|
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ trong kháng chiến chống Mỹ.
ẢNH: TƯ LIỆU |
Ông giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khóa I, II, III, VI, VII, VIII, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Suốt cả cuộc đời, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này.
Thừa hưởng truyền thống yêu nước của gia đình và quê hương Bình Đại, Bến Tre, được chứng kiến cảnh khủng bố dã man của địch đối với phong trào đấu tranh yêu nước, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Huỳnh Tấn Phát đã có những nhận thức về con đường đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tháng 9/1938, tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Huỳnh Tấn Phát trở lại Sài Gòn làm tập sự ở văn phòng kiến trúc sư người Pháp Chauchon, rồi năm 1940 tự mở văn phòng kiến trúc sư riêng ở số nhà 68-70 đường Mayer nay là đường Võ Thị Sáu, Thành phố Hồ Chí Minh. Là một tài năng xuất chúng, ông đã sớm khẳng định được tên tuổi trong làng kiến trúc Việt Nam đương thời với nhiều công trình thiết kế có giá trị nghệ thuật và thực tiễn. Không chỉ có ngọn lửa đam mê với nghề, trong ông tinh thần yêu nước, bầu nhiệt huyết cách mạng luôn sôi sục, cháy bỏng, thôi thúc ông làm điều gì đó cho đất nước. Tháng 9/1941, ông mua lại manchette tờ báo công khai Thanh niên để truyền bá những tư tưởng tiến bộ, tập hợp và khơi dậy lòng yêu nước của lực lượng thanh niên. Ông là một trong những sáng lập viên và hăng hái hoạt động trong phong trào truyền bá quốc ngữ ở Nam Kỳ với vai trò là Trưởng ban cổ động.
Sau ngày phát xít Đức đầu hàng Đồng minh (8/5/1945), kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã tích cực giúp đồng chí Trần Văn Giàu thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ về tuyên truyền, vận động thanh niên trí thức. Văn phòng kiến trúc sư của ông trở thành nơi tổ chức lớp huấn luyện bí mật đầu tiên về chủ nghĩa Mác-Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn. Theo GS. Trần Văn Giàu: mục đích của lớp huấn luyện là làm cho các trí thức hiểu rõ “lẽ tất yếu của lịch sử”, hiểu vì sao phải làm cách mạng và làm cách mạng thế nào để thành công. Từ đó hun đúc lý tưởng, trang bị kiến thức về đường lối cách mạng cho trí thức dân tộc. Chương trình bồi dưỡng tập trung vào hai vấn đề lớn: (1) Cách mạng Đông Dương và (2) Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin1.
Ngày 5/3/1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi được giao làm Bí thứ Tân Dân chủ Đảng, là cốt cán trong việc tuyên truyền, huấn luyện thanh niên, trí thức, công nhân, học sinh. Ông quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư để chuyên tâm cho nhiệm vụ cách mạng. Cuối tháng 5/1945, ông tham gia thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong và được phân công làm Trưởng ban Tổ chức. Các hoạt động của ông góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp thanh niên yêu nước chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông đã cùng với các đồng chí của mình thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy, tổ chức vận động nhân dân vùng lên dưới ngọn cờ Việt Minh giành chính quyền ở Sài Gòn. Ông được phân công chỉ đạo công tác tuyên tuyền của chính quyền cách mạng. Ngày 1/4/1946, ông bị Pháp bắt và kết án 2 năm tù. Trong lao tù của đế quốc, với bản lĩnh “thép”, tinh thần cách mạng tiến công, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã tổ chức tuyệt thực chống chế độ “cặp rằng” tàn bạo, thành lập Liên đoàn tù nhân Khám Lớn Sài Gòn để tổ chức đấu tranh với địch, giáo dục và giữ vững lòng yêu nước của các tù nhân chính trị.
Ra tù (tháng 11/1947), ông được Đảng phân công nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Khu ủy viên Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam,… Ông có đóng góp quan trọng trên mặt trận tuyên truyền, vận động quần chúng, nhất là vận động đội ngũ trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ, Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do.
Sau kháng chiến chống Pháp, ông tiếp tục bám trụ ở Sài Gòn, xây dựng mạng lưới cơ sở trong tầng lớp trí thức và công chức của chính quyền Ngô Đình Diệm, đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước. Theo yêu cầu của tổ chức, giữa năm 1959, ông chuyển ra hoạt động ở vùng Tam giác sắt (Củ Chi - Trảng Bàng - Bến Cát), tiếp tục chỉ đạo công tác trí vận, xây dựng cơ sở nội thành, mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cốt cán cho phong trào. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, với vai trò là Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã tích cực triển khai đường lối cách mạng miền Nam, xây dựng chính sách của Mặt trận, tổ chức Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định, Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông là tác giả của lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là quốc kỳ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Từ tháng 6/1969, trên cương vị là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đoàn kết nhân dân miền Nam, “hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, tạo điều kiện cơ bản để xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, phồn vinh, tiến đến hòa bình thống nhứt Tổ quốc”2. Các hoạt động trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã góp phần hình thành và củng cố “ba tầng mặt trận”: Mặt trận nhân dân các dân tộc trong nước, Mặt trận nhân dân ba nước Đông Dương và Mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai.
