|
Việc cho phép các mẹ hoặc người chăm sóc và trẻ sinh non tiếp xúc gần ngay từ đầu và không tách rời, giúp tăng cơ hội sống sót của trẻ. Ảnh: WHO
|
Phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Karen Edmond - bác sĩ khoa nhi và là một nhân viên y tế của WHO - nhấn mạnh việc cho phép các mẹ hoặc người chăm sóc và trẻ sinh non tiếp xúc gần ngay từ đầu và không tách rời, giúp tăng cơ hội sống sót của trẻ. Bà Edmond nêu rõ: “Cái ôm đầu tiên của cha mẹ không chỉ quan trọng về mặt cảm xúc mà còn cực kỳ quan trọng để cải thiện cơ hội sống sót và sức khỏe cho trẻ nhẹ cân và trẻ sinh non”.
Theo WHO, các hướng dẫn mới về cách chăm sóc cho trẻ sinh ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ hoặc có cân nặng dưới 2,5 kg được áp dụng trong mọi môi trường. Việc tiếp xúc da kề da ngay sau sinh cũng cần thiết đối với cả những trẻ sơ sinh không khỏe mạnh và khó thở. Khuyến nghị trên là sự thay đổi lớn về cách chăm sóc trẻ sinh non bởi trước đó, WHO cho rằng những trẻ sơ sinh với tình trạng không ổn định và có cân nặng lúc mới sinh dưới 2 kg nên được đặt trong lồng ấp.
Trong bản cập nhật ngày 15/11, cơ quan y tế của Liên hợp quốc đưa ra 25 khuyến nghị về chăm sóc trẻ sinh non, trong đó có 11 khuyến nghị mới kể từ lần cập nhật gần đây vào năm 2015. Những hướng dẫn này đề cập đến các nội dung như cách nuôi dưỡng trẻ, chăm sóc trong thời gian trẻ mắc bệnh và tầm quan trọng của việc cho trẻ sinh non bú sữa mẹ.
Lần đầu tiên, các hướng dẫn này cũng đưa ra khuyến nghị cần có sự tham gia của gia đình, trong đó kêu gọi các khoa chăm sóc đặc biệt điều chỉnh để cho phép mẹ và bé ở cùng nhau. Bà Edmond nhấn mạnh cần cho trẻ duy trì tiếp xúc da kề da 24/7 ngay cả khi bé cần được chăm sóc đặc biệt.
Các hướng dẫn cũng lần đầu tiên đề xuất tăng cường hỗ trợ về tinh thần và tài chính cho những người chăm sóc trẻ sinh non. Bác sĩ Edmond cho rằng chế độ nghỉ sinh cho cha mẹ là điều bắt buộc để giúp các gia đình chăm sóc trẻ sơ sinh, đồng thời cho biết những người chăm sóc trẻ sinh non nên được hỗ trợ đầy đủ về tài chính và nơi làm việc, cũng như được thăm khám tại nhà sau khi xuất viện.
Theo WHO, trẻ được coi là sinh non khi được sinh ra trong khoảng từ tuần 22 đến tuần thứ 37 của thai kỳ (tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối của thai phụ. Trẻ sinh non càng ít tuần tuổi, nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe càng cao, trong đó có vấn đề rối loạn thân nhiệt và rối loạn tiêu hóa. Ước tính mỗi năm có 15 triệu trẻ sinh non, chiếm 10% số ca sinh nở trên thế giới.
Theo Nguyễn Hằng (TTXVN/Báo Tin tức)