Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (25-7-1948 - 25-7-2018) và đón nhận Huân chương Sao Vàng _Ảnh: TTXVN
1. Bức tranh chung
Ở giai đoạn đầu, văn học đương đại chịu tác động “đa chiều” của bối cảnh chính trị, xã hội, sự pha trộn giữa thời bình và thời chiến; giữa cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp và cơ chế thị trường; giữa cái cũ, cái quen thuộc và cái mới,... khiến những người sáng tạo văn học, nghệ thuật khó tránh khỏi những ngỡ ngàng và cả sự háo hức trước những điều mới lạ, phong phú, phức tạp của đời sống xã hội.
Ngày 28-11-1987, Bộ Chính trị khóa VI ra Nghị quyết số 05-NQ/TW, “Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính”. Với Nghị quyết này, tinh thần dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật được coi trọng, các thử nghiệm, sáng tạo được khuyến khích, giao lưu văn hóa được mở rộng...
Ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị khóa X ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nghị quyết nhấn mạnh: văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Nghị quyết cũng khẳng định phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn hóa, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn áp đặt, “xâm lăng” văn hóa của các thế lực thù địch.
Trong số các nhà văn đi tiên phong trong đổi mới văn học, không ít người đã có thành tựu quan trọng từ thời kháng chiến, như Tô Hoài, Chế Lan Viên... Các nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp vẫn tiếp tục những bước cách tân vững chắc: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Trần Dần, Lê Đạt. Các nhà văn sớm khẳng định được tên tuổi của mình trong kháng chiến chống Mỹ đã có những sáng tạo mang tính đột phá cả về nội dung tư tưởng và bút pháp thể hiện, như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu... Tiếp bước họ, đội ngũ của những người viết văn giai đoạn mới dần dần trưởng thành. Bên cạnh các tác giả tiếp tục viết về đề tài truyền thống là một đội ngũ các nhà văn mới xuất hiện và ngay lập tức đã có được những dấu ấn, kết quả nổi bật, đó là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy... Văn học các dân tộc cũng có sự khởi sắc với Y Phương, Lò Ngân Sủn, Cao Duy Sơn, Inrasara...
Các nhà văn, nhà thơ có ý thức hơn trong việc đổi mới tư duy nghệ thuật và khẳng định cá tính sáng tạo. Ý thức về sự hội nhập với văn học khu vực và thế giới thể hiện trong mọi phương diện sáng tác, lý luận, phê bình, nghiên cứu, dịch thuật và trao đổi trực tiếp... Các phương tiện, phương thức truyền thông ngày càng trở nên phong phú, đa dạng hơn; cộng đồng người Việt yêu nước ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh. Thêm vào đó, việc mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa... với các nước trên thế giới đã tạo nên những môi trường, không gian thuận lợi, làm cho sự giao lưu văn học giai đoạn này mang tính sâu rộng, mạnh mẽ và toàn diện hơn.
Các quan niệm nghệ thuật không còn thuần nhất như trước mà trở nên đa dạng, tạo nên những “sắc màu” khác nhau trong sáng tác. Nền văn học giai đoạn này, về cơ bản, vận động theo tinh thần dân chủ, nhân văn. Người sáng tác mạnh dạn tạo nên sự bứt phá về bút pháp, dám nói, dám phản ánh những hiện thực trước đây được coi là “nhạy cảm”, thậm chí là “vùng cấm” và mạnh dạn thực hành những thủ pháp nghệ thuật mới, tiếp cận và hội nhập với văn hóa thế giới đương đại. Đã xuất hiện trong giai đoạn mới một đội ngũ nhà văn, nhà thơ với cách tư duy mới, cách viết mới, góp phần tạo nên một giai đoạn văn học với những thành tựu đa thanh, đa sắc.
