Người dân có thể nhắn qua zalo đến cổng thông tin 1022 khi cần hỗ trợ khó khăn

Ngoài cách thức gọi điện đến 1022 – nhấn phím 2, người dân có thể gửi tin nhắn tới cổng thông tin “1022 TPHCM” trên Zalo để được hỗ trợ khẩn cấp khi gặp khó khăn vì dịch bệnh.
 Mã QR Zalo “1022 TPHCM” do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh triển khai. Ảnh chụp màn hình
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin từ người dân, từ ngày 1/8, Sở đã phối hợp VNPT đưa vào hoạt động hệ thống tương tác tự động (Callbot) để tiếp nhận thông tin của người dân cung cấp khi tất cả các tổng đài viên đang bận. Việc đưa vào sử dụng hệ thống Callbot về cơ bản đã đáp ứng lưu lượng cuộc gọi tăng cao trong thời gian qua.

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông và VNPT cũng đã khẩn trương đưa vào hoạt động phần mềm tiếp nhận và quản lý thông tin dành riêng cho Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Từ 12 giờ ngày 28/8, thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở đã nhận được sự hỗ trợ tăng cường lực lượng tổng đài viên từ Mobifone và Viettel giúp nâng cao năng lực tiếp nhận của tổng đài để kịp thời hỗ trợ thông tin người dân cần hỗ trợ khi gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Tất cả cuộc gọi đến tổng đài 1022 đều được các doanh nghiệp viễn thông miễn cước cuộc gọi.

Ngoài ra, sau khi gọi điện đến 1022 – nhấn phím 2 để được hỗ trợ, người dân sử dụng các loại điện thoại thông minh, có kết nối Internet có thể gửi tin nhắn đề nghị hỗ trợ qua ba phương thức khác: Truy cập vào website tongdai1022.tphcm.gov.vn – chọn mục “Gửi phản ánh”; tìm “1022 TPHCM” trên Zalo - chọn “Quan tâm” và Gửi thông tin cần hỗ trợ qua trợ lý ảo (chatbot); gửi phản ánh qua ứng dụng “Tổng đài 1022” trên điện thoại thông minh. 

Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh khuyến khích người dân gửi phản ánh, đề nghị hỗ trợ thông qua các hình thức nêu trên để các tổng đài viên 1022 có thể tiếp nhận cuộc gọi từ người dân không sử dụng điện thoại thông minh, người lớn tuổi hoặc không có điều kiện tiếp cận với công nghệ... Mục tiêu lớn nhất Sở và Thành phố mong muốn đạt được hiệu quả số lượng người dân được hỗ trợ, tiếp nhận thông tin được nhiều nhất và kịp thời.

Mã QR để cài đặt ứng dụng “Tổng đài 1022” trên các nền tảng điện thoại thông mình. Ảnh chụp màn hình 
Sắp tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cấp, đảm bảo hoạt động ổn định của Cổng thông tin 1022 và nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin của tổng đài.

Hiện nay, Cổng thông tin 1022 do Sở Thông tin và Truyền thông triển khai với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối (là chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng Thành phố) sẵn sàng tiếp nhận phản ánh từ người dân 24/7 để hỗ trợ xử lý nhanh nhất những thông tin phản ánh về các vi phạm trong phòng, chống COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. 

Theo Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều