Sớm đưa các quyết sách vào cuộc sống

Diễn ra trong 27,5 ngày làm việc, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đã xem xét, thông qua 11 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu với 11 dự án luật. Với số lượng các dự thảo luật, nghị quyết được đặt lên bàn nghị sự lần này, thì đây là kỳ họp mà như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định “có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay”.

Các dự thảo luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này được cử tri và Nhân dân cả nước rất quan tâm, bởi liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, có những dự thảo luật được Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi ngày có hiệu lực thi hành sớm hơn, bởi luật thi hành “sớm ngày nào, tốt ngày đó”.

Để thông qua được 32 luật, nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự thảo luật là kết quả sự cộng đồng trách nhiệm của nhiều bên. Đó là sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan đã thể hiện trách nhiệm cao trong việc chuẩn bị nội dung trình Quốc hội. Sự phối hợp kịp thời, hiệu quả vì mục đích luật, nghị quyết được thông qua chất lượng cao nhất.

Cùng với đó là sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc bàn bạc kỹ lưỡng, đi đến cùng những vấn đề còn ý kiến khác nhau để tìm được tiếng nói đồng thuận trước khi bấm nút thông qua. Hay những phát biểu góp ý thẳng thắn của các đại biểu để giúp cơ quan trình, cơ quan thẩm tra hoàn thiện các dự thảo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Với 936 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, đã có 750 lượt đại biểu phát biểu, trong đó có 708 lượt đại biểu phát biểu thảo luận, 42 lượt đại biểu tranh luận trong phiên thảo luận tại hội trường; có 2.119 lượt đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ Bảy này đã minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu với những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề cử tri, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

Sự cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, sự tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đã tạo nên sức mạnh cộng hưởng, góp phần vào thành công của kỳ họp lần này. Thành công trong công tác lập pháp với số lượng lớn các luật, nghị quyết được thông qua cũng đặt ra trách nhiệm rất lớn đối với Chính phủ, bộ, ngành địa phương trong triển khai thực hiện.

Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đã nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách phù hợp, sát thực tiễn, cụ thể, khả thi để khắc phục các tồn tại, hạn chế và tổ chức thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Cùng với đó, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường vàng; bảo đảm thị trường vàng ổn định, lành mạnh; đẩy mạnh hỗ trợ, phục hồi thị trường du lịch; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; hoàn thiện thể chế, các quy định về chế độ, chính sách, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập...

Thực tế cho thấy, một trong những điểm nghẽn trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua đó là tình trạng nợ đọng các văn bản hướng dẫn. Với các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành những nội dung được luật giao, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của các luật. Sớm khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Bởi việc chậm trễ này sẽ tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho việc triển khai thực thi chính sách. Không ai khác, chính người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí, những rủi ro từ những khoảng trống pháp luật này.

Kỳ họp thứ Bảy đã thành công tốt đẹp, trong đó có dấu ấn của công tác lập pháp. Nhân dân và doanh nghiệp mong rằng, thành công của kỳ họp sẽ tiếp tục được cộng hưởng sức mạnh bởi sự chủ động, tích cực vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để sớm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống.  

Theo Song Hà/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều