|
Ảnh minh họa.
|
Đảm bảo hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin trong cơ quan đáp ứng các yêu cầu của chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và nhiều nền tảng công nghệ khác cùng với hệ thống thiết bị, máy móc chuyên ngành tạo nên một môi trường số cho người dùng. Khi làm việc trong môi trường số, cán bộ, công chức trong hệ thống trở thành những con người số. Cần đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng: 1) Khảo sát, hoàn thiện hạ tầng mạng trong cơ quan bao gồm mạng Lan và mạng Internet. Cho đến thời điểm hiện tại, hạ tầng mạng Lan của cơ quan đã được nâng cấp và cải tạo nhiều lần nên chất lượng cable mạng, hệ thống siwtch, hub… được trang bị đầy đủ và có chất lượng tốt. Tuy nhiên, cần được rà soát lại và thay đổi mô hình đấu nối đảm bảo tính khoa học trong hệ thống; 2) Các thiết bị quản trị mạng, như: Máy chủ, Router, Firewall… đã được đầu tư nhưng chưa được cấu hình và quản lý tốt gây lãng phí, đồng thời không tối ưu được công năng của thiết bị trong quản trị; 3) Cùng với trang bị mới, nâng cấp hệ thống máy tính, máy in, máy Scan. Hoàn thiện hệ thống Internet trong cơ quan bằng các giải pháp như nâng cấp đường truyền, tăng thêm thuê bao, đấu nối lại các điểm phát Wifi, đầu tư thiết bị cân bằng tải… là công việc cấp bách, đảm bảo yêu cầu tiên quyết cho triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin.
Số hóa tài liệu, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu số
Số hóa tài liệu là chuyển đổi các loại tài liệu sang thông tin số, nhằm tạo lập bản sao tài liệu dưới dạng điện tử để phục vụ khai thác thay cho tài liệu gốc và bảo hiểm. Chuyển đổi số trong cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tạo nên môi trường số khép kín, khi đó tất cả các đối tượng, ban, đơn vị, con người triển khai các công việc trong môi trường “không giấy tờ”, được hỗ trợ các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị chuyên dụng. Xây dựng một cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong cơ quan bằng cách số hóa tất cả các tài liệu liên quan là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.
Số hóa tài liệu là công tác cần thiết trong chuyển đổi số giúp cơ quan tiết kiệm không gian, diện tích lưu trữ văn bản, tài liệu; nâng cao hiệu quả công việc và tiết kiệm chi phí quản lý tài liệu; truy xuất, tìm kiếm, chia sẻ thông tin ở bất kỳ đâu vào bất cứ thời điểm nào một cách nhanh chóng, hiệu quả, bảo mật thông tin an toàn; linh hoạt trong việc chuyển đổi sang các loại dữ liệu số khác nhau; có khả năng chỉnh sửa và tái sử dụng dữ liệu; bản sao dự phòng các rủi ro có thể xảy ra đối với bản giấy; giảm thiểu sự xuống cấp về mặt vật lý và hóa học của tài liệu gốc trong quá trình khai thác, sử dụng; giúp việc bảo quản, duy trì thông tin dữ liệu được lâu hơn; khai thác tài liệu nhanh chóng, mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tài nguyên.
Ứng dụng hệ phần mềm quản lý văn bản và điều hành E.Office
Công tác văn thư lưu trữ, quản lý và điều hành các hoạt động của cơ quan có vai trò quan trọng trong quản lý hành chính. Chuyển đổi số trong quản lý văn bản và điều hành công việc trong cơ quan trên cơ sở triển khai hệ phần mềm quản lý văn bản và điều hành kết hợp với trục liên thông Chính phủ. Là những giải pháp trao đổi thông tin, điều hành tác nghiệp và quản lý văn bản hồ sơ công việc trong môi trường mạng Internet dần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một cơ quan hoạt động không giấy tờ. Đây thực sự là những ứng dụng cần thiết, nhờ đó có thể xử lý, điều hành công việc đa chiều, thông suốt các cấp và tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Các bước được tiến hành với chu trình khép kín trong toàn cơ quan.
Chức năng cơ bản của hệ quản lý văn bản và điều hành là trao đổi thông tin, điều hành tác nghiệp và quản lý văn bản, điều hành công việc trên mạng máy tính. Có khả năng theo dõi xử lý văn bản và điều hành công việc từ xa thông qua Internet bằng các công cụ khác nhau như máy tính, điện thoại… Nhờ đó các yêu cầu về quản lý công văn với đầy đủ các nghiệp vụ liên quan như cập nhật công văn đến - đi; phân loại công văn, phê duyệt công văn, xem công văn theo ngày, tuần, tháng… Đồng thời, hệ phần mềm còn cung cấp cho người dùng nhiều chức năng quản lý điều hành công việc, chức năng hỗ trợ lãnh đạo và những người có trách nhiệm điều hành công việc. Có thể tạo lập công việc từ văn bản đến hoặc lập công việc trên máy tính, tạo lập tiến độ thực hiện và theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện. Ngoài ra, việc trao đổi tài liệu, bổ sung các ý kiến đều được triển khai trực tiếp trong hệ ứng dụng không sử dụng giấy in như hình thức truyền thống. Việc quản lý hồ sơ công việc, lưu trữ tài liệu liên quan cũng được thực hiện tự động theo quy trình đã được định sẵn và khép kín.
