|
Học sinh Trường Tiểu học Kim Giang được chăm sóc tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: hanoimoi.com.vn) |
Gần đây nhất, ngày 28/3/2023, Trường tiểu học Kim Giang (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tổ chức cho 915 học sinh khối một và khối hai đi tham quan. Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Sau bữa ăn, đến 18 giờ cùng ngày, đã có 72 học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn ói, phải nhập viện. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật, độc tố vi sinh vật, nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm chứa độc tố, quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm không bảo đảm, hoặc do phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây ra. Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau vài ngày.
Trường hợp bị nặng, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt, trẻ em, nhất là trẻ mầm non, có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, dễ bị ngộ độc nếu thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm. Trẻ trong độ tuổi này bị ngộ độc thường rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, cơ sở giáo dục thường được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ. Mặc dù vậy, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn tại cơ sở giáo dục, nhất là an toàn thực phẩm đối với các quán hàng ăn vặt lưu động được bày bán trước cổng trường học tại nhiều địa phương trên cả nước.
Để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho học sinh và an toàn thực phẩm trong trường học, các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào chế biến, chất lượng sản phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…
Các trường học, cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời phân công cán bộ, nhân viên hằng ngày kiểm tra thực phẩm đầu vào, quá trình chế biến, bảo quản, lưu mẫu thức ăn; thường xuyên phối hợp hội cha mẹ học sinh, ban giám sát an toàn thực phẩm kiểm tra, theo dõi đột xuất nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh nhằm hạn chế tối đa tình trạng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn.
Nhà trường cần phối hợp cơ quan chức năng tổ chức giám sát chặt chẽ các sản phẩm, thực phẩm được tặng miễn phí hoặc phân phát trong các chương trình giới thiệu sản phẩm, quảng cáo, bán, quà tặng do các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực nhà trường. Trường hợp phát hiện hay nghi ngờ sản phẩm không bảo đảm an toàn, yêu cầu tạm dừng sử dụng sản phẩm và phối hợp các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh và xử lý kịp thời.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hằng năm, thời điểm giao mùa xuân-hè thường xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, do vi sinh vật phát triển, làm thức ăn nhanh hỏng, ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận. Vì thế, trường học cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giáo viên, nhân viên nhà trường về việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh truyền qua thực phẩm.
Theo TRUNG TUYẾN/Báo Nhân dân