Nguy cơ phơi nhiễm chì ở trẻ em tại Việt Nam hiện nay
Chì là kim loại nặng, độc tính mạnh, có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể, lâu dần sẽ gây bệnh. Kim loại này không mùi, không vị nên bằng mắt thường không thể phát hiện sự tồn tại của nó trong thực phẩm, chỉ khi kiếm nghiệm mới xác định được.
Chì có thể nhiễm vào nước, thức ăn, thực phẩm..., với lượng nhỏ trong ngưỡng quy định thì không gây hại bởi nó sẽ được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi. Tuy nhiên, sử dụng hàng ngày với hàm lượng chì vượt ngưỡng, lâu dần sẽ tích lũy, gây ngộ độc chì mạn. Đặc biệt với trẻ nhỏ, các nhà nghiên cứu khoa học đã chỉ ra trẻ nhỏ dễ bị tổn thương,có mức phơi nhiễm cao hơn người lớn vì chì ảnh hưởng đến não đang phát triển, có khả năng làm giảmtrí tuệ của trẻ, kể cả ở liều lượng thấp, chì vẫn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, dẫn đến giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi như giảm khả năng chú ý và gia tăng các hành vi chống đối xã hội, giảm khả năng học hành.
|
Thông điệp của các tổ chức hành động vì sức khỏe cộng đồng về nguy cơ nhiễm độc chì. |
Phơi nhiễm chì cũng có thể gây tổn thương thận, cơ quan sinh sản, và hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng thiếu máu và tăng huyết áp.
Trẻ em có nguy cơ nhiễm độc chì từ nhiều nguồn khác nhau như xăng pha chì, sơn pha chì, đồ chơi, hoạt động khai khoáng, tái chế ắc quy, ô nhiễm môi trường…
Ở Việt Nam có một số nghiên cứu về tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em, tập trung ở những trẻ sống ở vùng nguy cơ cao như làng nghề, khu sản xuất tái chế sản phẩm chứa chì, nghiên cứu về chì trong đồ chơi, đồ dùng học tập của trẻ em trong các trường mầm non. Các nghiên cứu đã bước đầu cho thấy bức tranh tổng quan về thực trạng nhiễm độc chì máu đối với những khu vực có nguy cơ cao khi tiếp xúc trực tiếp với chì.
Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) đồng hành cùng Liên minh Toàn cầu Loại bỏ Sơn chì (gọi tắt là Liên minh), một chương trình chung do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) dẫn dắt, trong Tuần lễ Quốc tế Phòng, chống nhiễm độc chì năm nay, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách cần bảo vệ sức khoẻ của trẻ em thông qua hành động loại bỏ việc sử dụng sơn chì.
Các loại đồ chơi trẻ em nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường đồ chơi rẻ tiền và có thể là nguy cơ nhiễm chì như đồ chơi ở Mỹ. Việt Nam đã đưa ra tiêu chuẩn về nồng độ chì trong tất cả các loại đồ chơi, đất sét nặn và sơn bằng tay ≤ 90 μg/g (mg/kg) (TCVN 6238-3:2011). Tuy nhiên, việc kiểm soát hàm lượng chì trong đồ chơi gặp nhiều khó khăn và bất cập trong công tác quản lý chất lượng, nhất là khi đồ chơi Trung Quốc đang phổ biến trên thị trường. Thói quen đưa tay vào miệng rất phổ biến ở trẻ em từ sáu tuổi trở xuống, và nhóm này rất dễ bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm chì. Mỗi trẻ em trong độ tuổi từ một tuổi đến sáu tuổitrung bình mỗi ngày nuốt từ khoảng 100-400 miligrams bụi và cát nhà. Không có một ngưỡng chì máu an toàn đối với trẻ em. Các tổn thương do tác động của chì lên trẻ em thường xuất hiện khi mức chì máu thấp hơn so với người lớn do trẻ em nhạy cảm với độc tính của chì hơn. Mức chì máu thấp nhất là 2 µg/dL đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh của trẻ.
Cần loại bỏ sơn chì
"Từ lâu chúng ta đã biết về những mối nguy hại từ sơn chì đối với con em và gia đình chúng ta, và nhiều quốc gia trên thế giới đã chấm dứt việc bán sơn chì từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, sơn chì vẫn được sử dụng và gây ra các nguy cơ sức khoẻ suốt đời cho hàng triệu trẻ em. Trẻ em không thể đợi thêm mười năm nữa để loại bỏ sơn chì - Chúng ta cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng nhiễm độc chì của con em mình!", phát biểu của ông Manny Calonzo, người đạt giải Goldman 2018, Cựu Đồng Chủ tịch Mạng lưới IPEN, và là nhà sáng lập Chương trình Chứng nhận Sơn chì An toàn của IPEN.
Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc kiểm soát nồng độ chì trong các sản phẩm hóa chất, đặc biệt là trong sơn. Cục hóa chất (Bộ Công thương) là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đã có những hoạt động xúc tiến việc thúc đẩy để ban hành quy định về nồng độ chì trong sơn ở Việt Nam.
Để dần loại bỏ được sơn chì, người tiêu dùng dù là cá nhân hay tập thể chỉ sử dụng các loại sơn không có chì vàcó thông tin rõ ràng về thành phần cũng như cảnh báo nguy hiểm của sơn nhằm hạn chế tối đa những tác động xấu đến sức khoẻ và môi trường. Đặc biệt, chỉ dùng những sản phẩm sơn an toàn với chì khi trang trí cho nhà ở, trường học, trung tâm y tế, công viên, hay sân chơi cho trẻ em. Các tổ chức quốc tế, tổ chức y tế công cộng, tổ chức người tiêu dùng và các cơ quan liên quan khác cùng hỗ trợ, và thực hiện hành động để loại bỏ những loại sơn chứa chì, xây dựng kế hoạch hành động thiết thực để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ phơi nhiễm chì không những là chì trong sơn mà trong bụi, đất, và các nguồn khác như pin, ắc quy, đồ chơi, dụng cụ học tập.
Hoàng Nhung