Với nhiều tính năng ưu việt, ứng dụng hệ quản lý văn bản và điều hành trong cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nhiệm vụ cần thiết và quan trọng khi tiến hành chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Xây dựng các ứng dụng số triển khai các nhiệm vụ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Cùng với chuyển đổi số các hoạt động điều hành, quản lý văn bản trong cơ quan, công tác chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất cần được đầu tư nghiên cứu và triển khai. Khối lượng công việc lớn, lĩnh vực triển khai rộng, kiến thức chuyên môn đa chiều, phong phú… nên việc triển khai cần bài bản và có kế hoạch theo nhiều giai đoạn.
Để có những cơ sở cho quá trình chuyển đổi số trong cơ quan, cần xây dựng hệ thống quy định, hướng dẫn phù hợp. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành số hóa quy trình cho từng bộ phận, từng ban đơn vị. Đó là cơ sở quan trọng khi chuyển đổi số trong triển khai các nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong triển khai hoạt động quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả triển khai công việc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nghiên cứu xây dựng các kênh thông tin trên Website và ứng dụng Mobile cho từng nhóm công việc chuyên môn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như: Công tác phản ánh kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Số hóa hệ thống văn bản pháp quy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công tác đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới và kết quả thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở…
Thuận lợi và khó khăn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp khi tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hôi, an ninh, quốc phòng nói chung trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng đã được quy định trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 52 - NQ/TW; sự phối hợp của các tổ chức thành viên… là điều kiện thuận lợi để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Công tác chuyển đổi số nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin nói riêng được Ban Thường trực, các đồng chí lãnh đạo quan tâm và có nhiều chỉ đạo trong triển khai thực hiện. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý công việc và các hoạt động của cơ quan được đánh giá là cấp bách. Từ đó đã có nhiều định hướng, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời làm cơ sở triển khai các nội dung chuyển đổi số trong cơ quan. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và thiết bị như máy tính, máy chủ, hệ thống mạng… phục vụ cho chuyển đổi số được quan tâm đầu tư, trang bị. Hầu như cán bộ của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đều ở độ tuổi trẻ được đào tạo cơ bản và có đủ khả năng để làm việc trong môi trường số.
Tuy nhiên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa xây dựng được kiến trúc công nghệ thông tin của Mặt trận hướng tới chuyển đổi số trong các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thống nhất trong triển khai, thực hiện. Kiến trúc công nghệ thông tin của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm 5 kiến trúc: kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc thông tin, dữ liệu; kiến trúc ứng dụng; kiến trúc công nghệ kỹ thuật; kiến trúc an toàn, an ninh thông tin. Việc bảo đảm năng lực hạ tầng, thiết bị (máy chủ, mạng, bảo mật) để đáp ứng quá trình chuyển đổi số trong các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa cao. Việc bảo đảm hạ tầng kết nối thông suốt cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương nhằm triển khai hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của Mặt trận Tổ quốc mới đạt được kết quả bước đầu, cần củng cố và nâng cấp mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Chưa hình thành được nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thống nhất, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Mặt trận Tổ quốc từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Hạn chế trong bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu còn hạn chế. Việc xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ sở dữ liệu này được tập hợp tại cấp Trung ương, cấp quyền khai thác, truy cập, sử dụng cho các cơ quan Mặt trận Tổ quốc tại địa phương nhằm thống nhất, đồng bộ trong triển khai các hoạt động của Mặt trận chưa có. Việc thống nhất sử dụng hệ thống tài khoản truy cập duy nhất, tích hợp với hạ tầng định danh, xác thực (VnConnect) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để truy cập, sử dụng các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa có, cần xây dựng sớm trong năm 2022.
Trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền cũng như Mặt trận Tổ quốc các cấp cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người lao động về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư. Nhất là đưa công tác tuyên truyền về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi vào chiều sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, phổ biến, nhân rộng kịp thời các mô hình thí điểm. Tận dụng triệt để công nghệ số để thực hiện tốt công tác tuyên truyền.
Về thể chế chính sách, cần hoàn thiện pháp luật, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của quốc gia nói chung và hệ thống Mặt trận Tổ quốc nói riêng, nhất là chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh mạng khi hoạt động trên nền tảng internet và không gian mạng.
Phát huy lợi thế truyền thông của mạng internet, tăng cường cung cấp, cập nhật thường xuyên các thông tin, quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chính trị của cán bộ, đảng viên. Chủ động và tích cực tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp hiện đại trong công tác tuyên truyền thông qua ứng dụng mạng xã hội, nhằm gia tăng mức độ tương tác, kết nối giữa người dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đó chia sẻ thông tin chính thống đến người dân, đồng thời tiếp thu ý kiến phản ánh, góp ý của người dân để Mặt trận tập hợp, báo cáo với cấp ủy, chính quyền giải quyết. Việc phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tập hợp vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân tiêu biểu tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đồng thời đảm bảo cho người dân được thụ hưởng thành tựu phát triển thông qua “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia hiệu quả vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì nguồn lực quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ Mặt trận. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức; nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội; chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực mang lại. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần có những chuyên gia am hiểu sâu, có điều kiện tiếp cận các thông tin mới về thành tựu của khoa học, công nghệ tham gia vào Ủy ban, các tổ chức tư vấn của Mặt trận để có ý kiến, góp ý, đề xuất cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp các vấn đề liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Tạ Văn Sỹ
TS, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam