Ảnh minh họa.
Theo số liệu điều tra vào năm 2015, tỷ lệ thừa cân - béo phì ở khu vực thành thị là 21,1% và ở nông thôn là 7,6%. Nguyên nhân thừa cân béo phì trẻ em, theo các tác giả đều liên quan đến vấn đề chế độ mất cân đối (ăn nhiều chất béo) và ít hoạt động thể lực.
Nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tình trạng thừa cân béo ở học sinh từ 6-18 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh gia tăng đáng báo động. trên 11.072 học sinh được chọn ngẫu nhiên tại 30 trường học cấp tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP. Các học sinh tham gia nghiên cứu được đo chiều cao, cân nặng, vòng bụng và huyết áp. Kết quả tỷ lệ thừa cân béo phì là 41,4%, trong đó 19% ở mức độ béo phì.
TS Lưu Thị Mỹ Thục, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết việc phòng ngừa thừa cân béo phì ngay từ đầu bằng việc kiểm soát chế độ ăn và vận động của trẻ sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn nhiều so với việc điều trị khi trẻ đã bị béo phì.
Về cơ chế nhận diện trẻ thừa cân béo phì, theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh cơ chế sinh bệnh chịu ảnh hưởng của 3 yếu tố: di truyền, nội tiết tố và môi trường sống.
Việc điều trị thừa cân béo phì cần phải có sự kiên trì phối hợp giữa bác sĩ, trẻ béo phì và cha mẹ trẻ, bằng nhiều liệu pháp kết hợp.
Một cách tiếp cận mới trong điều trị béo phì đang được nghiên cứu gần đây là tiếp cận hoạt động hệ vi khuẩn chí đường ruột. Việc điều trị này gồm thay đổi thành phần hệ vi khuẩn chí đường ruột của người béo phì bằng cách sử dụng các vi sinh vật có lợi (probiotic)…
Các chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa đều cảnh báo, cần kiểm soát tốt không để gia tăng béo phì thừa cân ở trẻ em vì đây sẽ là hậu quả rất xấu đối với sức khỏe, như gia tăng các bệnh mãn tính liên quan đến lối sống và dinh dưỡng: đái tháo đường, tim mạch, ung thư, giảm tuổi thọ. Ngoài ra, còn gây tình trạng rối loạn cảm xúc hay tự ti ở trẻ…
Theo PV/Tạp chí Bảo hiểm xã hội