Sau khi đất nước thống nhất, ông được Đảng, Nhà nước phân công làm Phó Thủ tướng Chính phủ và tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa I nhiệm kỳ 1977-1983. Thời gian này, ông đã cùng Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch và Ban Thư ký xây dựng nội dung, tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”. Bản Chỉ thị đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng ta về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tháng 6/1982, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 1983-1988, ông được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là giai đoạn đầy biến động của tình hình thế giới và trong nước: khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài, phe xã hội chủ nghĩa đứng trước nguy cơ tan vỡ, chính sách bao vây, cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch đối với Việt Nam,… Đại hội VI của Đảng (1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đòi hỏi công tác Mặt trận phải có bước chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng được yêu cầu mới. Với vai trò Chủ tịch, ông đã cùng Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trăn trở, suy nghĩ đề ra những chủ trương, quyết sách quan trọng đối với công tác Mặt trận phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và thế giới, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Các hoạt động của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã tích cực đưa Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư vào cuộc sống. Ông tăng cường đi thực tế địa phương để nắm bắt tình hình nhân dân, chú trọng các chính sách cụ thể, trăn trở đến việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ Mặt trận. Chính trong thời kỳ này, Mặt trận đã đề ra chủ trương hướng về cơ sở, đưa công tác Mặt trận đến địa bàn dân cư, hộ gia đình. Chỉ trong thời gian ngắn, mạng lưới Mặt trận đã được phủ khắp các địa phương trong toàn quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được mở rộng về hoạt động thực tiễn và tổ chức, đã phát huy vai trò trên hầu khắp các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng. Các phong trào do Mặt trận chủ trì và phát động đã góp phần khắc phục những khó khăn về kinh tế, ổn định đời sống nhân dân3. Đó là bước chuyển biến chưa từng có, tạo tiền đề quan trọng cho việc đổi mới về nhận thức, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận các nhiệm kỳ tiếp theo. Cũng trong thời kỳ này, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III, trong đó có xây dựng Văn kiện Đại hội, với ba định hướng chính, bốn quan điểm cơ bản và Chương trình hành động sáu điểm, thể hiện tinh thần đổi mới, nhất là đổi mới về phương thức hoạt động của Mặt trận.
Nhân dịp Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/1985), cuốn sách “Mấy vấn đề công tác Mặt trận trong giai đoạn cách mạng hiện nay” của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát được xuất bản nhằm định hướng nhận thức về Mặt trận và công tác Mặt trận trong tình hình mới. Theo ông, "Xây dựng tốt xã hội chủ nghĩa, điều quan trọng là phải xây dựng quan hệ người và người văn minh, tốt đẹp, trên cơ sở một nền đại công nghiệp cơ khí phát triển. Đó là một quá trình giải quyết tốt các mâu thuẫn trong các mối quan hệ giai cấp, quan hệ xã hội", "Chính trên cơ sở giải quyết tốt các mâu thuẫn ấy trong xã hội, mới có được một mặt trận đoàn kết toàn dân vững mạnh, mới thật sự tạo được sự nhất trí cao về chính trị và tinh thần trong nhân dân"4. Giải quyết tốt các mối quan hệ giai cấp, quan hệ xã hội chủ yếu bằng các chính sách kinh tế - xã hội một cách hợp lý chính là nhằm tăng cường sự liên minh các giai cấp. "Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, chính trị và xã hội là thống nhất, cũng nhằm một mục đích đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng một xã hội văn minh tốt đẹp"5. Do vậy, phải biết kết hợp chặt chẽ giữa sự quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước với những hoạt động xã hội của các đoàn thể quần chúng. Mặt trận trong thời kỳ mới được xác định: "Mặt trận của nhân dân lao động dựa trên cơ sở liên minh công nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng" và vai trò của trí thức xã hội chủ nghĩa "góp phần tạo nên một sức mạnh vững chắc cho Mặt trận dân tộc thống nhất trong quá trình phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta"6.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - con người được “kết tinh những phẩm chất của người Việt Nam nói chung, người trí thức Việt Nam nói riêng, được môi trường nơi anh sinh, lớn lên và hoạt động đóng dấu ấn “hào khí Đồng Nai, Cửu Long”8 - có sức lôi cuốn lớn, không phải bằng chức vụ mà bằng chính con người ông. Bất kỳ ai từng làm việc và quen biết ông cũng cảm nhận được bầu nhiệt huyết cách mạng toát lên từ một tài năng, nhân cách lớn. GS. Trần Văn Giàu đã viết về ông: “Ít nói nhưng khi nói thì được nhiều người nghe theo, ít trình diện trước đám đông, mà khi ra mắt đồng bào thì lời lẽ sáng tỏ, hùng hồn, lôi cuốn. Riêng con người Huỳnh Tấn Phát tự nhiên thu hút, gây cảm tình, gương mặt, nụ cười, tướng đi, cử chỉ bình thường, thảy thảy đều vẽ lên một con người khiêm tốn, đoàn kết. Con người ấy là một con người chân thành cách mạng, hoạt động vì lý tưởng độc lập, xã hội chủ nghĩa mà không vướng víu bất kỳ một quyền lợi cá nhân ích kỷ nào. Có năng lực. Có nhân cách. Được yêu mến và kính trọng bởi tài nghệ và hoạt động”9. Con người, cuộc đời và sự nghiệp của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã để lại cho đời những giá trị tinh thần vô giá về một nhân cách lớn của một trí thức yêu nước, trọn đời hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân.
Chú thích:
1,9. GS. Trần Văn Giàu: “Huỳnh Tấn Phát trong cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 ở Sài Gòn”, in trong sách Huỳnh Tấn Phát - Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 23, 24.
2. Huỳnh Tấn Phát: Tuyên bố về Chương trình hành động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nxb. Giải phóng, 1969, tr.13.
3. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Quyển III (1975-2004), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.293-294.
4,5,6,7. Huỳnh Tấn Phát: Mấy vấn đề công tác Mặt trận trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 20, 29, 28, 30.
8. Trần Bạch Đằng: “Người trí thức - Cộng sản kiên cường”, in trong sách Huỳnh Tấn Phát - Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 36.
Chu Văn Khánh - Thạc sĩ, Phó Giám đốc
Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Bùi Thị Hoàn - Thạc sĩ, Giám đốc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam