(Ảnh minh họa)
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ GIA ĐÌNH
Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Chỉ thị 49) nêu rõ: “Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Quan điểm này của Đảng xuất phát từ những vấn đề của gia đình trong điều kiện hiện tai, trong đó nổi lên là sự suy giảm các giá trị đạo đức, xuất hiện những lối sống, hành vi ứng xử lệch lạc trong gia đình, những vấn đề mới, phức tạp trong chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, bạo lực gia đình, ly hôn… nếu không được quan tâm giải quyết sẽ làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của tiến trình phát triển.
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 49, công tác xây dựng gia đình đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp uỷ đảng và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Gia đình đã phát huy được những chức cơ bản và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, việc quán triệt thực hiện Chỉ thị 49 và các chủ trương, đường lối chính sách pháp luật về gia đình vẫn chưa được rộng khắp và thường xuyên, đặc biệt là ở cấp huyện và xã. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chỉ thị và Chiến lược xây dựng gia đình chưa gắn với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. Nguồn lực cho công tác gia đình còn mỏng, đội ngũ cán bộ còn thiếu, trình độ hạn chế nhất là ở cấp cơ sở.
Nhìn lại lịch sử phát triển cho thấy, từ sau Đổi mới, trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI, VII và VIII đều khẳng định “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người”. Bước sang thế kỷ 21, trước tình hình văn hóa ứng xử, giá trị đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội có nhiều biểu hiện xuống cấp, lệch lạc, Đảng yêu cầu phải “nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”.
Sau 20 năm Đổi mới, quan điểm của Đảng về gia đình có những thay đổi quan trọng. Tại Đại hội XI, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011), Đảng xác định “xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”. Gần đây nhất trong văn kiện của đại hội XII, Đảng xác định: “Xây dựng môi trường văn hoá, đời sống văn hoá lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình; Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Quan điểm của Đảng về gia đình nhấn mạnh hơn đến chức năng và vai trò của gia đình, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống, kiểm soát, duy trì các chuẩn mực xã hội và là thành tố quan trọng của nền kinh tế.
Hiện nay, gia đình Việt Nam đã có những biến đổi sâu sắc và những biến đổi này có mối tương liên chặt chẽ đối với sự chuyển đổi của cấu trúc kinh tế, văn hóa và xã hội. Gia đình có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển song cũng chưa bao giờ phải đối mặt với những vấn đề phức tạp như hiện nay, nhất là những biến đổi về chức năng, hệ giá trị và đạo đức, lối sống. Thực tiễn này đỏi hỏi phải tìm ra những động lực mới, lời giải mới cho vấn đề gia đình và công tác gia đình ở nước ta.
|
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIA ĐÌNH HIỆN NAY
Trong nhiều năm, dân số Việt Nam duy trì được sự ổn định về quy mô và cơ cấu cũng như mức sinh thay thế(1) chủ yếu do gia đình đã làm tốt chức năng tái sản xuất con người (một trong 4 chức năng của gia đình: Sinh đẻ, kinh tế, giáo dục và tâm lý tình cảm). Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng mức sinh, già hóa dân số nhanh dẫn đến sự thiếu hụt về lực lượng lao động và gia tăng các gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội. Đây là những vấn đề đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia phát triển như Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc... Theo dự báo của Liên hợp quốc, năm 2050 dân số già ở Đức là 36%, Nhật Bản là 37,8%, Hàn Quốc là 38,2% và Việt Nam là 26,1% (United Nations, 2015).
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của mức sinh thấp, già hóa dân số là do tuổi kết hôn và tuổi sinh con tăng lên(2). Ở Việt Nam đã và đang diễn ra hiện tượng một bộ phận thanh niên không muốn lập gia đình, ngại sinh con. Giới trẻ có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con, thậm chí không sinh con bởi những áp lực của xã hội về cơ hội nghề nghiệp, tài chính, chi phí chăm sóc, nuôi dạy con cái và nhãn quan của họ về hệ thống giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội. Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, khi mức sinh xuống dưới mức thay thế, dù tiêu tốn rất nhiều nguồn lực thì vẫn rất khó khuyến sinh. Gia đình Việt Nam đang khủng hoảng về chức năng giáo dục, tâm lý tình cảm, cả khu vực nông thôn lẫn thành thị. Quá trình xã hội hóa của trẻ bắt đầu từ môi trường gia đình. Cha mẹ chủ động dạy dỗ con cái học hỏi các kỹ năng xã hội và trẻ em cũng quan sát, bắt chước các hành vi của cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Nhiều gia đình chưa thực hiện tốt chức năng giáo dục của mình, đặc biệt là giáo dục đạo đức, pháp luật cho thế hệ trẻ. Những khó khăn về phương pháp giáo dục, thiếu thời gian, không đủ kiến thức, môi trường xã hội phức tạp… khiến nhiều cha mẹ đã không thực hiện tốt vai trò giáo dục của mình.
