nghiệp tuần hoàn rất đa dạng, từ quy mô hộ gia đình đến trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp. Phát triển nông nghiệp tuần hoàn đang đi đúng hướng trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay. Việc tiết kiệm, giảm chi phí là vấn đề được ngành nông nghiệp và bà con nông dân quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Và hơn ai hết, chính nông dân dám mạnh dạn tìm hiểu, thay đổi và đầu tư sẽ mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng.
Nói đến phát triển nông nghiệp bền vững là nói đến nông nghiệp sinh thái, một nền nông nghiệp cùng lúc áp dụng cả khái niệm và nguyên tắc sinh thái, xã hội vào việc quản lý các hệ thống nông nghiệp, lương thực và thực phẩm; tối ưu hóa quan hệ tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường, đồng thời chú ý đến các khía cạnh xã hội cần được giải quyết để đạt được hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và bao trùm.
Với mục tiêu bảo vệ và khai thác hoạt động chức năng của hệ sinh thái, nông nghiệp sinh thái có lợi thế thành công ở quy mô lớn, bởi vậy hình thức sản xuất nông nghiệp này thường dựa trên sự đồng sáng tạo kiến thức, kết hợp khoa học với kiến thức truyền thống và thực tiễn tại địa phương của các nhà sản xuất. Bằng cách tăng cường khả năng tự chủ và năng lực thích ứng của nhà sản xuất, nông nghiệp sinh thái tăng quyền cho các nhà sản xuất và cộng đồng - đóng vai trò là tác nhân tạo ra thay đổi. Các tiến trình sinh thái sẽ được đẩy mạnh trên cơ sở áp dụng công nghệ. Bởi vậy, thâm canh nông nghiệp sinh thái hiện đại có thể kết hợp với nông nghiệp chính xác và ứng dụng công nghệ số.
Gần đây, nông nghiệp sinh thái đã được các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc đưa vào thảo luận như là một công cụ chiến lược để đạt mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp sinh thái có hiệu quả, trước tiên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò chủ chốt trong việc tư vấn, giám sát, phản biện các chương trình, dự án có liên quan đến mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu toàn cầu ngày một khốc liệt hơn. Nhiệm vụ này sẽ được Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội đồng khoa học ở các địa phương cùng thực hiện.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người kết nối, vận động cả hệ thống chính trị, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cộng đồng dân cư thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững trên cơ sở phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp sinh thái.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng thời là người đồng hành cùng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thông qua các Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư, những người có uy tín tại các cơ sở sản xuất, đặc biệt những vùng khó khăn. Gắn kết với các tổ chức thanh niên và học sinh ở địa phương để thực hiện tốt chương trình số hóa trong sản xuất nông nghiệp quy mô công nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, an toàn và thân thiện vơi môi trường.
Nếu gắn kết hài hòa các nhiệm vụ tư vấn, giám sát, phản biện, vừa là người vận động cùng đồng hành thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ nâng cao vị thế của mình, góp phần việc thực hiện thành công xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo xu hướng xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững, đưa Việt Nam trở thành cường quốc về nông nghiệp trong thời gian không xa, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu ngày một gia tăng.
Trần Đình Long
- Giáo sư, Viện sĩ, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam,
Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam