|
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Worcester, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo một nghiên cứu tổng hợp được công bố mới đây trên tạp chí Clinical Nutrition ESPEN, các nhà khoa học không tìm thấy mối liên hệ mang tính thống kê nào giữa việc bổ sung vitamin C, vitamin D hay kẽm và việc giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, phân tích cho thấy những người đã bổ sung vitamin D ít khả năng phải đặt nội khí quản hơn và thời gian nằm viện trung bình ngắn hơn so với người chỉ điều trị COVID-19 bằng các liệu pháp cơ bản.
Nghiên cứu tổng hợp này do nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Toledo (Mỹ) thực hiện, trong đó họ phân tích tổng cộng 26 nghiên cứu khác nhau, gồm 10 thí nghiệm đối chứng ngẫu nhiên và 16 nghiên cứu quan sát thực hiện với 5.633 bệnh nhân COVID-19. Các nhà khoa học đã tổng hợp các nghiên cứu này và sử dụng kỹ thuật thống kê để phân tích, đánh giá tác dụng tổng thể của các loại thuốc bổ dùng trong điều trị COVID-19.
Kết quả cho thấy những nghiên cứu đánh giá việc bổ sung vitamin C, vitamin D hay kẽm không phát hiện có bất kỳ hiệu quả mang tính thống kê nào về việc giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, những nghiên cứu về việc sử dụng vitamin D, trong đó so sánh 927 bệnh nhân COVID-19 có bổ sung loại vitamin này với 2.570 bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp cơ bản, cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có bổ sung vitamin D phải đặt nội khí quản thấp hơn số bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp cơ bản 45% và số ngày nằm viện trung bình cũng ít hơn 1,26 ngày.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên về mối liên hệ có thể có giữa vitamin D và bệnh COVID-19. Trước đó, một phân tích tổng hợp đăng tải trên tạp chí Critical Reviews in Food Science and Nutrition hồi tháng 11/2020 cho thấy sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến việc bệnh nhân COVID-19 có thể trở nặng hơn. Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí PLOS ONE, trong số 1.176 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện ở Israel, những người thiếu vitamin D có nguy cơ bệnh trở nặng cao gấp 14 lần so với những người đủ loại vitamin này.
Theo giới chuyên gia, vitamin D có thể đóng vai trò điều chỉnh những phản ứng khác nhau của hệ thống miễn dịch. Nó có thể giúp các tế bào xác định “kẻ xâm nhập”, đồng thời cũng ngăn chặn phản ứng vượt quá tầm kiểm soát. Những chức năng này cũng có thể có tác dụng trong việc ngăn ngừa bệnh nhân COVID-19 trở nặng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh việc sử dụng vitamin D không phải là biện pháp thay thế cho việc tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo Trần Quyên (TTXVN)