|
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, Việt Nam vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Ảnh: VGP/HM
|
Tác động rõ ràng nhất chính là sự sụt giảm lớn về số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu. Từ mức cao nhất là 7,1 triệu trường hợp được phát hiện bệnh trong năm 2019, giảm xuống còn 5,8 triệu vào năm 2020 (giảm 18%), trở lại mức phát hiện của năm 2012. Năm 2021, con số này đã có sự phục hồi nhỏ, lên mức 6,4 triệu trường hợp được phát hiện (bằng mức phát hiện của năm 2016-2017).
Ba quốc gia ảnh hưởng lớn nhất đến sự sụt giảm này là Ấn Độ, Indonesia và Philippines (chiếm 67% tổng số sụt giảm toàn cầu). Tuy đã có sự phục hồi vào năm 2021, nhưng tỉ lệ sụt giảm tại các quốc gia này vẫn chiếm tới 60% mức độ sụt giảm so với năm 2019. Một số quốc gia khác có mức giảm trên 20% so với tỉ lệ trung bình phát hiện của quốc gia, đó là Bangladesh (2020), Lesotho (2020 và 2021), Myanmar (2020 và 2021), Mongolia (2021) và Việt Nam (2021).
Việc giảm số ca bệnh lao được phát hiện trong năm 2020 và 2021 sẽ dẫn đến việc tăng số ca tử vong do lao và mức độ lây truyền trong cộng đồng sẽ mạnh hơn. Ước tính, trên toàn cầu vào năm 2021, số ca tử vong do lao là 1,4 triệu trường hợp trong nhóm người không có HIV và 187.000 trong nhóm người sống chung với HIV.
Ước tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao trên toàn cầu vào năm 2021, tăng 4,5% so với năm 2020 (10,1 triệu). Tỉ lệ mắc mới lao cũng tăng 3,6% trong năm 2021 so với năm 2020, đảo ngược hoàn toàn mức độ giảm 2% hàng năm đã tồn tại trong 2 thập kỷ. Số trường hợp mắc lao kháng thuốc cũng tăng lên trong năm 2021, với 450.000 trường hợp mắc mới.
Hiện, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2022).
Đặc biệt, tác động nặng nề của dịch COVID-19 lần thứ 4 với quy mô rộng và tác động mạnh nhất từ trước tới nay, mang tính chất thảm họa, cũng đã tác động mạnh đến công tác chống lao của Việt Nam. Nhiều bệnh nhân không tiếp cận các cơ sở y tế do sợ lây nhiễm hoặc phải làm xét nghiệm COVID-19 trước khi khám. Tỉ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới chỉ đạt 77%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của WHO (85%); tình hình phát hiện và thu nhận bệnh nhân lao kháng thuốc cũng thấp hơn chỉ tiêu rất nhiều (năm 2021 đạt 53% chỉ tiêu đề ra) dẫn tới nguy cơ quá hạn một số thuốc; chỉ tiêu phát hiện bệnh nhân lao nhi không đạt yêu cầu dẫn tới nguy cơ thừa thuốc lao nhi.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành tại Việt Nam vẫn có tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao rất cao như Bắc Kạn (100%), Khánh Hoà (94,2%) và Hậu Giang (98,7%).
Cố gắng phát hiện 100.000 ca bệnh mới năm 2022
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện, Chương trình chống lao quốc gia của nước ta vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.
Cả nước đã có 51/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. Chương trình chống lao tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, số bệnh nhân được phát hiện bệnh lao của Chương trình chống lao quốc gia đã có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí còn cao hơn cùng kỳ năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 chỉ mới xảy ra tại Việt Nam. Mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn tác động đến khu vực miền Bắc trong 3 tháng đầu năm, tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực miền Nam và miền Trung đã đóng góp rất lớn trong số liệu phát hiện trên toàn quốc.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Chương trình chống lao quốc gia đã phát hiện được 76.072 ca bệnh, chỉ đạt được 54,7% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, với những tín hiệu vô cùng tích cực như việc phục hồi lại hoạt động phát hiện và công tác chống lao tại các địa phương ngang bằng với giai đoạn trước COVID-19 cho thấy những nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc và việc đạt được con số 100.000 ca phát hiện trong cả năm 2022 là khả thi (mặc dù số liệu phát hiện cả năm sẽ không đạt được chỉ tiêu kế hoạch là 139.000 bệnh nhân lao các thể được phát hiện).
Để đạt được con số phát hiện trên, Chương trình chống lao quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Ngoài ra, những người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn nhằm giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao.
Đồng thời tiếp tục mở rộng tiếp cận phác đồ ngắn hạn thuốc uống và triển khai một số nghiên cứu liên quan đến điều trị lao đa kháng (nghiên cứu BPaL, BPaLM). Mở rộng tối đa dịch vụ điều trị lấy người bệnh làm trung tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh và tăng tir lệ tuân thủ. Tăng cường và áp dụng linh hoạt mô hình quản lý điều trị ngoại trú người bệnh lao kháng thuốc ngay từ đầu tại tuyến cơ sở, đặc biệt đối với những địa phương chưa có bệnh viện chuyên khoa. Tăng cường vận động sự tham gia của bệnh viện đa khoa thu nhận điều trị người bệnh lao kháng thuốc có chỉ định nhập viện để giảm thiểu việc di chuyển tới các cơ sở ngoại tỉnh…
Theo HM/Báo Chính phủ