Chuyện rác Hà Nội

Không thể cứ ngồi chờ dự án, chờ cơ chế, chờ đầu tư… mà cần có những kế hoạch, hành động thiết thực hơn, để câu chuyện về rác- không thành chuyện “nóng” lần nữa trong những ngày Hà Nội đang nóng tới 40 độ thế này!

13h30 phút chiều 17/7, nhân dân xã Nam Sơn đã tháo lều bạt rào chắn, mở đường cho xe ô tô chở rác vào bãi chứa.

 

Người dân Nam Sơn tháo dỡ lều bạt, cho xe rác chở rác vào bãi đổ ngày 17/7. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Đúng như cam kết của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sáng 17/7; trong ngày hôm nay sẽ giải phóng hết lượng rác thải của nội thành.

Lượng rác thải này, theo thống kê tới ngày 16/7, đã là hơn 6.000 tấn (trong tổng số hơn 9.000 tấn rác ù ứ của toàn Thủ đô).

Đây thật sự là tin vui cuối tuần cho người dân Thủ đô, đã vài ngày nay (từ ngày 14/7) phải sống chung với từng bãi rác chất đống ven đường, trong góc ngõ; ngộp thở vì mùi hôi thối bốc lên do rác phân hủy trong nắng nóng lên tới 39 độ. Chưa kể, phải sống trong tâm trạng phấp phỏng khi nhận được công văn khuyến cáo hạn chế xả rác của các ban quản lý tòa nhà, khu phố…

 

Thủ đô ngộp thở trong rác ba ngày liền (ảnh chụp ngày 16/7). Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

“Sự cố” rác thải lần thứ 6 của Thủ đô vậy là đã được tạm giải quyết xong (đây đã là lần thứ 6 người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ- huyện Sóc Sơn, chặn không cho xe rác vào bãi, cũng là lần thứ 6 Hà Nội “thất thủ” rác không có cách nào xử lý dứt điểm). Nhưng chuyện “hậu rác thải”, chuyện làm thế nào để Hà Nội không còn thêm một lần nữa phải chịu cảnh ô uế mất vệ sinh như vậy… thì vẫn chưa có câu trả lời. Ngay người đứng đầu Thủ đô sáng nay, trong buổi tiếp xúc cử tri, trước những chất vấn vô cùng bức xúc của người dân, cũng chỉ có thể nói rất chung chung về những gì Hà Nội đang có và dự định có trong vòng hai năm tới để đảm bảo “đầu ra” cho rác.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chia sẻ, việc đầu tư các nhà máy xử lý rác thải được Hà Nội quan tâm nhiều năm nay. Lãnh đạo thành phố cũng luôn kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các nhà máy xử lý rác.

Năm 2017, thành phố đã khánh thành nhà máy lý rác thải độc hại ở khu Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) theo công nghệ đốt và phát điện với công suất 75 tấn/1 ngày. Tại khu Nam Sơn, cũng đã có 3 nhà đầu tư đăng ký dự án nhà máy đốt rác phát điện. Dự kiến trong năm nay, một dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ của Bỉ sẽ hoàn thành, có công suất 4.000 tấn/1 ngày đêm. Đến quý I/2022, Hà Nội sẽ hoàn thành một nhà máy đốt rác phát điện công suất 1.500 tấn/1 ngày đêm. Và phải đến lúc này, cơ bản rác thải của thành phố mới được xử lý “gọn ghẽ”, theo hướng là đốt để phát điện.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kế hoạch, những kế hoạch luôn có độ trễ tiến độ, khiến người dân Nam Sơn, Hồng Kỳ đã nhiều lần không thể kiên nhẫn, lại tiếp tục chặn xe, để rác “trào ngược” lại nội thành.

Và nếu lần này, có đúng tiến độ, thì việc hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa khâu xử lý rác cũng phải hai năm nữa thì mới có thể thành hiện thực, để không còn tình trạng ô nhiễm từ các bãi rác như Nam Sơn làm ảnh hưởng tới đời sống người dân xung quanh.

Vậy, việc còn lại là trong hai năm tới, nếu có lần nào người dân lại bức xúc chặn xe rác không cho vào bãi, Hà Nội sẽ lại ngập rác hay có giải pháp chủ động ra sao?

Câu trả lời này, chưa có lãnh đạo hay đơn vị nào của Hà Nội đề cập tới. Bởi, cũng chưa có phương án nào được đưa ra. Sáng 17/7, lãnh đạo Hà Nội có buổi đối thoại với người dân Nam Sơn, Hồng Kỳ để một lần nữa tìm tiếng nói chung trong phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 0-500m) quanh bãi rác. Về cơ bản, người dân vẫn chưa đồng tình, vì cho rằng việc áp giá bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp và đất ở đang thấp hơn nhiều so với giá mua đất tái định cư. Đây cũng là một trong những lý do cho 6 lần dân Nam Sơn, Hồng Kỳ ra rào đường, chặn xe rác không cho vào bãi đổ.

 

Xe chở rác của Công ty TNHH MTV Môi trường Hà Nội không thể di chuyển vào trong bãi rác (ảnh chụp ngày 14/7/2020). Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Và ngoài những bức xúc vì giá bồi thường; thì bức xúc lớn hơn của người dân là vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Đây cũng chính là lý do sau Nam Sơn, thì người dân phố Phúc Diễn (Hà Nội) cũng chặn xe rác vào bãi xử lý tạm thời, do nước rác rỉ ra quá ảnh hưởng tới đời sống.

Theo Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, với công nghệ chôn lấp rác cũ, 1m3 rác sẽ phát sinh 1,2 m3 nước rỉ rác. Hiện Hà Nội vẫn còn 150.000 m3 nước rỉ rác và trong nắng nóng đã bốc mùi ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thành phố đang đề xuất Chính phủ có cơ chế phù hợp khắc phục ngay hạn chế này, do việc đầu tư nhà máy xử lý nước rỉ rác phải thực hiện theo đấu thầu.

Trong lúc chờ cơ chế, chờ tiến độ dự án, chờ sự đồng thuận trong giá đền bù như đã nói ở trên; thì người dân Nam Sơn, Hồng Kỳ đang ngày đêm sống trong ô nhiễm, ngày ngày “ngửi rác” để sống, vậy nên cũng không thể ai lên tiếng “trách cứ” hành động chặn xe rác của họ. Nhưng ngược lại, cũng không thể vì thế mà để người dân Thủ đô sống chung với chính rác của mình thải ra.

Vậy nên, Hà Nội đến lúc phải vội rồi. Không thể cứ ngồi chờ dự án, chờ cơ chế, chờ đầu tư… mà cần có những kế hoạch, hành động thiết thực hơn, để câu chuyện về rác- không thành chuyện “nóng” lần nữa trong những ngày Hà Nội đang nóng tới 40 độ thế này!

Theo Phạm Tuyết/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều