Ảnh minh họa
Xem TV, máy tính nhiều gây cận thị
Xem TV, làm việc với máy tính nhiều mỏi mắt nhanh hơn đọc sách, nguyên nhân chính liên quan đến tần số chớp sáng của đèn hình. Nhiều thí nghiệm cho thấy, màn hình có tần số làm tươi (refresh) thấp rất dễ gây mỏi mắt do mắt người thấy hình ảnh bị nháy liên tục, nhất là các màn hình thế hệ cũ trước đây. Mặt khác, đối với màn hình TV cũ thì chùm electron bắn ra cũng là một yếu tố gây hại cho mắt. Nhưng với các màn hình phẳng plasma, LCD (tinh thể lỏng) hiện nay thì cả hai vấn đề trên đều đã được khắc phục, tần số làm tươi rất cao khiến mắt không còn thấy hiện tượng nhấp nháy và ánh sáng của màn hình là ánh sáng bình thường không có lẫn tia âm cực nữa. Một nguyên nhân khác khiến màn hình hại mắt hơn là yếu tố ánh sáng và độ tương phản. Người dùng máy tính thường không để ý xem độ sáng và độ tương phản của màn hình có phù hợp với mắt của mình không hay với ánh sáng chung của căn phòng không. Do đó, hiện tượng nhìn lâu khi xem TV hay làm việc với máy tính làm mỏi mắt xảy ra với rất nhiều người.
Một nguyên nhân nữa chính là sự “hấp dẫn” của máy vi tính (hay TV), chúng buộc người ta tập trung hơn, chớp mắt ít hơn dẫn tới mắt nhanh mỏi hơn do không được nghỉ ngơi. Sự lạm dụng khi ngồi xem TV hoặc dùng máy tính hàng tiếng đồng hồ, tức là nhìn gần liên tục trong hàng tiếng đồng hồ rất gây hại cho mắt. Nhìn gần lâu, ít chớp mắt, cộng với ánh sáng không phù hợp khiến cho thể thủy tinh (nhân mắt) bị phồng quá lâu, khi cần giãn thì không giãn được như cũ (giống như một cái lò xo hỏng). Tình trạng này lặp lại liên tục qua nhiều ngày, nhiều tháng cuối cùng sẽ dẫn đến mất khả năng nhìn xa, mắc phải tật cận thị.
Khi bị bệnh cận thị có nên đeo kính liên tục không?
Các bác sĩ khuyên người bị cận thị nên đeo kính khi học tập, sinh hoạt để tránh cho mắt phải điều tiết khi bỏ kính, tránh mỏi mắt và tăng độ cận. Điều đó có nghĩa là khi nhìn vật ở ngoài khoảng cực viễn thì mắt lại điều tiết. Cơ chế của sự điều tiết này giống sự điều tiết bình thường khi vật gần mắt. Đó là một phản xạ vô điều kiện xảy ra khi không nhìn rõ vật.
Khi bị cận thị phải đeo kính vì không đeo thì rất khó nhìn và nhiều bạn trẻ đeo kính vào trông có vẻ thư sinh, trí thức hơn. Nếu nhìn những thứ nằm ngoài cực viễn thì mắt cận không thấy rõ được, đương nhiên cần đeo kính, ví dụ khi đi đường, khi nhìn bảng trong lớp học… Nếu vật nằm trong khoảng cực cận đến cực viễn thì kính sẽ đưa vật lại sát mắt hơn. Tuy nhiên, người bị cận thị cũng nên có thời gian không dùng kính và tập nhìn xa khi không làm việc với mắt nhiều để cho mắt có thời gian nghỉ và thay đổi tầm nhìn để thư giãn.
Mắt của trẻ em đã bị cận thị cần có sự chăm sóc chu đáo. Ngoài việc phòng chống các bệnh về mắt, cần cho trẻ đi khám thị lực theo định kỳ để điều chỉnh kính thuốc phù hợp. Trong gia đình, cần có sự quan tâm, nhắc nhở để trẻ sử dụng máy tính, xem TV với thời gian thích hợp. Hướng trẻ đến các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại cùng với bạn bè để cho mắt được nghỉ không phải thường xuyên tiếp xúc với thiết bị nghe nhìn điện tử. Không nên sử dụng kính không phù hợp với lứa tuổi. Có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ tăng cường thị lực, có lợi cho mắt nhưng phải tuân theo hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc chuyên khoa.
ThS. Lê Quốc Thịnh/Theo Tạp chí Bảo hiểm Xã hội