Bác sĩ khám cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Ảnh: N.P
Suýt tàn phế vì tự ý dùng thuốc
Mới đây, chị C.T.L (34 tuổi, ở quận 2, TPHCM) đã phải đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM để khám vì sưng tấy, đau nhức, cứng khớp ngón tay. Chị cho biết, cách đây 7 tháng, các khớp ngón tay phải của chị bắt đầu sưng và đau nhức mỗi lần cử động, đến mức không thể gõ bàn phím để làm việc hằng ngày. Những ngày thời tiết thay đổi thì tình trạng còn tệ hơn. Tuy nhiên do công việc bận rộn, chị đã tự ý mua thuốc giảm đau về sử dụng. Sau đó tình trạng đau nhức có giảm. Nhưng, khi chị dừng uống thuốc thì các triệu chứng trở nặng hơn trước.
Theo BS. Cao Thanh Ngọc - Trưởng Đơn vị Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, chị L đến khám trong tình trạng các khớp ngón tay đã sưng to, tấy đỏ và đau nhức dữ dội mỗi khi cử động. Người bệnh được chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp và phim chụp X-quang cho thấy đã bắt đầu có hiện tượng hủy khớp. Nếu người bệnh đến khám trễ hơn thì nguy cơ dính khớp, biến dạng khớp dẫn đến tàn phế là rất cao. Ngoài ra, bệnh lý này còn ảnh hưởng đến toàn thân và làm tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Cũng phải tìm đến bệnh viện điều trị, bà T.T.B (62 tuổi, ở Vĩnh Long). Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp giai đoạn muộn. Cách đây 3 năm, bà B bị sưng đau hai khớp gối khiến việc đi lại thường ngày gặp nhiều khó khăn. Sợ uống thuốc tây, bà B quyết định mua một loại “thuốc Miên” về sử dụng qua lời giới thiệu của hàng xóm. Thời gian đầu, người bệnh giảm hẳn đau nhức. Tuy nhiên cách đây 1 năm, tình trạng sưng tấy, đau nhức hai đầu gối tái phát nặng hơn, đặc biệt là vào ban đêm và có biến dạng khớp gối khiến người bệnh không thể đi lại bình thường, dù vẫn đang dùng thuốc.
Đa số chẩn đoán muộn
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn thường gặp Việt Nam với biểu hiện sưng đau nhiều khớp kèm theo tình trạng cứng khớp buổi sáng kéo dài. Bệnh biểu hiện rõ rệt khi thời tiết thay đổi hoặc khí trời ẩm ướt. Theo các nghiên cứu y khoa, viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở tất cả các chủng tộc và tất cả các lứa tuổi. Lứa tuổi thường bị bệnh nhiều nhất là 30-50 tuổi (chiếm 73 - 85%). Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2 - 6 lần. Nếu nam giới mắc bệnh có xu hướng nặng hơn nữ giới.
Các dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp thường bị người bệnh bỏ qua vì cho rằng đó là những đau nhức thông thường của cơ thể do thời tiết hoặc hậu quả của làm việc quá sức. BS Cao Thanh Ngọc cho biết: “Khoảng 10% người bệnh đến khám các vấn đề liên quan đến xương khớp tại đơn vị chúng tôi được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Nhưng đa phần người bệnh đến khám khi bệnh đã bước vào giai đoạn tiến triển nặng và xuất hiện các hiện tượng hủy khớp, dính khớp, biến dạng khớp trên phim X-quang. Ở giai đoạn này, việc điều trị trở nên khó khăn và lâu dài hơn do người bệnh không đáp ứng các loại thuốc kháng thấp thông thường. Khi đó, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc sinh học”.
TS Cao Thanh Ngọc cũng khuyến cáo đối với bệnh lý viêm khớp dạng thấp, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng bởi những tổn thương phá hủy khớp có thể xuất hiện rất sớm trong quá trình của bệnh. Vì vậy, người bệnh cần đi khám khi có các dấu hiệu như đau nhức khớp hoặc cứng khớp thường xuyên vào buổi sáng; đau khớp dai dẳng, nặng thêm theo thời gian; khớp sưng, nóng, đau đối xứng; đau khớp, mệt mỏi, đôi khi sốt như cúm làm hạn chế vận động, hoạt động hàng ngày; sưng đau khớp kéo dài trên 2 tháng ở phụ nữ trung niên.
Theo Khương Quỳnh/Báo Lao động