Vấn đề chăm sóc người cao tuổi (NCT) trong gia đình cũng rất đáng quan tâm. Ở đô thị, do con cháu phải lo cuộc sống nên một số gia đình đưa NCT vào các trung tâm dưỡng lão và phó mặc họ cho trung tâm. Điều này dẫn đến sự khủng hoảng về tâm lý, tình cảm của người già. Bên cạnh đó, phần lớn NCT Việt Nam hiện nay đang sống ở khu vực nông thôn và không có lương hưu. Theo kết quả điều tra NCT Việt Nam - VNAS 2011, chỉ 10,4% NCT có tiền tiết kiệm (ISMS, 2011). Như thế, phần lớn nhóm dân số này sẽ gặp khó khăn khi phải ứng phó với các rủi ro, nhất là các vấn đề sức khỏe và bệnh tật. Mặt khác, có 11,6% NCT cho biết đã từng bị con cháu lạm dụng và 7,9% báo cáo đã bị lạm dụng trong 12 tháng vừa qua (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2013).
Sự khủng hoảng của chức năng gia đình có mối quan hệ nhân quả với những vấn đề xã hội. Giá trị đạo đức, ứng xử trong gia đình không được duy trì, rèn dũa, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo là nhân tố dẫn đến những hành vi ứng xử lệch lạc, vi phạm pháp luật cả chính bên trong gia đình(3) -và ngoài xã hội. Được nhiên, sẽ dẫn đến những hệ lụy xã hội khôn lường, nhất là sự đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống. Gia đình không thực hiện tốt các chức năng của mình sẽ khiến xã hội mất ổn định, làm mất đi động lực phát triển của đất nước.
Trong vài thập niên qua, bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và thế giới có tốc độ chuyển đổi nhanh khiến gia đình Việt nam đứng trước những thay đổi chưa từng có. Chung sống không kết hôn, hôn nhân xuyên biên giới, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân, quan hệ đồng giới xuất hiện nhiều hơn và được một bộ phận xã hội chấp nhận. Sự phân hóa của gia đình Việt Nam không chỉ diễn ra trên bình diện điều kiện kinh tế, mức sống, chi tiêu mà còn ở cả hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống, thành các nhóm, các tầng lớp với những năng lực, nhu cầu hết sức khác nhau. Phát triển gia đình trung lưu và nâng cao vai trò của gia đình trung lưu ở Việt Nam trong các quá trình phát triển cũng là vấn đề cần được chú trọng. Hiện nay gia đình trung lưu Việt Nam là một lực lượng xã hội khá đông đảo “nhưng chưa mạnh” về nhiều mặt, kể cả tính tích cực xã hội(4). Đây là một vấn đề mới, có vai trò quan yếu trong chiến lược phát triển đất nước song chưa nhận được sự quan tâm thích đáng cả về mặt học thuật lẫn chính sách.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mang đến nhiều điều kiện thuận lợi để các gia đình Việt Nam tiếp cận tài chính, kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống đa dạng, phong phú. Các dịch vụ xã hội phát triển giúp ích cho gia đình thực thi các chức năng, vai trò đối với các thành viên và xã hội, thậm chí còn thay thế chúng. Mặt khác, như đã phân tích, việc thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình lại trở nên hết sức khó khăn, mong manh và có những thay đổi theo hướng tiêu cực. Trong khi đó, những vấn đề mới nảy sinh lại chưa được quan tâm đúng mức của Đảng và chính sách phù hợp từ Nhà nước.
Thực hiện Chỉ thị 49 đã đạt được nhiều thành tựu nhất định song vẫn chưa giải quyết được những vấn đề căn bản, những vấn đề mới của gia đình Việt Nam hiện nay. Vì thế, rất cần có những chính sách mạnh mẽ nhằm huy động cả hệ thống chính trị - xã hội vào cuộc. Việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về gia đình là cơ sở để Đảng ta thể hiện rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và hành động cũng như những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ gia đình Việt Nam phát triển toàn diện./.
_________________________
(1) Mức sinh thay thế là mức sinh sao cho mỗi phụ nữ có trung bình 2 con còn sống cho đến tuổi sinh đẻ.
(2) Ở Hàn Quốc, tỷ lệ kết hôn giảm liên tục: Năm 1970 là 9,2‰, 2009 là 6,2‰, 2018 là 5‰.
(3) Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2008-2015 số vụ bạo lực gia đình là 285.213 vụ, nạn nhân là phụ nữ chiếm hơn 70%, trẻ em là 15% và người già khoảng 10%. Ngoài ra, có 3,7% phụ nữ bị đồng thời 3 hành vi bạo lực từ chồng và 1,4% bị đồng thời 4 hành vi bạo lực (Đặng Thị Hoa, 2018). Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, mỗi năm có 10.000 vụ phạm pháp hình sự do người vị thành niên thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, chỉ trong một năm học có gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Khoảng 5.200 học sinh có một vụ đánh nhau; 11.000 HS thì có một em thôi học vì đánh nhau.
(4) Mô hình phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay về cơ bản có dạng hình “Kim tự tháp” với đông đảo nông dân (chiếm 43,4%). Mô hình ở các nước công nghiệp hiện đại thường có hình dạng quả trám (hình thoi - diamond) với các tầng lớp trung lưu (middle strata) ở giữa phình to và nông dân ở dưới đáy thu hẹp lại.
Theo Phạm Quốc Nhật - Nguyễn Hoài Sơn/Tạp chí Tuyên giáo