Công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi - Những kiến nghị và giải pháp

(Mặt trận) - Dự báo “Xu hướng già hoá dân số nhanh” là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình” định hướng phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước trong xây dựng đất nước hiện nay. Bài viết đưa ra một số giải pháp, kiến nghị để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác người cao tuổi.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Từ năm 1989 đến năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi lên 73,6 tuổi, dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 17% và đến năm 2050 là 25% dân số.

Trong thời gian qua, thực hiện đường lối của Đảng về người cao tuổi, hệ thống chính sách, pháp luật về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi được Nhà nước thể chế hóa ban hành như Luật Người cao tuổi, các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các lĩnh vực liên quan đến người cao tuổi đã đạt được những kết quả, thành tựu như sau:

Kết quả đạt được trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi

Hệ thống chính sách về chăm sóc người cao tuổi được ban hành, ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội cho công tác chăm sóc người cao tuổi ngày càng tăng; theo tổng hợp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay, các cơ quan bảo hiểm xã hội đã chi trả chế độ hưu trí hằng tháng cho gần 2,7 triệu người với số tiền hưởng gần 14.475 tỷ đồng/tháng.

Cả nước có hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, mức hưởng lương hưu bình quân khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Hàng năm, Hội Người cao tuổi đã phối hợp với chính quyền tổ chức chúc thọ, mừng thọ 1,1 triệu người cao tuổi; có 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ; trên 95% người cao tuổi có Thẻ Bảo hiểm y tế; cả nước có trên 77 nghìn câu lạc bộ của người cao tuổi ở cơ sở với nhiều loại hình hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút trên 2,5 triệu người cao tuổi tham gia.

Đặc biệt đã thành lập gần 4.000 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút trên 170 nghìn người tham gia. Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được các tổ chức, cộng đồng trong nước, ngoài nước đánh giá cao, đã đạt giải nhất trong giải "Sáng kiến vì một châu Á già hoá khoẻ mạnh".

Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023. ẢNH: PV 

Người cao tuổi đã phát huy vai trò trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung vào các hoạt động, như: người cao tuổi tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tham gia công tác hoà giải; giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương; người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; người cao tuổi tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo; các hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở địa phương...

Theo số liệu tổng hợp hiện nay có trên 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, trong đó có 99.905 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; 357.967 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; người cao tuổi đóng góp hơn 10,6 triệu ngày công, hơn 3.000 tỉ đồng, hiến 24,4 triệu m2 đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hoá, trường học, cơ sở y tế,... góp phần xây dựng nông thôn mới; 64% số hội viên Hội Khuyến học là người cao tuổi; 656.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hoà giải cơ sở; có trên 300 nghìn người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân; phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở.

Một số hạn chế cần khắc phục

Tuy đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho người cao tuổi (chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội…), nhưng hệ thống chính sách an sinh xã hội mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận người cao tuổi. Hiện cả nước mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 61% còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình.

Trong tổng số gần 11,4 triệu người cao tuổi thì chỉ có 3,1 triệu người có lương hưu, hơn 8 triệu người cao tuổi còn lại không có nguồn thu nhập ổn định và hầu như phụ thuộc vào con cháu cũng như cộng đồng và xã hội; khoảng 6 triệu người không có bất kỳ một khoản thu nhập nào thường xuyên và ổn định. Khi so sánh tương quan với các độ tuổi khác, người cao tuổi chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Hệ thống chính sách chưa có nhiều hiệu quả trong khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ người cao tuổi để bảo đảm thu nhập, có việc làm phù hợp, học tập, giải trí, rèn luyện sức khỏe, môi trường thân thiện...

Hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã bước đầu hình thành, phát triển, tuy nhiên vẫn chưa bắt kịp với tốc độ chuyển đổi nhân khẩu học. Hiện cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố có khoa lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn lão khoa, vừa điều trị bệnh, vừa điều trị phục hồi chức năng cho người cao tuổi.

Một số quy định của Luật Người cao tuổi vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống, bộc lộ nhiều bất cập, cần được điều chỉnh, sửa đổi. Tuy Luật Người cao tuổi có một chương quy định về phát huy vai trò của người cao tuổi trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, pháp luật,… nhưng các quy định này được Nhà nước thể chế hóa chưa đầy đủ, toàn diện, thiếu đồng bộ, cân đối giữa 2 lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi và phát huy vai trò người cao tuổi (trong Luật Người cao tuổi có 13 điều quy định về chăm sóc người cao tuổi song chỉ có 2 điều quy định về phát huy vai trò người cao tuổi; trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 có 11 nhiệm vụ, giải pháp về chăm sóc người cao tuổi song chỉ có 1 nhiệm vụ, giải pháp về phát huy vai trò người cao tuổi; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030 song chưa có Chương trình phát huy vai trò người cao tuổi...).

Vì vậy, hiện nay, phần đông người cao tuổi ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần, đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp phù hợp về chăm sóc sức khỏe, thu nhập, mạng lưới an sinh xã hội và hỗ trợ pháp lý cho người cao tuổi.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi

Thứ nhất, trong công tác tuyên truyền và giáo dục, nhất là truyền thông cần có chiến lược để thúc đẩy sự thay đổi trong thái độ, xóa bỏ nhận thức, định kiến không đúng về người cao tuổi, những biểu hiện của phân biệt đối xử tiêu cực đối với người cao tuổi thay vào đó là hình ảnh toàn diện, tích cực của người cao tuổi trong gia đình và trong các hoạt động xã hội.

Thay đổi quan niệm nhận thức “người cao tuổi là gánh nặng” sang thành “tài sản” của gia đình và xã hội, chú ý tuyên truyền, khẳng định các quyền, vai trò và trách nhiệm của người cao tuổi, là nguồn lực dồi dào về tri thức, kinh nghiệm, có khả năng tiếp tục đóng góp cho xã hội. Đi đôi với các biện pháp giáo dục, truyền thông, cần có chế tài, xử lý nghiêm, có tính răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về người cao tuổi, xâm phạm quyền của người cao tuổi.

Thứ hai, ban hành các chính sách, pháp luật thể chế hóa Luật Người cao tuổi; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số hạn chế, bất cập, trong đó có hướng dẫn về các quy định liên quan đến việc phát huy vai trò của người cao tuổi trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc “phát huy vai trò của người cao tuổi” là sự thay đổi cách nhìn nhận quan trọng trong định hướng chính sách về người cao tuổi, có tác động đến việc thụ hưởng các quyền và sự đóng góp của người cao tuổi vào sự phát triển của đất nước.

Triển khai, thực hiện các chương trình nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về người cao tuổi không chỉ dừng lại ở yếu tố sức khỏe mà cần bao hàm nhiều khía cạnh khác như nhu cầu và phát huy năng lực; tác động của các chính sách hiện hành đến đời sống của người cao tuổi để có cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung và thực thi chính sách được tốt, sát thực tiễn.

Thứ ba, xây dựng và triển khai các chính sách tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người cao tuổi. Thực tế, không phải tất cả những người có tuổi đời cao đều gắn với suy giảm thể chất, tinh thần và năng lực. Với điều kiện hiện nay nhiều người cao tuổi, đặc biệt là trong độ tuổi từ 60 đến 75 tuổi, vẫn có sức khỏe, năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội.

Cần có sự bố trí thời gian, nguồn lực và môi trường làm việc phù hợp để người cao tuổi đóng góp cho xã hội ở các mức độ và điều kiện khác nhau, các chính sách tạo việc làm, thu nhập cho người cao tuổi cần được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của người cao tuổi, bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng.

Thứ tư, Nhà nước cần có chính sách phát triển ngành lão khoa trong y học, các chính sách hướng đến tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi, hỗ trợ người cao tuổi bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19… Các chính sách về người cao tuổi cần đồng bộ, tính đến các điều kiện thuận lợi và bao quát tất cả các lĩnh vực liên quan đến người cao tuổi, như: y tế, văn hóa, xã hội, giao thông, xây dựng…

VŨ DƯƠNG CHÂU - Nguyên Trưởng Ban Dân tộc,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều