|
Một số địa phương đã tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi: Ảnh: TTXVN |
BS. Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo: Cha mẹ cần tìm hiểu và có kiến thức để chuẩn bị cho trẻ trước khi tiêm và biết cách theo dõi trẻ trong và sau khi tiêm. Cụ thể:
Trước khi trẻ tiêm, cha mẹ cần:
- Giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vaccine phòng COVID-19.
- Cho trẻ ăn đầy đủ, không để trẻ bị đói khi đi tiêm.
- Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm. Nếu cha mẹ đồng ý cho trẻ tiêm vaccine COVID-19, hãy ký xác nhận Phiếu đồng ý cho trẻ tiêm chủng.
- Khai báo y tế trước khi đến điểm tiêm theo quy định.
- Bố trí đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng lịch đã được đăng ký.
- Thực hiện nghiêm 5K.
Trong khi tiêm:
Nếu cha mẹ đi cùng trẻ đến điểm tiêm, hãy động viên và cùng với trẻ thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đầy đủ các quy định tại điểm tiêm.
Sau khi trẻ tiêm vaccine, cha mẹ cần:
- Động viên và cùng với trẻ ở lại điểm tiêm 30 phút sau khi tiêm để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng sau khi tiêm.
- Sau khi trẻ rời khỏi điểm tiêm, trẻ cần được tự theo dõi tại nhà trong 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.
BS. Trần Thu Nguyệt cũng lưu ý, sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, nếu thấy trẻ có một trong các biểu hiện sau, cha mẹ cần liên hệ với Đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện (theo số điện thoại hoặc địa chỉ được điểm tiêm chủng cung cấp:
- Trẻ thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.
- Trẻ thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
- Dấu hiệu ở họng: Trẻ có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
- Về thần kinh: Trẻ có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
- Về tim mạch: Trẻ có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.
- Về đường tiêu hóa: Trẻ có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
- Về đường hô hấp: Trẻ có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
- Hoặc trẻ có biểu hiện toàn thân như: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt…
Theo Tạ Nguyên/Báo Tin tức