Bên cạnh những thành công, văn học đương đại cũng đứng trước các thách thức không nhỏ. Sự tác động tiêu cực của kinh tế thị trường khiến không ít nhà văn, nhà thơ sa đà vào lối viết dễ dãi, dung tục, thương mại hóa nghệ thuật, đi quá xa những chuẩn mực văn hóa và đạo đức xã hội. Những mâu thuẫn giữa hội nhập với yêu cầu tiếp thu có chọn lọc văn hóa ngoại lai và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc... đã tạo nên sự “dùng dằng” hay “lạc lối” của không ít văn nghệ sĩ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. (Ảnh: An Đăng/TTXVN), tháng 8/2017.
2. Tình hình sáng tác và một số thành tựu
2.1. Thơ
So với văn xuôi, thành tựu của thơ đương đại có phần khiêm tốn hơn. Dù vẫn liên tục được đổi mới nhưng thơ vẫn chưa hình thành được các khuynh hướng, trường phái lớn. Nói đến sự đổi mới của thơ đương đại, không thể không nói đến sự đổi mới ở một số nhà thơ đã ít nhiều có thành tựu. Đó là độ “chín” và thành công của Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Trần Mạnh Hảo, Anh Ngọc, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Vương Trọng... ở chủ đề chiến tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong tất cả những yếu tố của sự đổi mới trong văn học thì sự cách tân trong thơ dường như là yếu tố được bạn đọc quan tâm hơn cả. Cuộc “cách mạng” ngôn từ và giọng điệu thơ đã được “khởi xướng” bởi một số nhà thơ lớp trước. Với quan niệm gắng tạo ra trong mỗi câu thơ nhiều “bóng chữ”, “đơn giản đồng nhất thơ vào chữ”, các nhà thơ Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường... đã có những cách tân nghệ thuật về mặt ngôn từ và có những thành công nhất định. Cuộc cách tân hình thức thơ được khá nhiều nhà thơ theo đuổi, tạo nên một trào lưu trong tìm tòi, sáng tạo để khắc phục sức ỳ của lối viết cũ - lối viết có phần dễ dãi, chỉ chạy theo đề tài mà ít dụng công nghệ thuật, không còn hoặc ít được bạn đọc quan tâm.
Những thập niên gần đây, nổi lên trào lưu thơ đề cao sự tự do của hình thức câu chữ và sáng tạo nghĩa mới. Những câu thơ trong xu thế thơ này hết sức tự do, gần với văn xuôi, thậm chí là nghiêng về tạo lập chữ, câu đơn giản. Việc không tuân thủ luật thơ truyền thống, phá vỡ cú pháp câu thơ, thể hiện ý tưởng bằng ngôn từ giản dị, kích thích tối đa suy tư của độc giả đã tạo nên một cách viết mới; những trăn trở, kiếm tìm những đề tài, chủ đề thơ mới, đi ra khỏi những giới hạn của truyền thống... là một xu hướng đáng chú ý trong thơ đương đại. Nổi bật trong xu hướng này là Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung, Inrasara... Những câu chữ giàu chất văn xuôi trong thơ Nguyễn Quang Thiều khi mới xuất hiện đã tạo sự phản ứng từ một số độc giả và các nhà thơ theo xu hướng truyền thống khi họ trung thành với quan niệm “thơ phải ra thơ, phải có vần điệu, nhạc điệu”... Sự xuất hiện những bài thơ xuất sắc, với cấu tứ và hình ảnh mới lạ, như Sông Đáy, Tiếng vọng, Những người đàn bà gánh nước sông, Bài hát về cố hương... của Nguyễn Quang Thiều, Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung... với diễn ngôn nghệ thuật tân kỳ là những đại diện tiêu biểu của xu hướng đó.
Ở giai đoạn đương đại, một số tác giả nữ từng trưởng thành thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã có nhiều tìm tòi, trăn trở trong sáng tạo. Đi đôi với sự thay đổi trong nhìn nhận hiện thực cuộc sống là sự quẫy cựa, phá cách trong bút pháp thể hiện. Những tác phẩm giàu nội tâm cùng cách viết phóng túng của thế hệ các nhà thơ đã khẳng định được vị thế trên thi đàn, như Đoàn Thị Lam Luyến, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mĩ Dạ, Nguyễn Thị Hồng Ngát,... đã tiếp sức cho những cây bút trẻ bứt phá táo bạo, khẳng định bản thể của mình, như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Phạm Thị Ngọc Liên, Dạ Thảo Phương, Bùi Tuyết Mai,...
Sáng tác của một số nhà thơ có xu hướng và mang đặc trưng khá rõ rệt của thơ hậu hiện đại. Nghệ thuật thơ có sự thay đổi, mang tính lắp ghép, cắt dán ngẫu nhiên, sử dụng nhiều các thủ pháp giễu nhại, đột hiện... Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại xem liệu thơ “hậu hiện đại” có làm nên một cuộc cách mạng thơ? Bởi đổi mới thơ không đồng nghĩa với việc tạo ra sự rắc rối về mặt ngôn từ đến nỗi người đọc không cắt nghĩa nổi một cảm xúc, không khắc họa được một hình ảnh và không tìm thấy một thông điệp...
Một xu hướng mang tính cách tân khác của thơ trẻ những năm gần đây là xu hướng kiệm lời, tiết giảm ngôn ngữ của các tác giả thế hệ 7x, 8x. Mức độ thành công của xu hướng này chưa thật rõ, nhưng đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú và sinh động của đời sống văn học.
Trong dòng chảy của thơ đương đại, thơ các dân tộc thiểu số cũng có những thành công và sự cách tân đáng ghi nhận. Nếu như tên tuổi và tác phẩm của các nhà thơ Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, Cầm Biêu... đã tạo nên vẻ đẹp mang bản sắc riêng của thơ các dân tộc thiểu số những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì sang giai đoạn văn học đương đại, các cây bút Y Phương, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn, Inrasara, Lò Ngân Sủn, Hùng Đinh Quý, Mai Liễu, Niê Thanh Mai, Hơ Vê, Bùi Tuyết Mai,... tiếp tục khẳng định tên tuổi bằng khả năng sáng tạo từ truyền thống, bằng ý thức đi sâu vào cội nguồn dân tộc để khám phá tiềm năng của cộng đồng mình.
Ngoài những thành tựu trên, thơ đương đại vẫn còn có một số tập thơ, câu thơ rơi vào bệnh hình thức, cá biệt có tập thơ sử dụng những ngôn từ và hình ảnh thiếu tính nghệ thuật hoặc viết về những cái tục tĩu, xa lạ với nghệ thuật chân chính; thơ với khuynh hướng “thơ rác”, “thơ bụi”, “thơ dơ”, “thơ bẩn”, thơ lạc chuẩn, tệ hại hơn, đó là những bài thơ, câu thơ cổ vũ tinh thần chống đối, đòi “giải thiêng thần tượng”, “hạ bệ thần tượng”, xúc phạm những giá trị cao quý, chân chính của dân tộc, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đả phá truyền thống thơ ca...
2.2. Văn xuôi
Văn xuôi được đề cập trong bài viết này bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và ký. So với các thể loại khác trong đời sống văn học, văn xuôi đương đại có được những thành tựu rất đáng khích lệ. Đây cũng là bộ phận đi tiên phong trong công cuộc đổi mới với những nhà văn tên tuổi, như Tô Hoài, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Chu Lai... và đặc biệt là Nguyễn Minh Châu, người được coi là nhà văn tiêu biểu cho sự đổi mới quyết liệt và cũng là người có được những thành tựu nghệ thuật mới nhờ thay đổi tư duy và cách viết.
