V.I. Lênin đấu tranh chống lại phái dân túy để bảo vệ chủ nghĩa Mác và những gợi mở trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay

Sinh thời, V.I. Lênin luôn đấu tranh không khoan nhượng với các phái phi mác-xít, trong đó có phái dân túy để bảo vệ chủ nghĩa Mác. Tinh thần đấu tranh đó của V.I. Lênin có những gợi mở quý báu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.

V.I. Lê-nin đấu tranh chống lại phái dân túy để bảo vệ chủ nghĩa Mác

Năm 1895, khi Ph. Ăng-ghen - lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế qua đời, phong trào cách mạng ở một số nước Tây Âu có nhiều biến đổi, trước hết là sự hình thành các nhánh tư tưởng hữu khuynh, mà thực chất là dung hòa với quan điểm tư tưởng của giai cấp tư sản, chủ trương cải cách, từ bỏ chuyên chính vô sản... Trong bối cảnh ấy, trên thế giới cũng như ở nước Nga xuất hiện một số khuynh hướng tư tưởng phi mác-xít nhằm chống lại chủ nghĩa Mác thông qua việc “cắt xén và bóp méo một cách hết sức kỳ quái”(1) những quan điểm của C. Mác. Chính những biến động về mặt chính trị, xã hội và tư tưởng đó đã thôi thúc V.I. Lê-nin đấu tranh chống lại những tư tưởng phi mác-xít, trong đó có tư tưởng của phái dân túy để bảo vệ chủ nghĩa Mác.

 

V.I. Lê-nin luôn đấu tranh không khoan nhượng với các phái phi mác-xít, trong đó có phái dân túy để bảo vệ chủ nghĩa Mác _Tranh tư liệu

Phái dân túy hay chủ nghĩa dân túy (populism) là một trào lưu xã hội - chính trị ở Nga, ra đời vào nửa cuối thế kỷ XIX. Nguồn gốc xã hội của nó là cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, chủ yếu là nông dân, nhằm đòi ruộng đất và thủ tiêu các hình thức bóc lột của chế độ nông nô. Ban đầu, phái dân túy có nhiều tư tưởng tiến bộ, vì những người theo phái này căm thù sâu sắc chế độ chuyên chế của Nga hoàng; nhiệt tình bênh vực chủ trương mở rộng giáo dục, đề cao chế độ tự quản, bảo vệ lợi ích của quần chúng, chủ yếu là nông dân Nga lúc bấy giờ. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của phái dân túy nhanh chóng bị thất bại, do tư tưởng và phương pháp đấu tranh của họ mang nặng tính không tưởng tiểu tư sản. Dù vậy, sau đó phong trào đấu tranh này vẫn tồn tại dai dẳng nhưng mang nặng tính tự do và trở thành trào lưu phản động, thỏa hiệp, đi đến làm tay sai cho Nga hoàng và thực chất là bảo vệ quyền lợi của tầng lớp phú nông. Vì vậy, “bản chất của chủ nghĩa dân túy là sự hỗn tạp những tư tưởng dân chủ nông nghiệp với ước mơ xã hội chủ nghĩa, hy vọng bỏ qua chủ nghĩa tư bản - một biến dạng của chủ nghĩa xã hội không tưởng tiểu tư sản ở nước Nga, đó là hệ tư tưởng của phái dân chủ nông dân”(2).

Nhận thấy tính chất cải lương, không tưởng của phái dân túy, V.I. Lê-nin đã viết một số tác phẩm để phê phán tư tưởng của phái này, trong đó tiêu biểu nhất là tác phẩm “Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao” (năm 1894). Đây là một tác phẩm có tính chất luận chiến nhằm phê phán các nhà lý luận của phái dân túy tự do. Trên cơ sở đó, V.I. Lê-nin bảo vệ chủ nghĩa Mác trong điều kiện thực tiễn đã có nhiều thay đổi ở nước Nga những năm cuối thế kỷ XIX.

Theo V.I. Lê-nin, tư tưởng của phái dân túy có xu hướng chống lại những quan điểm của chủ nghĩa Mác, vì họ dựa trên nền tảng chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Phái dân túy cho rằng, chủ nghĩa Mác chỉ là sự sao chép lại “tam đoạn luận” của Hê-ghen chứ không có gì mới. Do đó, họ bài xích những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật của C. Mác; xem xét sự phát triển của lịch sử xã hội loài người chỉ như là quy luật tự nhiên đơn thuần. Hơn nữa, họ cho rằng, nông dân là lực lượng trung tâm của cách mạng, do vậy chủ trương đi lên chủ nghĩa xã hội từ công xã nông thôn. Những người thuộc phái dân túy tự xưng là “những người bạn dân” khi ủng hộ nông dân, cổ xúy nông dân đứng lên làm cách mạng.

V.I. Lê-nin đã lên tiếng phê phán tư tưởng của một số thủ lĩnh thuộc phái dân túy, như Mi-khai-lốp-xki, Xtơ-ru-vê..., khi cố tình xuyên tạc những quan điểm của chủ nghĩa Mác về giai cấp, đấu tranh giai cấp và sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử xã hội loài người. Ông gọi đó là một sự “cắt xén và bóp méo một cách hết sức kỳ quái” chủ nghĩa Mác. Ông chỉ rõ: “Chủ nghĩa dân túy điều hòa, nhu nhược, đa cảm và mơ mộng của những “người bạn dân” sẽ không thể đứng vững lâu được, khi nó bị tấn công từ hai phía: một phía thì bị phái cấp tiến chính trị tấn công, vì những “người bạn dân” có thể tin vào bọn quan lại và không hiểu được sự cần thiết tuyệt đối phải có đấu tranh chính trị; phía khác thì bị những người dân chủ - xã hội tấn công, vì “những người bạn dân”, tuy không có liên quan gì với chủ nghĩa xã hội và hoàn toàn không có một khái niệm nào về nguyên nhân gây ra sự áp bức người lao động và về tính chất cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra, nhưng lại muốn được coi là những người xã hội chủ nghĩa hay gần như vậy”(3).

Trên cơ sở chỉ rõ những nhận thức lệch lạc của phái dân túy đối với chủ nghĩa Mác, V.I. Lê-nin đi đến khẳng định tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác trên những khía cạnh cơ bản nhất. Trước hết, ông phê phán nhận thức sai lầm của phái dân túy khi đồng nhất phép biện chứng duy vật mác-xít với tam đoạn luận của Hê-ghen. Theo ông, bản chất của phép biện chứng duy vật thể hiện ở tính khách quan khi xem xét các sự vật, hiện tượng, không dung hòa với bất kỳ đồ thức luận chủ quan, thuần túy lô-gíc nào. Hơn nữa, phép biện chứng duy vật mác-xít không có tham vọng trở thành một “khoa học phổ quát” theo kiểu lô-gíc học của Hê-ghen, mà là phương pháp nghiên cứu hiện thực khoa học. V.I. Lê-nin khẳng định tính chất duy vật triệt để của phép biện chứng mác-xít khi nghiên cứu lĩnh vực lịch sử, bởi “chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng thế, nó không bao giờ có tham vọng giải thích tất cả mà chỉ có ý muốn vạch ra một phương pháp - theo lời của C. Mác (Tư bản) - “duy nhất khoa học” để giải thích lịch sử”(4).

V.I. Lê-nin phê phán quan điểm của phái dân túy khi phái này khẳng định quan điểm về hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác chỉ là chủ nghĩa duy vật kinh tế, và cố tình xuyên tạc rằng xuất phát điểm của C. Mác khi nghiên cứu về lịch sử xã hội là hoạt động kinh tế, là phương thức sản xuất, chứ không phải là lĩnh vực tinh thần, tư tưởng như một số nhà triết học trước kia. Bằng sự mỉa mai, châm biếm, V.I. Lê-nin viết: “Trước hết xuyên tạc Mác, sau đó nói huyên thuyên về những điều tự mình bịa đặt ra, rồi thì dẫn chứng một cách chính xác một số ý kiến, để rồi bây giờ trâng tráo tuyên bố rằng những tư tưởng đó thu hẹp phạm vi hoạt động của chủ nghĩa duy vật kinh tế”(5).

Trên cơ sở phê phán những quan điểm sai lầm, phiến diện của phái dân túy về lịch sử xã hội, V.I. Lê-nin tiếp tục khẳng định tính đúng đắn trong quan điểm của chủ nghĩa Mác về hình thái kinh tế - xã hội. Ông cho rằng: “Việc phân tích những quan hệ xã hội vật chất khiến chúng ta có thể nhận thấy ngay được tính lặp lại và tính hợp quy luật, và có thể đem những chế độ của các nước khác nhau khái quát lại thành một khái niệm cơ bản duy nhất là: hình thái xã hội(6). Khẳng định này là cơ sở để V.I. Lê-nin xác định đúng định hướng chủ đạo của cách mạng Nga, từ đó bác bỏ quan điểm không tưởng của phái dân túy khi cho rằng cách mạng Nga có thể đi theo một con đường riêng rẽ. Có thể coi tác phẩm “Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao” là một tác phẩm luận chiến kiểu mẫu của V.I. Lê-nin, bởi trong đó ông đã kiên định lập trường mác-xít, kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác trước những luận điệu xuyên tạc, sai lầm, phiến diện của những phái phi mác-xít, đặc biệt là phái dân túy. Để bảo vệ chủ nghĩa Mác, ông đã đánh giá công lao to lớn của C. Mác trong việc phát hiện ra những quy luật của lịch sử xã hội - một trong hai phát hiện vĩ đại của C. Mác. Ông khẳng định: “Nếu Đác-uyn đã đánh đổ hẳn được quan niệm cho rằng những loài động vật và thực vật là không có liên hệ gì với nhau cả, là ngẫu nhiên mà có, là do “Thượng đế tạo ra” và là bất biến, và ông là người đầu tiên đã làm cho sinh vật học có một cơ sở hoàn toàn khoa học bằng cách xác định tính biến dị và tính kế thừa của các loài, - thì Mác cũng thế, Mác đã đánh đổ hẳn được quan niệm cho rằng xã hội là một tổ hợp có tính chất máy móc gồm những cá nhân, một tổ hợp mà nhà cầm quyền (hay là xã hội và chính phủ thì cũng vậy) có thể tùy ý biến đổi theo đủ mọi kiểu, một tổ hợp sinh ra và biến hóa một cách ngẫu nhiên”(7).

Như vậy, V.I. Lê-nin không những chỉ ra những sai lầm, phiến diện của chủ nghĩa dân túy mà còn luôn kiên định với chủ nghĩa Mác, bảo vệ chủ nghĩa Mác bằng việc khẳng định những giá trị đúng đắn, khoa học, cách mạng trong đó; đồng thời, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào giải quyết những vấn đề căn bản của thực tiễn cách mạng nước Nga những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Có thể nói, V.I. Lê-nin là người kế tục xuất sắc sự nghiệp của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, là người luôn tích cực đấu tranh chống lại những phe phái phi mác-xít để bảo vệ chủ nghĩa Mác bằng mọi cách. Tinh thần đấu tranh không khoan nhượng đó của V.I. Lê-nin có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.

Những gợi mở từ cuộc đấu tranh chống lại phái dân túy của V.I. Lê-nin đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay

Tại Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với chủ nghĩa Mác -  Lê-nin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”(8). Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta.

Nhìn lại chặng đường hơn 90 năm vẻ vang của Đảng, ngay từ khi ra đời, xuất phát từ yêu cầu khách quan, trong điều kiện hoạt động giữa vòng vây của kẻ thù và sự chống phá quyết liệt của nhiều thế lực phản cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng, đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VI “Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay” (tháng 12-1989); Nghị quyết số 01-NQ/TW “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” (tháng 3-1992); Nghị quyết số 09-NQ/TW “Về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” (tháng 2-1995); đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” (tháng 1-2012) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (tháng 10-2016). Tinh thần và bản lĩnh của Đảng trong việc lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng được thể hiện đậm nét nhất trong Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, trong đó các cơ quan báo chí, tuyên truyền các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Như vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được xác định là nhiệm vụ sống còn của Đảng, của chế độ ta hiện nay. Có thể nhận thấy một điểm tương đồng rất rõ giữa việc V.I. Lê-nin luôn tích cực, kiên trì bảo vệ chủ nghĩa Mác với việc Đảng ta luôn kiên trì, kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi lẽ nếu V.I. Lê-nin coi chủ nghĩa Mác là vũ khí lý luận sắc bén của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung, phong trào cách mạng vô sản ở Nga nói riêng thì Đảng ta coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Từ việc V.I. Lê-nin đấu tranh chống lại các phái phi mác-xít, trong đó có phái dân túy để bảo vệ chủ nghĩa Mác, chúng ta có thể rút ra một số nguyên tắc có tính chất phương pháp luận trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay như sau:

Thứ nhất, trong bất kỳ hoàn cảnh và tình huống nào cũng phải luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đây là nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng. Do đó, mỗi người mác-xít, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn kiên trì với nền tảng tư tưởng đã lựa chọn, luôn có bản lĩnh vững vàng trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Sự kiên định ấy không chỉ dừng lại trong tư tưởng, mà cần được thể hiện ở những hành động, việc làm cụ thể. Đối với V.I. Lê-nin, trước bối cảnh, điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng có nhiều thay đổi so với thời đại của C. Mác và Ph. Ăng-ghen; trước sự trỗi dậy của các khuynh hướng tư tưởng tư sản và các loại chủ nghĩa cơ hội, xét lại, dân túy..., ông luôn giữ vững lập trường của người cộng sản chân chính, đấu tranh không khoan nhượng với các khuynh hướng tư tưởng và các loại chủ nghĩa đó để bảo vệ chủ nghĩa Mác bằng mọi cách. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, ông đã có nhiều tác phẩm bút chiến, luận chiến để đấu tranh trực diện với kẻ thù. Tinh thần đấu tranh đó cho thấy bản lĩnh kiên định, vững vàng của người kế tục sự nghiệp của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, và đến lượt mình, V.I. Lê-nin tiếp tục ghi dấu công lao to lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trở thành lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới. Sự kiên định về lập trường tư tưởng cũng chính là ngọn lửa thử vàng, là nguyên tắc tối cao của cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

 

Mỗi cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh vững vàng trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch (Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuyên truyền cho nhân dân về các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước) _Nguồn: bienphong.com.vn

Thứ hai, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là sự thống nhất biện chứng của hai quá trình: vừa tiếp tục khẳng định những giá trị phổ quát, đúng đắn của chủ nghĩa Mác, vừa không ngừng bổ sung, phát triển và vận dụng linh hoạt những nguyên lý của chủ nghĩa Mác trong điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Chính V.I. Lê-nin từng chỉ rõ: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(9). Trong các tác phẩm luận chiến, bút chiến, khi đấu tranh chống lại tư tưởng sai lầm, phiến diện của các phái phi mác-xít, một mặt, V.I. Lê-nin bảo vệ những quan điểm đúng đắn, bền vững của chủ nghĩa Mác; mặt khác, vận dụng, bổ sung, phát triển những quan điểm đó bằng thực tiễn sinh động của nước Nga nói riêng và các nước trên thế giới nói chung vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sự vận dụng của V.I. Lê-nin đối với quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về cách mạng vô sản trong việc thực hiện thành công Cách mạng Tháng Mười Nga, xây dựng nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới là sự khẳng định rõ ràng và đanh thép nhất về tính đúng đắn trong quan điểm đó của C. Mác và Ph. Ăng-ghen.

Chúng ta đang sống trong điều kiện có nhiều cái rất khác so với thời của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Khoa học - công nghệ có những bước tiến nhảy vọt trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Tri thức xã hội phổ biến đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, như C. Mác từng dự báo; năng suất lao động, nhờ vậy, tăng lên nhanh chóng. Nền kinh tế tri thức đã ra đời và đang được vận hành khá hiệu quả ở nhiều nước phát triển. Quá trình quốc tế hóa mà vào thế kỷ XIX C. Mác nói đến đã thực sự trở thành quá trình toàn cầu hóa trong thời đại chúng ta. Ở các mức độ khác nhau, tất cả các nước đều bị cuốn hút và hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa, bởi vì nó đã “xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi”(10). Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Mác - Lê-nin mặc dù có nhiều giá trị bền vững cho đến ngày nay nhưng không phải không có những điểm cần được bổ sung, phát triển. Việc bổ sung, phát triển đó không phải là “xét lại” hay làm lu mờ chân giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà làm cho những nội dung, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin có thêm sức sống mới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của giai đoạn cách mạng hiện nay. Đó là một việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi những người cộng sản chân chính phải kiên trì, có bản lĩnh và trách nhiệm đối với hệ thống lý luận cách mạng và khoa học được coi là nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.

Như vậy, với tinh thần của một người mác-xít chân chính và một người cộng sản kiên trung, V.I. Lê-nin luôn kiên định với chủ nghĩa Mác, tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai lầm, phiến diện, phản động để bảo vệ chủ nghĩa Mác, đồng thời phát triển những quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen lên một tầm cao mới, có giá trị phổ quát toàn thế giới. Tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của V.I. Lê-nin đã cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta - những người đang kế tục sự nghiệp của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù luôn xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một cuộc chiến đầy cam go với nhiều khó khăn, thử thách, song chúng ta tin tưởng rằng, với tinh thần kiên trì, kiên định, kiên trung, những người cộng sản đi theo lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin chắc chắn sẽ bảo vệ thành công nền tảng tư tưởng của Đảng./.

------------------------

(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1974,  t. 1, tr. 419
(2) Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Một số vấn đề về chủ nghĩa dân túy hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 9
(3) V.I. Lê-nin: Toàn tậpSđd, t. 1, tr. 427
(4), (5), (6), (7) V.I. Lê-nin: Toàn tậpSđd, t. 1, tr. 171, 172, 163, 165 – 166
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016,  tr. 7 - 8
(9) V.I. Lê-nin: Toàn tậpSđd, t. 4, tr. 232
(10) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 601

Theo TS. LÊ THỊ CHIÊN/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều