|
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện một ca ghép gan.
|
Với sự phối hợp giữa Trung tâm và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ đã ghép tạng của hai người không may này mang lại sự sống cho tám người bệnh khác. Việc thực hiện thành công ca ghép nêu trên đem đến niềm tin, hy vọng, cơ hội về cuộc sống mới cho hàng nghìn người bệnh chờ ghép tạng. Bộ trưởng Y tế đã gửi thư khen tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người về thành công này.
Trong y học, ghép mô, tạng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh liên quan mô, tạng không hồi phục. Kỹ thuật này ngày càng phát triển, được đánh giá là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật giúp thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20.
Ở Việt Nam, nhiều cơ sở y tế đã làm chủ và thực hiện các kỹ thuật ghép tạng, với tỷ lệ sống cao. Số liệu thống kê cho thấy, đến ngày 31/12/2023 đã thực hiện 8.302 ca ghép tạng. Tuy nhiên thực tế hiện nay hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…
Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng đã mở ra một hướng đi, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song thực tế còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Đặc biệt phần lớn những ca ghép mô, tạng thời gian qua được lấy từ người hiến sống (chiếm tới hơn 90%), đi ngược so với xu hướng chung trên thế giới. Việc người sống hiến tạng chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mặt khác dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dẫn đến việc mua bán tạng trái phép…
Ước tính, mỗi ngày cả nước có khoảng 20 đến 30 người chết vì thiếu tạng ghép, trong khi đó có hàng chục người chết vì tai nạn giao thông, bệnh tai biến…
Nếu những người không may này hiến tạng thì việc cứu người và cải thiện cuộc sống cho những người bệnh bị suy mô, tạng đang chờ ghép chắc chắn được cải thiện hơn. Chính vì vậy, việc thay đổi nhận thức và thực hành về việc hiến ghép tạng từ người hiến chết, chết não cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn. Điều này sẽ mở ra cơ hội sống, cải thiện sức khỏe cho các bệnh nhân khác.
Thực tế hơn mười năm thực thi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cho thấy, đây là hành lang pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não tại Việt Nam.
Tuy nhiên cần có sự thúc đẩy mạnh mẽ, sự tham gia tích cực hơn nữa của các lực lượng liên quan về hoạt động truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng tại cơ sở y tế và trên địa bàn. Cần sửa đổi các quy định theo hướng bổ sung hình thức đăng ký online nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục đăng ký hiến tặng mô, tạng từ người chết não.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng cho rằng, cần đưa nội dung chẩn đoán chết não vào hoạt động thường quy đánh giá đối với tất cả người bệnh nặng xin về hoặc xuất viện, đồng thời báo cáo ngay thông tin người bệnh chết não về Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Đối với các cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật này chỉ tiến hành ghép mô, tạng khi người ghép có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia và có chỉ định ghép của Hội đồng tư vấn…
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thành lập Chi hội hiến mô bộ phận cơ thể người để thúc đẩy triển khai các hoạt động hiến tạng; tạo sự thống nhất về quy trình, nội dung hoạt động, triển khai hiệu quả, phù hợp với tình hình của đơn vị.
Chi hội sẽ phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trong việc tổ chức đăng ký hiến cũng như điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người. Mặt khác theo dõi, ghi nhận các trường hợp có nguy cơ chết não đang được điều trị tại đơn vị và vận động người nhà bệnh nhân đăng ký hiến mô, tạng... Hy vọng mô hình này hoạt động hiệu quả để có thể nhân rộng ra cả nước.
Theo Quang Minh/Báo Nhân dân