Du khách xem triển lãm thơ được trưng bày ở Văn Miếu tại Ngày Thơ Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị thơ ca của dân tộc đến với công chúng cả nước, bạn bè quốc tế _Nguồn: vietnamplus
Tiếp bước những người mở đầu, là Nguyễn Mạnh Tuấn - người thu hút được sự chú ý của dư luận với các cuốn tiểu thuyết giàu chất thời sự, như Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù lao Tràm; Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma; Dương Hướng với Bến không chồng. Đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp với sự xuất hiện của các truyện ngắn tiêu biểu, như Tướng về hưu, Muối của rừng, Con gái thủy thần, Phẩm tiết, Vàng lửa, Kiếm sắc... Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh (lần đầu lấy tên là Thân phận tình yêu)...Văn xuôi các dân tộc anh em cũng có sự khởi sắc với Đọa đày của Vi Hồng, Đàn trời, Chòm ba nhà, Ngôi nhà bên kia suối của Cao Duy Sơn...
Nhìn chung, truyện ngắn và tiểu thuyết đều khởi sắc. Những mảng hiện thực ít được phản ánh bấy lâu, nay được các nhà văn tập trung hơn tạo nên những xu hướng mới như một sự nhận thức thêm về lịch sử, hiện thực. Có những truyện ngắn, tiểu thuyết đã vươn tới tầm khu vực và nhận được sự quan tâm của bạn đọc các nền văn học danh giá, hòa chung vào dòng chảy của văn học thế giới. Trong ý thức sáng tạo của nhà văn, đã có những đổi thay quan trọng, thậm chí có nhà phê bình đã nói đến sự biến đổi trong “hệ hình ý thức nhà văn”. Quan hệ giữa nhà văn và hiện thực cuộc sống đã có những liên hệ và cái nhìn khác trước. Nhà văn đã nhìn hiện thực bằng con mắt khách quan hơn, đi sâu tìm hiểu, lý giải những mặt trái, có xu hướng phản ánh nhiều hơn, dữ dội hơn những hạn chế của xã hội.
Xu hướng sử thi, viết về các đại tự sự có tính chất dân tộc, quốc gia, giai cấp, các sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu giảm dần, chất đời thường được tăng lên trong sự đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật. Sự thay thế “cái nhìn sử thi” bằng “cái nhìn tiểu thuyết” là đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết đương đại. Các nhà văn đề cao tinh thần phê phán, phản biện, tự ý thức của mỗi con người trên cơ sở của tinh thần nhân văn chủ nghĩa. Quan niệm con người kiểu sử thi - luôn vươn lên trở thành những biểu tượng về cái đẹp, cái hào hùng - trong văn học giai đoạn trước đã chuyển dần sang quan niệm con người thế sự với những trăn trở đời thường, có cả mặt tốt, mặt xấu.
Văn xuôi viết về đề tài lịch sử, đặc biệt là tiểu thuyết, đã có những biến chuyển và bứt phá đáng quan tâm, có mặt đáng mừng. Bên cạnh những tác phẩm vẫn trung thành với lịch sử được ghi lại trong các cuốn sử biên niên là những tác phẩm mà lịch sử chỉ còn là cái cớ để nhà văn thể hiện những sáng tạo mới mang đầy chất thế sự - hiện tại của mình. Tính đối thoại với lịch sử, nhìn lại lịch sử, “phản cổ tích”, “giải huyền thoại”... đã tạo nên những phản ứng nhất định của dư luận và bạn đọc. Một số truyện ngắn viết về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp là những ví dụ tiêu biểu cho xu hướng vừa nêu. Ở một khía cạnh khác, Nguyễn Xuân Khánh với tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa, Mẫu thượng ngàn lại là một đóng góp lớn cho những biểu hiện nghệ thuật mới của tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử từ những góc nhìn văn hóa.
