Đây được coi là một mục tiêu “khó nhằn” vì với mỗi cá thể riêng biệt lại có những triệu chứng khác nhau. Theo ghi nhận, có đến hơn 200 triệu chứng hậu COVID-19 khác nhau đã và đang ảnh hưởng tới hàng triệu người bệnh.
Hãng Reuters đưa tin các nhà sản xuất thuốc lớn trên thế giới, bao gồm những hãng sáng chế thành công thuốc kháng virus và kháng thể đơn dòng đối với COVID-19, đã thảo luận bước đầu với các nhà nghiên cứu nhằm đạt được mục tiêu điều trị hội chứng COVID-19 kéo dài.
Một số công ty như GlaxoSmithKline, Vir Biotechnology và Humanigen xác nhận họ đã thảo luận với các nhà khoa học về việc thử nghiệm thuốc điều trị. Trong khi đó, một số khác như hãng dược phẩm Pfizer và Roche bày tỏ sự quan tâm song không tiết lộ chi tiết kế hoạch.
Các chuyên gia xác định bệnh nhân bị mắc hội chứng COVID-19 kéo dài là bệnh nhân có những triệu chứng như mệt mỏi, đau ngực, chứng não sương mù… kéo dài hơn 3 tháng sau khi xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tại Mỹ, thống kê cho thấy cứ 7 bệnh nhân ở độ tuổi lao động lại có một người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài.
Bà Sandi Zack (53 tuổi), một cựu giáo viên tiểu học tại Atlanta, chia sẻ bà luôn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, đau người và tim đập nhanh kể từ khi mắc COVID-19 hồi tháng 12/2020. Bà đã tìm tới nhiều bác sĩ chuyên khoa để xin giúp đỡ và được kê các loại thuốc nhằm giảm các triệu chứng, bao gồm thuống kháng viêm steroid và thuốc chống trầm cảm fluvoxamine.
Giới nghiên cứu đã đưa ra những phán đoán ban đầu về những nguyên nhân chính gây ra COVID-19 kéo dài, bao gồm tổn thương do nhiễm trùng ban đầu, các ổ chứa virus còn tồn tại trong cơ thể, phản ứng tự miễn dịch không được điều chỉnh gây ra tình trạng viêm quá mức, dẫn đến tổn thương mạch máu nhỏ hoặc dây thần kinh.
Các nhà khoa học đặt ra mục tiêu cuối cùng là những loại thuốc thử nghiệm thành công sẽ khôi phục chức năng bình thường của ti thể, đóng vai trò là nhà máy sản xuất năng lượng cho tế bào. Ti thể tổn thương có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài quá mức mà rất nhiều bệnh nhân COVID-19 đang phải trải qua.
Trò chuyện với một số nhà khoa học, Reuters tiết lộ hiện chưa có đến 20 dự án thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc điều trị.
Đại học London ở Anh đang thử nghiệm 4 loại thuốc trên 4.500 bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài. Bốn loại thuốc bao gồm 2 thuốc kháng histamine, thuốc điều trị bệnh gút colchichine và thuốc chống đông máu Xarelto của hãng Johnson & Johnson. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy các loại thuốc này có hiệu quả trong điều trị một số triệu chứng COVID-19 kéo dài như viêm nhiễm và đông máu.
Trong khi đó, công ty Axcella Therapeutics của Mỹ phối hợp với Đại học Oxford ở Anh đang thử nghiệm thuốc điều trị viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH).
Tại thành phố Seattle (Mỹ), để điều trị tình trạng mệt mỏi kéo dài hậu COVID-19, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Fred Hutchinson đang thử nghiệm loại thuốc có khả năng loại bỏ một số cấu trúc ARN trong máu có liên quan đến việc gây rối loạn tự miễn dịch ở những bệnh nhân mắc lupus ban đỏ và hội chứng Sjogren.
Hãng dược phẩm Moderna đã tài trợ vaccine cho một thí nghiệm ở Anh để kiểm tra xem liệu vaccine của hãng có thể giúp kích hoạt hệ miễn dịch và giảm các triệu chứng COVID kéo dài hay không.
Bên cạnh khó khăn trong xác định nguyên nhân gây bệnh, tài chính cũng là một trở ngại trong cuộc chạy đua của các công ty.
Berlin Cures, một công ty công nghệ sinh học Đức, cho biết họ chỉ có đủ tiền để thực hiện giai đoạn đầu tiên trong thử nghiệm thuốc tự miễn dịch. Loại thuốc này trước đó được dùng cho các bệnh nhân bị suy tim.
“Các bệnh nhân gọi cho chúng tôi và bật khóc. Một số người thậm chí còn muốn bán nhà để tài trợ cho chúng tôi, chỉ để có cơ hội chấm dứt căn bệnh này”, Peter Goettel – Giám đốc điều hành Berlin Cures – chia sẻ.
Theo Bảo Hà/Báo Tin tức