|
Chi trả lương hưu. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khi chưa giàu đã già. Trong khi tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu còn thấp, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành, thiết kế các chính sách mới về lương hưu, trợ cấp, việc làm… để đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi.
Lấp "khoảng trống" về trợ cấp
Theo các chuyên gia, cấu phần thu nhập cơ bản nhất từ an sinh xã hội đối với người cao tuổi là lương hưu, trợ cấp hưu trí. Tỷ lệ người cao tuổi được hưởng lương hưu trong dân số càng cao thì mức độ bảo đảm an sinh cho người cao tuổi trên khía cạnh thu nhập càng lớn.
Thế nhưng, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2023, nước ta mới chỉ có 2,7 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội, số lượng này chiếm khoảng 16,77% tổng số người cao tuổi trên cả nước. Mức lương hưu bình quân của người cao tuổi là 4,75 triệu đồng/tháng.
Để mở rộng thêm mạng lưới an sinh xã hội đối với người cao tuổi, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung thêm trợ cấp hưu trí và bổ sung thêm chính sách trợ cấp hàng tháng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành là 80 tuổi). Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật mới là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành là 80 tuổi). Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Với quy định sửa đổi lần này, khi Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, dự kiến có thêm khoảng 1,2 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng.
Ngoài chính sách trợ cấp hưu trí, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình. Đặc biệt, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung 2 chính sách để lấp đi khoảng trống về trợ cấp đối với người cao tuổi không có lương hưu, không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi
Có một thực tế là các chính sách trợ giúp xã hội nhằm hỗ trợ, bù đắp vào khoảng trống về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu thường ở mức tối thiểu và thấp. Việc không có tích lũy, không có lương hưu hoặc lương hưu và trợ cấp xã hội thấp là các nguyên nhân chính để người cao tuổi tiếp tục làm việc, mưu sinh và sống dựa vào thu nhập từ việc làm.
Theo số liệu từ Điều tra Lao động-Việc làm năm 2023 của Tổng cục Thống kê, có đến 78,91% người cao tuổi là lao động tự làm và lao động hộ gia đình; 54,63% việc làm người cao tuổi trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có năng suất thấp và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; 40,47% người lao động cao tuổi làm các công việc giản đơn.
Mặc dù thực tế còn nhiều người cao tuổi đang làm việc nhưng theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số. Người lao động cao tuổi có rất ít lựa chọn việc làm, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc như: Bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già...
Thực tế người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không dễ dàng trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở Việt Nam vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng việc đảm bảo sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số.
Trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã bổ sung riêng 1 mục về chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi. Theo đó, người cao tuổi còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn việc làm, chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đào tạo nghề; giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động qua trung tâm dịch vụ việc làm; cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm.
Căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ và khả năng cân đối ngân sách, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động nhằm thích ứng bối cảnh già hóa dân số. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tuyển dụng và sử dụng người lao động là người cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe và khả năng.
Tiến sỹ Đinh Hữu Phí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Người Cao tuổi Việt Nam cho rằng việc xây dựng một mục riêng trong dự thảo Luật Việc làm bao gồm một số điều khoản cụ thể nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi là rất cần thiết để người cao tuổi có thêm thu nhập, cải thiện đời sống cá nhân và gia đình.
Theo Tiến sỹ Đinh Hữu Phí, việc có chính sách phù hợp, khả thi tạo việc làm cho người cao tuổi không những đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người cao tuổi mà còn phát huy vai trò của người cao tuổi như một nguồn lực, giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả sức lao động, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của người cao tuổi, góp phần giảm gánh nặng cho Nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Nhiều người lao động cao tuổi là nguồn nhân lực quý, có tri thức, trình độ, kinh nghiệm và vai trò xã hội, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do đó, về xây dựng các chính sách hỗ trợ việc làm sẽ góp phần phát huy vai trò người cao tuổi trong công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam./.
Năm 2023, Việt Nam có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 17% dân số. Đến năm 2030, nước ta sẽ có khoảng hơn 20 triệu người cao tuổi và còn khoảng 12 năm là bước vào thời kỳ dân số già (2024-2036), đây là khoảng thời gian rất ngắn so với các quốc gia phát triển khác. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.
Theo Hồng Kiều/(Vietnam+)
Dẫn nguồn: https://www.vietnamplus.vn/gia-hoa-dan-so-o-viet-nam-lap-khoang-trong-chua-giau-da-gia-cho-nguoi-cao-tuoi-post980358.vnp