Theo chuyên gia Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời tiết nồm ẩm như những ngày qua tại miền Bắc là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh lây truyền do virus gia tăng.
Cụ thể, mưa phùn làm độ ẩm tăng cao, trong khi đó nhiệt độ lại không quá cao là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển. Ngoài ra, việc cường độ ánh sáng mặt trời thấp trong giai đoạn này cũng giúp vi sinh vật tồn tại lâu hơn, bởi ánh sáng mặt trời có tia UV sẽ giúp sát khuẩn.
Các bệnh lý thường gặp trong kiểu thời tiết này có thể kể đến như: bệnh hô hấp, bệnh lý do virus (sởi, quai bị…), bệnh ngoài da.
Để phòng bệnh trong kiểu thời tiết cực đoan hiện nay, các gia đình cần lưu ý những nguyên tắc sau:
Hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh
Hạn chế đến những nơi đông người, đeo khẩu trang là những cách phòng ngừa hiệu quả bệnh lây qua đường hô hấp.
Bệnh cạnh đó, sống trong nhà có không khí tù đọng rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Do đó, vào những ngày có nắng, các gia đình nên mở cửa để ánh nắng có thể lọt vào nhà, giúp tiêu diệt mầm bệnh.
Ngoài ra, các gia đình cần việc sinh định kỳ kì các bề mặt trong không gian sống để loại trừ mầm bệnh.
Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh trong môi trường, cần tập thói quen vệ sinh tay trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.
Tiêm vắc xin
Tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa các bệnh do virus đặc trưng vào mùa đông xuân.
Những bệnh như: cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, rubella đều có vắc xin phòng bệnh và đa số đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, có một số trường hợp trước đây Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa phủ hết được hoặc có khoảng trống miễn dịch thì nên tiêm lại.
Đối với thủy đậu và rubella, những người có nguy cơ cao nếu bị bệnh thì việc tiêm chủng là rất cần thiết.
Những sản phụ mang thai quý đầu nếu nhiễm virus rubella, thai nhi sẽ có nguy cơ bị dị dạng rất cao. Do đó, phụ nữ khi có ý định mang thai cần chủ động đi tiêm phòng.
Tăng khả năng tự bảo vệ của cơ thể
Sức đề kháng được hiểu là khả năng tự phòng vệ của cơ thể chống lại sự xâm nhập gây hại của các yếu tố bên ngoài như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.
Sức đề kháng cơ thể được tạo ra từ hệ thống miễn dịch với các tế bào miễn dịch đặc hiệu làm nhiệm vụ nhận biết, tiêu diệt tác nhân lạ.
Để tăng sức đề kháng, chúng ta nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, hoa quả vào bữa ăn hàng ngày, có phương pháp nghỉ ngơi, tập thể dục điều độ.
Theo Minh Tiến/Báo Đại biểu nhân dân