Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là để bảo vệ người sản xuất, cũng không phải chủ trương bảo hộ hàng hóa trong nước mà chính là vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khảo sát, nắm tình hình sử dụng hàng Việt Nam tại siêu thị Co.op Mart tỉnh Tây Ninh.
Tập đoàn Grey Group (Mỹ) vừa công bố kết quả nghiên cứu 3 năm đối với người tiêu dùng tại 16 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Một thông tin đáng chú ý từ nghiên cứu này là 77% người Việt Nam ưa chuộng thương hiệu nước ngoài. Trong khi con số trung bình trên toàn châu Á là 40%. Có ý kiến cho rằng, người Việt sính ngoại vì chưa tin vào chất lượng sản phẩm nội, hay là do người Việt Nam dùng hàng ngoại quá quen đến nỗi có định kiến rằng hàng ngoại mới tốt, mới sang. Các mặt hàng ngoại đa phần có thiết kế mẫu mã đẹp mắt và một phần vì tâm lý của người tiêu dùng rất tin tưởng vào chất lượng của hàng ngoại mà vẫn e dè đối với hàng Việt Nam. Mặc dù nhiều hàng Việt Nam có chất lượng tốt, giá rẻ hơn hàng của Nhật Bản, Anh, Mỹ... rất nhiều nhưng người Việt vẫn không tiếc tiền đầu tư mua các sản phẩm ngoại, vì họ tin tưởng vào chất lượng và thương hiệu của các nhãn hàng này.
Làm thế nào để thay đổi được tư duy từ chuộng hàng ngoại sang ưu tiên dùng hàng nội của người Việt Nam? Làm sao để người dân có trách nhiệm với dân tộc và thể hiện lòng yêu nước bằng việc mua hàng nội?... đó là những câu hỏi cấp bách cần phải trả lời nhằm tạo lập, đẩy mạnh việc mua và tiêu dùng hàng nội của người Việt Nam. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã được phát động để trả lời cho những câu hỏi cấp bách đó. Cuộc vận động đã diễn ra trong bối cảnh chưa có một cuộc vận động nào đánh thức tinh thần yêu nước của người dân qua việc sản xuất và tiêu thụ hàng Việt.
Khi Cuộc vận động được phát động, nhiều người hoài nghi và thấy khó thuyết phục khi mua hàng Việt Nam vì lý do tinh thần yêu nước thuần túy trong khi chất lượng hàng hóa còn thấp. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, Cuộc vận động đã có sức lan tỏa lớn và làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng Việt. Khi tinh thần yêu nước được khơi gợi, trở thành nếp văn hóa, trở thành hơi thở của cuộc sống, của mọi công dân thì mọi chuyện sẽ thay đổi. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy người dân của các quốc gia đã và đang phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản... luôn ý thức về văn hóa tiêu thụ, nghĩa là tiêu thụ sản phẩm trong nước, với họ đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, như một cách khẳng định giá trị của quốc gia mình.
Trong thời gian qua, để Cuộc vận động thực sự có hiệu quả, tác động rõ rệt đến nền sản xuất trong nước, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, thông tin quảng bá sản phẩm hàng hoá, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt; đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường nội địa, thiết lập các kênh phân phối hàng hoá, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, nơi tập trung đông dân cư; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hàng hoá sản xuất trong nước. Lồng ghép nội dung Cuộc vận động vào các hội nghị, sinh hoạt của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, các phong trào thi đua yêu nước, gắn kết quả thực hiện Cuộc vận động với bình xét các danh hiệu thi đua của các tập thể, cá nhân ở địa phương, đơn vị. Đề cao trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt.
Phải thừa nhận rằng, để Cuộc vận động có hiệu quả như hiện nay phải kể đến nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã chú trọng hơn đến chất lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm và quan trọng nhất là nắm bắt được thị hiếu cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó đưa ra những sản phẩm phù hợp và được đánh giá cao, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng kết nối, giao thương, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước. Hàng Việt Nam trong những năm gần đây đã từng bước khẳng định được chất lượng, mẫu mã cũng như thương hiệu của mình, đó cũng là lời khẳng định cho trí tuệ trong sản xuất kinh doanh của người Việt.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Hiện nay người tiêu dùng Việt không còn tâm lý sính ngoại nhiều như trước, họ ngày càng tinh tế hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, thương hiệu. Vì thế, sản phẩm nào tốt, giá trị và giá thành phù hợp sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu. Theo nghiên cứu xã hội học về thói quen tiêu dùng của người Việt, do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội đưa ra tại Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2017 do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua cho thấy, có đến 92% người tiêu dùng được hỏi cho rằng, họ rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt và 54% người tiêu dùng khuyên bạn bè, người thân của mình lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam khi mua sắm. Đó là một tín hiệu đáng mừng, những thay đổi rõ nét trong nhận thức, cũng như tư duy của người Việt đối với sản phẩm tiêu dùng trong nước.
Cuộc sống sẽ luôn quay về với những giá trị của văn hóa dân tộc, với những cảm xúc về tinh thần hơn là những giá trị vật chất. Tiêu đề của Cuộc vận động sử dụng từ “ưu tiên”, điều này rất có ý nghĩa khi mà hai sản phẩm có chất lượng và giá cả tương đương, ta nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam đúng như đạo lý từ ngàn đời nay đã được cha ông ta đúc kết thẫm đẫm tinh thần dân tộc "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Phương Hà - Ảnh Quốc Định