Bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta
Chế độ bầu cử ở nước ta thể hiện tính ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đây là hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, đó là: nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; đồng thời, phải tuân theo một trình tự, thủ tục do Hiến pháp và pháp luật quy định. Bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta cũng có những đặc điểm riêng phù hợp với văn hoá, truyền thống tổ chức bộ máy nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đặc điểm đó là:
Thứ nhất, bầu cử đại biểu Quốc hội do cử tri bầu trực tiếp đại biểu của mình. Nếu ứng cử viên là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì phải tuân theo sự giới thiệu của tổ chức Đảng nơi đảng viên đó sinh hoạt.
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành thì cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội phải được tiến hành vào ngày nghỉ (ngày Chủ nhật) để cử tri có điều kiện đi bỏ phiếu. Yêu cầu đặt ra đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội là phải đảm bảo dân chủ, công bằng, an toàn, tiết kiệm và theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, về quyền bầu cử. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội cũng quy định rõ: Quyền bầu cử và quyền ứng cử là một quyền cơ bản của công dân. Theo đó, công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử.
Thứ ba, về đề cử và ứng cử đại biểu Quốc hội. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội nước ta, công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử. Công dân ra ứng cử đại biểu Quốc hội có thể do cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu hoặc tự ứng cử (ứng cử tự do). Ngoài quy định về độ tuổi, thì người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định. Những người ứng cử do giới thiệu hay tự ứng cử đều không phải nộp bất kỳ một khoản kinh phí nào, kể cả trong quá trình tổ chức vận động bầu cử mà kinh phí tổ chức bầu cử do ngân sách nhà nước cấp. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với nhiều nước khác, khi ứng cử viên muốn tranh cử phải có khả năng tài chính nhất định và sự tín nhiệm tối thiểu bằng chữ ký của cử tri. Pháp luật bầu cử của nhiều nước trên thế giới hiện nay có các quy định về điều kiện ứng cử, như: quy định người ứng không được kiêm nhiệm một số chức vụ Nhà nước (thường là chức vụ trong các cơ quan hành pháp), quy định về thời hạn cư trú, quy định về giá trị tài sản và việc đặt cọc tiền...
Thứ tư, về xác định kết quả bầu cử. Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội nước ta, trong số đại biểu mà mỗi đơn vị bầu cử được bầu, người ứng cử phải được quá nửa số phiếu hợp lệ và được nhiều phiếu hơn là người trúng cử. Nếu nhiều người có số phiếu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn sẽ trúng cử. Đây là chế độ bầu cử được xác định theo nguyên tắc bầu đa số tuyệt đối; đó là chế độ mà những đại biểu được bầu là những người thu được đa số phiếu của cử tri, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đa số cử tri.
Thứ năm, một đặc điểm nổi bật khác trong bầu cử đại biểu Quốc hội nước ta là sự tham gia với vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bầu cử, nhất là chức năng hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Sự cần thiết phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bầu cử đại biểu Quốc hội trong giai đoạn hiện nay
Bầu cử đại biểu Quốc hội luôn luôn là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, là ngày hội lớn của toàn dân. Thông qua các cuộc bầu cử, chính là dịp để cử tri cả nước phát huy quyền làm chủ của mình, trực tiếp lựa chọn những đại biểu có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bầu cử đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng bộ máy Nhà nước, là khâu đầu tiên để hình thành nên các cơ quan nhà nước ở Trung ương.
Ở nước ta, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhưng nhân dân thực hiện quyền lực này bằng cách bầu ra Quốc hội. Với tư cách là cơ quan do cử tri cả nước bầu ra, nên Quốc hội thay mặt cho nhân dân, được giao trách nhiệm giải quyết mọi công việc quan trọng của đất nước, như: Xây dựng Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là thành lập ra Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác. Đồng thời, các cơ quan nhà nước này đều chịu sự giám sát của Quốc hội. Chính vì thế, các cơ quan nhà nước của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều trực tiếp hay gián tiếp do nhân dân bầu ra thông qua phương thức bầu cử. Nói cách khác, bầu cử đại biểu Quốc hội chính là hình thức dân chủ duy nhất để hình thành nên bộ máy nhà nước ở nước ta.
Thành công của các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ ý thức chính trị, trách nhiệm của cử tri và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; phản ánh tính dân chủ trong đời sống xã hội của đất nước ta, đồng thời cũng minh chứng cho vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình tham gia thực hiện bầu cử.
Các cuộc bầu cử đều diễn ra thuận lợi và đạt được những thắng lợi to lớn. Hầu hết các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội của nước ta đều thu hút được đông đảo cử tri tham gia bỏ phiếu, với tỉ lệ trên dưới 90%. Đây là một thực tế mà không phải quốc gia nào cũng đạt được, kể cả ở những nước phát triển. Có được những thành công đó là do một phần đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử.
Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định: "1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Tại Điều 1 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi quy định về vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị, đã khái quát về khái niệm và bản chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là:
"Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Từ vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên việc pháp luật quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội cũng như tham gia vào quá trình bầu cử xuất phát từ hai yếu tố sau:
Thứ nhất, với bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; do đó, mọi công việc quan trọng của đất nước đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân và phải có ý kiến của nhân dân (có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các cơ quan, tổ chức đại diện). Công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu có tầm quan trọng đặc biệt nên cần thiết phải có sự tham gia của đại diện các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo... Do tính chất liên minh, liên hiệp rộng rãi của Mặt trận, nên có thể nói trong hệ thống chính trị nước ta, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cả để thực hiện công tác hiệp thương.
Thứ hai, xuất phát từ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Với một tổ chức có các thành viên là tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có cơ sở xã hội rộng lớn; với nguyên tắc tổ chức và hoạt động như vậy, rõ ràng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để thay mặt nhân dân giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Quy trình hiệp thương về bầu cử gồm năm bước với một trình tự, thủ tục chặt chẽ, cụ thể nhưng đảm bảo dân chủ, công bằng góp phần lựa chọn những người xứng đáng để cử tri bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Nhìn lại một số cuộc bầu cử gần đây cho thấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức các hội nghị hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đảm bảo dân chủ và đúng luật; đây là kết quả quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của cuộc bầu cử và đảm bảo chất lượng của đại biểu. Quá trình xem xét, thảo luận tại các hội nghị hiệp thương đều diễn ra khá sôi nổi, mang tính xây dựng cao, thể hiện được không khí ngày càng dân chủ. Qua các bước hiệp thương, về cơ bản những người ứng cử do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lựa chọn đều có đủ tiêu chuẩn, đảm bảo được cơ cấu thành phần đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Như vậy, trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo, để bảo đảm và phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân thì vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong bầu cử đại biểu Quốc hội là không thể thiếu và vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Đặng Thị Kim Ngân
ThS, Ban Dân chủ - Pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam