Mắt người là một cơ quan cảm giác phản ứng với ánh sáng, thực hiện chức năng nhìn, thu nhận lại hình ảnh, màu sắc của sự vật. Nhiều vấn đề về mắt có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về thị lực.
Dưới đây là một số bệnh và rối loạn về thị giác phổ biến cũng như cách ngăn ngừa.
Rối loạn và bệnh về mắt
Đôi mắt hoạt động theo cơ chế cho phép ánh sáng đi qua đồng tử để đến võng mạc, một lớp mô mỏng ở phía sau nhãn cầu.
Mống mắt là một màng sắc tố bao quanh đồng tử, có chức năng kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt.
Thủy tinh thể là bộ phận có cấu trúc trong suốt nằm phía sau đồng tử, giúp giác mạc hội tụ ánh sáng tới võng mạc. Võng mạc chứa các tế bào thụ cảm nhạy cảm với ánh sáng, có chức năng chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu.
Những tín hiệu này được truyền đến não thông qua các dây thần kinh thị giác, một bó sợi thần kinh dày phía sau mắt. Não bộ xử lý các tín hiệu này và chuyển chúng thành hình ảnh trực quan về vật chúng ta đang nhìn thấy.
Các rối loạn và bệnh về mắt có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của quá trình này, từ đó gây ra các vấn đề về thị lực. Một số bệnh có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị.
Các triệu chứng chung
Một số triệu chứng phổ biến về mắt có thể bao gồm:
- Mờ mắt
- Nhìn đôi (Song thị)
- Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc một vòng xung quanh đèn
- Nhìn thấy những điểm nổi
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Đau đầu
- Đau hoặc mỏi mắt
- Khó tập trung vào một cuốn sách hoặc máy tính
- Mắt lười (Nhược thị)
Một số triệu chứng sẽ xuất hiện khi còn trẻ và một số khác có thể xuất hiện khi lão hóa. Những triệu chứng này có thể nặng dần theo thời gian và phải điều trị y tế.
Các vấn đề về mắt thường gặp
Có nhiều vấn đề về mắt khác nhau có thể ảnh hưởng đến mắt và thị lực, trong đó phổ biến là các tật khúc xạ.
Hơn 150 triệu người ở Hoa Kỳ mắc tật khúc xạ, và đây là vấn đề thị lực phổ biến nhất.
Các tật khúc xạ bao gồm:
- Cận thị: nhìn các vật ở xa bị mờ.
- Viễn thị: nhìn các vật ở gần bị mờ
- Loạn thị: nhìn các vật ở xa và gần đều bị mờ, do giác mạc có độ cong bất thường
- Lão thị: mất dần khả năng tập trung vào các vật ở gần một cách tự nhiên và từ từ, điển hình là sau độ tuổi 40.
Nguyên nhân của tật khúc xạ là do các vấn đề về cấu trúc của mắt khiến ánh sáng không thể tập trung chính xác vào võng mạc. Chẳng hạn, lão thị xảy ra khi thủy tinh thể trở nên cứng hơn theo tuổi tác và không thể hội tụ ánh sáng tốt trên võng mạc.
Các tật khúc xạ thường có thể điều trị được bằng kính mắt hoặc kính áp tròng. Những người đủ điều kiện sức khỏe có thể thực hiện phẫu thuật để cải thiện thị lực. Ví dụ, phẫu thuật mắt bằng laser có thể khắc phục các vấn đề về giác mạc, giúp tập trung ánh sáng vào võng mạc tốt hơn.
Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác
Điểm vàng hay còn gọi là hoàng điểm của mắt, là một bộ phận nằm sâu ở vùng trung tâm võng mạc. Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác là hiện tượng mất thị lực trung tâm, xuất hiện khi tuổi tác tăng lên. Nguyên nhân là do điểm vàng bị tổn thương. Thoái hóa điểm vàng không gây ra mù hoàn toàn mà chỉ ảnh hưởng đến thị lực trung tâm. Tầm nhìn xung quanh của người bệnh vẫn còn bình thường, nhưng khả năng đọc, lái xe, nhận dạng màu sắc, sự tương phản đều bị suy yếu nghiêm trọng.
Thoái hóa điểm vàng có hai loại là dạng khô và dạng ướt. Thoái hóa điểm vàng dạng ướt xảy ra khi các mạch máu mới phát triển dưới vùng hoàng điểm, làm mất thị lực trung tâm nhanh chóng. Còn thoái hóa điểm vàng dạng khô xảy ra khi điểm vàng mỏng đi do lão hóa và làm mất dần thị lực trung tâm.
Hiện không có cách chữa khỏi bệnh thoái hóa điểm vàng thể khô do tuổi tác. Tuy nhiên, bác sĩ có thể điều trị các trường hợp thoái hoá thể ướt bằng cách tiêm thuốc vào mắt, điều trị bằng laser hoặc kết hợp cả hai.
Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở Mỹ. Tình trạng này gây ra một vùng đục trong thủy tinh thể có thể làm mờ tầm nhìn. Đục thuỷ tinh thể sẽ xấu đi theo tuổi tác, cuối cùng dẫn đến mất thị lực và không thể điều trị.
Bệnh có thể được kiểm soát bằng kính hoặc kính áp tròng. Đồng thời, thực hiện các thay đổi xung quanh môi trường sống và tại nơi làm việc, chẳng hạn như điều chỉnh đèn sáng hơn cũng có thể giúp người bị đục thuỷ tinh thể nhìn rõ hơn. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để thay thế thủy tinh thể bị đục bằng dụng cụ cấy ghép và phục hồi thị lực.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn
Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu theo thời gian, bao gồm cả các mạch máu ở võng mạc. Tổn thương có thể khiến máu và các chất lỏng khác bị rò rỉ, dẫn đến sưng võng mạc. Tình trạng này có thể không gây ra triệu chứng lúc đầu. Tuy nhiên, dần dần có thể tiến triển gây ra các đốm hoặc vệt đen trôi nổi và làm sai lệch tầm nhìn. Tổn thương cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như võng mạc bị tách ra khỏi đáy mắt.
Các bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng laser hoặc tiêm để điều trị tình trạng này. Trong trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật mắt có thể là bắt buộc.
Bệnh tăng nhãn áp (Glôcôm)
Tăng nhãn áp (Glôcôm) là một nhóm bệnh về mắt làm tổn thương dây thần kinh thị giác, gây ra các vấn đề về thị lực và mù lòa. Bệnh tăng nhãn áp thường là kết quả của việc chất lỏng tích tụ trong mắt và gây áp lực lên dây thần kinh thị giác.
Bệnh tăng nhãn áp góc mở là loại bệnh tăng nhãn áp phổ biến nhất ở Mỹ, xảy ra khi chất lỏng không thể thoát ra khỏi mắt. Người bệnh thường không nhận thấy các triệu chứng lúc đầu, nhưng theo thời gian sẽ dẫn đến mất thị lực. Thông thường, bệnh nhân sẽ cảm nhận được tầm nhìn xung quanh bị thu hẹp.
Các bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc nhỏ mắt hoặc điều trị bằng laser để làm giảm áp lực cho mắt. Phẫu thuật cũng có thể giúp thoát chất lỏng trong mắt, hỗ trợ cải thiện tình trạng một cách nhanh chóng.
Nhược thị
Nhược thị, còn được gọi là bệnh mắt lười, thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em. Ở những bệnh nhân nhược thị, não vì một lý do nào đó mà không thể nhận biết được hoàn toàn những hình ảnh mà mắt truyền đến. Nhược thị đa phần chỉ xảy ra ở một mắt, nhưng đôi khi có thể làm giảm thị lực ở cả hai mắt. Có nhiều nguyên nhân gây ra nhược thị trong đó có các tật khúc xạ hoặc đục thủy tinh thể. Nếu phát hiện sớm, nhược thị có thể được điều trị để ngăn ngừa tình trạng giảm thị lực.
Quá trình điều trị thường bao gồm việc đeo miếng che mắt bên ngoài hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt. Điều này sẽ giúp não bộ xử lý tầm nhìn từ mắt yếu hơn, cuối cùng cân bằng trạng thái ở cả hai mắt.
Bên cạnh đó, nếu xác định được nguyên nhân cụ thể, các phương pháp điều trị khác cũng có thể hữu ích, chẳng hạn như đeo kính để điều chỉnh tật khúc xạ hoặc phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Lác mắt
Lác mắt là tình trạng hai mắt không thẳng hàng với nhau khi nhìn vào một vật thể, do thiếu sự phối hợp giữa hai mắt khiến chúng mất cân bằng. Tình trạng này thường hay bắt gặp ở trẻ sơ sinh. Mắt bị lác có thể dẫn đến giảm thị lực nếu không được điều trị. Các bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân đeo kính, kính áp tròng, dùng thuốc hoặc phẫu thuật để giúp cân bằng hai mắt.
Mẹo để ngăn ngừa mất thị lực
- Đi khám mắt định kỳ
- Nhận thức được các yếu tố nguy cơ như béo phì hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh mắt
- Tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại rau có lá màu xanh đậm
- Bỏ hút thuốc
- Tập thể dục thường xuyên
- Đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời
- Đeo kính bảo hộ và kính khi có nguy cơ gây hại cho mắt, chẳng hạn như chơi thể thao hoặc công việc xây dựng
- Để mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút làm việc liên tục bằng cách nhìn vào một vật ở xa khoảng 6m trong 20 giây
- Vệ sinh cơ bản để tránh nhiễm trùng mắt, chẳng hạn như rửa tay sạch, hạn chế chạm vào mắt
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ
Ban đầu, một số bệnh về mắt có thể không có triệu chứng rõ ràng, nhưng sẽ nặng dần hơn theo thời gian. Bất kỳ ai có các triệu chứng của rối loạn hoặc bệnh về mắt nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để thăm khám.
Các rối loạn và bệnh về mắt phổ biến dễ xảy ra hơn trong quá trình lão hóa. Người lớn tuổi nên cố gắng kiểm tra thị lực thường xuyên để xác định các vấn đề (nếu có) càng sớm càng tốt. Một số vấn đề là hậu quả tự nhiên của lão hóa, nhưng một số triệu chứng có thể do tổn thương mắt hoặc một tình trạng tiềm ẩn khác.
Khi lo lắng về thị lực của bản thân, bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia về mắt để được thăm khám. Thực hiện một lối sống lành mạnh và kiểm tra mắt thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về mắt xảy ra.
Theo Minh Hiếu/Báo Đại biểu Nhân dân (Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com)