Khác với giai đoạn trước, ở giai đoạn văn học đương đại, văn xuôi đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Trường nhìn của tiểu thuyết được mở rộng đến nhiều góc cạnh của cuộc sống đời thường, đặc biệt, tiểu thuyết đã có những “khoảng dừng” cần thiết, hợp lý trước những góc khuất, những bi kịch của số phận con người. Nhân vật tiểu thuyết mang tính đa chiều, đan dệt chằng chịt những mối quan hệ. So với trước, kết cấu của tiểu thuyết cũng linh hoạt hơn; câu chuyện tiểu thuyết được dồn nén trong một không gian chật hẹp... Ở thể loại truyện ngắn, xuất hiện khá nhiều kiểu nhân vật mới - kiểu nhân vật chưa từng xuất hiện trong văn học (nhân vật cô đơn, nhân vật bản năng, nhân vật sám hối...). Một trong những sự thay đổi được coi là mang tính “bước ngoặt” của truyện ngắn đương đại chính là khả năng nhận diện, khám phá hiện thực bằng cái nhìn cá thể; sử dụng kiểu cốt truyện co giãn linh hoạt, cốt truyện lỏng lẻo hay kiểu kết cấu bỏ ngỏ...
Bằng cái nhìn tổng thể, có thể coi những dấu hiệu chuyển mình nêu trên là giai đoạn khởi đầu và bùng nổ cho các thử nghiệm, tìm tòi các hình thức thể hiện mới về kết cấu, giọng điệu, phong cách, bút pháp, ngôn ngữ... tạo nên một cuộc cách tân trong văn học, đặc biệt là trong thể loại tiểu thuyết. Tất nhiên, không phải cuộc thử nghiệm nào cũng thành công, nhưng những thành tựu có được là rất đáng khích lệ.
Cùng với truyện ngắn và tiểu thuyết, ký cũng là một thể loại có nhiều đổi mới. Ký đương đại đã mạnh dạn, tự tin đi vào những góc khuất của đời sống hiện thực; trực diện, thẳng thắn bày tỏ quan điểm, thái độ cũng như những suy tư, trăn trở về cuộc sống mới. Tuy nhiên, bước đột phá đầy sáng tạo của ký chính là sự đổi mới điểm nhìn trần thuật: ký linh hoạt di chuyển điểm nhìn trần thuật từ vị trí độc thoại sang đối thoại, từ một điểm nhìn duy nhất sang cách miêu tả từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Điểm đáng chú ý của giai đoạn văn học đương đại chính là sự phục hưng của phóng sự - một tiểu loại của ký. Dù mới phục hưng nhưng những bước đột phá mạnh mẽ, tiên phong của phóng sự đã mở đường cho hành trình đổi mới văn học. Từ sau năm 1986, phóng sự có cái nhìn đa diện, đa chiều hơn về hiện thực. Những khoảng tối, “mờ chìm”, “khuất lấp” của đời sống, những số phận con người và cả những điểm sáng, những nhân tố mới mang niềm tin, hy vọng... trong đó, đặc biệt là số phận người lính thời hậu chiến, số phận những con người trong cuộc hành trình đi tìm công lý, số phận con người trước sự nghiệt ngã của hoàn cảnh - là mảng hiện thực được thể hiện khá thành công trong phóng sự đương đại. Ở giai đoạn này, cách viết và hiện thực trong các tác phẩm ký viết về chiến tranh không còn suôn sẻ, một chiều, các nhà văn đưa vào trong tác phẩm hiện thực nhiều chiều, trong đó có cả tổn thất và sự phản bội của ngay cả những cán bộ chỉ huy trước tính chất ác liệt, máu lửa của cuộc chiến. Tuy nhiên, ký chỉ thực sự nở rộ, bung ra khi phản ánh nhiều vấn đề của đời sống xã hội - từ những chủ trương, chính sách không còn hợp thời đến những kiểu người không còn phù hợp với thực tại mới sau chiến tranh... Phóng sự Cái đêm hôm ấy... đêm gì của Phùng Gia Lộc viết về việc thu thuế, phí ở Thanh Hóa in trên báo Văn nghệ đã như một hồi chuông báo động về nạn “quan lại, chức dịch mới” o ép người dân nghèo. Hàng loạt các phóng sự tiếp theo về các hiện tượng đặc biệt đầy chất thời sự, như Người đàn bà quỳ (Trần Khắc), Công lý, đừng quên ai (Lâm Thị Thanh Hà), Thủ tục làm người còn sống (Minh Chuyên)... ra đời phản ánh những tồn đọng cần giải quyết của cơ chế và xã hội trên nhiều phương diện, đặc biệt là những phản biện sắc sảo về pháp luật, chính sách, những sai trái và bất cập của chính sách, cơ chế ở tầm vĩ mô. Ở góc độ này, văn học cùng báo chí đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, phát hiện và giải quyết những yếu kém, tồn đọng, nan giải của xã hội trước yêu cầu đổi mới, nhu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.
Ngày 16-1-2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ra Nghị quyết số 12-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Hơn 4 năm sau, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 04-NQ/TW, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Các nghị quyết này như một luồng gió trong lành, mạnh mẽ, tiếp thêm năng lượng sáng tạo cho văn nghệ sỹ. Hiện thực từ những “khoảng tối mờ chìm, khuất lấp” được phóng sự quan tâm hơn. Nạn tham nhũng với những thủ đoạn tinh vi, táo tợn; các tệ nạn xã hội, như ma túy, mại dâm, buôn bán người qua biên giới...; vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường... được đề cập nhiều, là những đóng góp tích cực của phóng sự.
Bên cạnh hai mảng hiện thực trên, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến xuất hiện trong đời sống xã hội được phóng sự đương đại quan tâm. Đó là những tấm gương của những trí thức say mê sáng tạo, những người lao động chân chính vươn lên làm giàu bằng bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo, là những cống hiến to lớn, sự hy sinh thầm lặng của những người lính, là cái nhìn đẫm chất nhân văn cho hành trình vượt lên số phận của người khuyết tật, là sự hồi sinh kỳ diệu của những vùng đất chịu nhiều “mưa bom bão đạn” trong chiến tranh, những chuyển biến tích cực trên con đường phát triển, hội nhập... Phóng sự đã thắp sáng niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng, về cuộc sống và tương lai đất nước.
Tản văn cũng là một thể loại rất được ưa chuộng trong văn học vào những năm đầu thế kỷ XXI. Lực lượng tác giả viết tản văn rất hùng hậu. Ở thời kỳ đầu là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thế Mạc, tiếp theo là Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Hà, Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh)... Nổi bật là những tập tản văn xuất sắc đề cập đến muôn mặt cuộc đời, trong đó có một chủ đề mới - sinh thái nhân văn - của các tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường (Nhàn đàm, Người ham chơi, Miền gái đẹp...), Nguyễn Quang Thiều (Mùi của ký ức, Những di sản sống đất Thăng Long, Có một kẻ rời bỏ thành phố, Trò chuyện về những cái cây đã chết...) đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu đời sống của bạn đọc đương đại.
Nói về văn xuôi đương đại, không thể không nói đến sự pha trộn thể loại, như một đặc trưng của văn học giai đoạn này, đó là chất ký trong tiểu thuyết và truyện ngắn; chất thơ trong truyện, chất truyện trong ký. Độ mờ nhòe giữa các thể loại, sự đan xen các loại ngôn ngữ, thể loại trong cùng một tác phẩm đã tạo nên dấu ấn đặc biệt trong văn xuôi tự sự đương đại.
Một vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, phê bình là sự xuất hiện của văn học “hậu hiện đại” trong văn chương đương đại Việt Nam. Căn cứ vào “dấu hiệu mang tính chỉ dẫn” của sự cách tân, một số nhà phê bình cho rằng đã xuất hiện một khuynh hướng hậu hiện đại trong văn chương sau năm 1986. Những người đem lại sự đổi mới trong văn học đương đại cũng chính là những người thúc đẩy cho xu hướng hậu hiện đại hình thành và phát triển. Có thể thấy những dấu hiệu của xu hướng “hậu hiện đại” khá rõ nét trong các sáng tác giai đoạn cuối sự nghiệp của Nguyễn Minh Châu (Phiên chợ Giát, Cỏ lau, Chiếc thuyền ngoài xa...). Cảm quan “hậu hiện đại” trong sáng tác biểu hiện ở sự “rạn vỡ” nào đó của trật tự xã hội, ở sự khủng hoảng niềm tin ở mức nào đó của con người... Điều này được thể hiện khá rõ trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, như Tướng về hưu, Không có vua, Muối của rừng, Con gái thủy thần... và trong tác phẩm của một số tác giả khác. Ở đó, con người trở nên “đáng thương”, méo mó, cái đẹp thưa vắng, nếu có thì cũng khá yếu ớt và tồn tại trong trạng thái bi hài lẫn lộn. Những biểu hiện của chủ nghĩa hư vô hậu hiện đại, sự xuống cấp của trật tự xã hội và gia đình, sự đánh mất nhân cách, sự băng hoại đạo đức, sự lạc lõng của con người trong thế giới của mình...
Văn học hậu hiện đại vừa có sự ảnh hưởng từ văn học phương Tây, vừa ít nhiều mang tính nội sinh. Tuy nhiên, “hậu hiện đại” trong văn học Việt Nam cũng giống như nhiều trào lưu văn học, văn hóa khác, khi vào Việt Nam đều không mang tính triệt để, tức là nó không mang đầy đủ các đặc trưng của “hậu hiện đại” phương Tây. Khó có thể chỉ ra một nhà văn, nhà thơ hậu hiện đại “đích thực” trong văn học đương đại Việt Nam. Phong cách của nhà văn đương đại Việt Nam có sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa hiện đại và hậu hiện đại, giữa cách viết cũ và việc sử dụng những thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại trong sáng tác. Nói về thành tựu của văn học đương đại Việt Nam không thể không nói đến những đóng góp tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng chú ý của các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài. Đó là Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyên Sa, Nguyễn Thụy Vũ, Nguyễn Bá Chung, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Phan Quế Mai...
Bên cạnh nỗ lực và kết quả nêu trên, văn học Việt Nam đương đại cũng xuất hiện khuynh hướng hoặc nhầm lẫn, hoặc cố tình đi ra ngoài dòng chính, lệch lạc và sai phạm. Một số nhà văn đánh đồng, nhầm lẫn giữa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa, chiến tranh xâm lược và chiến tranh chống xâm lược. Miêu tả cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc như một cuộc nội chiến. Một số người hoặc công khai, hoặc bóng gió ám chỉ, đả kích chế độ, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ, kêu gọi “trí khôn nhà văn ở đâu?”, kích động văn nghệ sĩ “phản tỉnh”, “sám hối”, “rời bỏ chủ nghĩa xã hội”. Một số cuốn sách có nội dung lệch lạc, mơ hồ, nhìn cuộc sống u ám, định kiến, gây băn khoăn ở các mức độ khác nhau đối với người đọc, thậm chí, một số cuốn sách có nội dung sai trái, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ chủ nghĩa xã hội của nước ngoài được dịch, xuất bản hoặc lén lút tán phát ở Việt Nam...
Ngày 3-3-2014, ở trong nước, nhà văn Nguyên Ngọc công khai tuyên bố thành lập cái gọi là Ban vận động thành lập “Văn Đoàn Độc lập Việt Nam” - một tổ chức bất hợp pháp, “tuyên bố” đây là một tổ chức “xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước”. Một số thành viên là những người đã có “thương hiệu” đả kích, nói xấu chế độ như Hà Sĩ Phu, Châu Xuân Diên, Vũ Thư Hiên...
Thực tế đời sống văn học những năm gần đây đã cho thấy các sáng tác thuộc khuynh hướng cố tình đi ra ngoài dòng mạch chính, lệch lạc và sai phạm - như một tất yếu - sẽ sớm bị “khai tử” ngay trong tâm thức những bạn đọc chân chính; các tổ chức bất hợp pháp sẽ không có đất sống cả về mặt pháp lý và nghề nghiệp.
Theo PGS, TS. NGUYỄN THẾ KỶ/Tạp chí Cộng sản