Ở Việt Nam, nghèo đói là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước (2/9/1945), Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã quan niệm nghèo đói như một thứ giặc, đó là: “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Chính vì thế, Người đã xác định nhiệm vụ trước mắt là phải diệt giặc đói để đồng bào ta “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã phân tích sâu sắc nguyên nhân của tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội của nước ta từ nhiều năm trước và đề ra đường lối đổi mới toàn diện, những định hướng đúng đắn để từng bước đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Nhiều chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo. trong đó, có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ về nhà ở, về vốn, về giống… Kết quả cho thấy, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được cải thiện rõ rệt, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm, an ninh, quốc phòng được đảm bảo. Tỷ lệ đói nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm nhanh, thậm chí nhanh hơn một số nước trong khu vực.
Ở khu vực Tây Nam Bộ, qua điều tra khảo sát trực tiếp cho thấy, các hộ nghèo đều không có tài sản đồ dùng sinh hoạt gia đình, có tới 54,5% số hộ được hỏi trả lời là không có quạt điện, 97,7% là không có tủ lạnh. Đồng bào Khmer (tỉnh Sóc Trăng) những năm gần đây tiếp cận với các dịch vụ công về cơ bản đã có những chuyển biến tích cực. Tỉnh Sóc Trăng đã triển khai có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, kéo điện, nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân, trong đó chủ yếu là đồng bào Khmer. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, năm 2017, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 5.000 hộ Khmer thoát nghèo, số hộ nghèo dân tộc Khmer là 18.037 hộ (giảm 5,02% so với năm 2016). Đây là tỷ lệ giảm nghèo khá cao.
Thực trạng đời sống, vấn đề đói nghèo của các tộc người thiểu số vùng Tây Nam Bộ đặt ra nhiều vấn đề phát triển trong giai đoạn 2015-2020 và đến năm 2030. Cần phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp để giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS vùng Tây Nam Bộ, trong đó đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer, Chăm cần tập trung vào giải quyết một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác truyên truyền, vận động, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nam Bộ xóa bỏ các thói quen, phong tục, tập quán lạc hậu, ảnh hưởng đến trình trạng nghèo, giảm nghèo và phát triển.
Trước hết chính quyền địa phương phải biết kết hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương, hướng dẫn đồng bào tổ chức sản xuất, thực hành tiết kiệm, chi tiêu có kế hoạch hợp lý. Đồng thời, vận động bà con xóa bỏ phong tục cưới hỏi rườm rà, phức tạp, tốn kém. Đặc biệt là đầu tư cho sản xuất, bớt chi phí cho hoạt động tín ngưỡng, lễ hội và tôn giáo.
Thứ hai, tập trung giải quyết đất đai vì mục tiêu giảm nghèo, ổn định đời sống và phát triển.
Để khắc phục tình hình biến động về mua bán, quản lý sở hữu và sử dụng đất vùng dân tộc Khmer, Chăm, cần có chính sách tiếp tục điều chỉnh các quan hệ về đất đai nhằm tạo ra sự ổn định đảm bảo cho sự phát triển của cộng đồng Khmer và toàn vùng. Xác định rõ quan điểm giải quyết đất đai vùng dân tộc Khmer, Chăm là nhằm các mục tiêu: ổn định đời sống và phát triển lâu dài. Các nội dung chính sách phải đáp ứng được các yêu cầu đó, thì mới tạo điều kiện để cộng đồng Khmer từng bước hoà nhập vào sự phát triển chung. Trên cơ sở Luật Đất đai, chính sách đất đai đối với vùng dân tộc phải đề ra các nội dung vừa có tính cụ thể, hỗ trợ giải quyết các khó khăn bức xúc về đất ở, đất sản xuất (với những hộ có nhu cầu thực sự sản xuất) trên nguyên tắc ổn định dân cư, tạo điều kiện ổn định đời sống của các dân tộc, đồng thời phải đảm bảo hài hoà với kế hoạch, chiến lược phát triển chung của địa phương, vùng.
Thứ ba, tiếp tục tiến hành, hoàn thiện quy hoạch lại dân cư vùng dân tộc Khmer, Chăm trong khu vực.
Các điểm quy hoạch vừa có tính chất chống lũ, vừa là điểm dân cư tập trung mới phù hợp cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, vừa giải quyết khó khăn bức xúc về nhu cầu đất của các hộ Khmer đặc biệt khó khăn, nghèo..., vừa đảm bảo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhà nước và chính quyền địa phương phải có kế hoạch điều phối lại đất đai theo hướng sản xuất nông sản hàng hoá, tránh tình trạng mua đất, cấp đất cho từng hộ thiếu đất, mà nên tìm giải pháp khác đưa họ vào các điểm quy hoạch dân cư và quy hoạch việc làm phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trong cộng đồng Khmer, Chăm.
Đây là nhân tố có ý nghĩa nhằm đáp ứng nhu cầu giảm nghèo, phát triển theo cơ cấu kinh tế của địa phương và quốc gia (giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, du lịch...) và việc làm cho người lao động ngày một gia tăng..., nhằm tránh sức ép về dân số, việc làm đối với đất đai.
Thứ năm, đẩy mạnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động khuyến nông.
Có chính sách phù hợp đối với chủng loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn vùng dân tộc Khmer, Chăm sinh sống để tư vấn và chuyển giao kỹ thuật có hiệu quả. Có chính sách tạo điều kiện về giống, vốn mang tính hỗ trợ ưu đãi ban đầu (về số lượng, thời gian, quản lý...) để người dân dần tiếp cận với kỹ thuật mới, làm ăn có hiệu quả và tạo khả năng chi trả vốn.
Có chính sách, kế hoạch và ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông là người Khmer, Chăm một cách chính quy, nắm tốt các yêu cầu kỹ thuật về khuyến nông để làm công tác trên địa bàn. Trung ương và các địa phương cần thống nhất và đổi mới chính sách hỗ trợ mức kinh phí đối với cán bộ khuyến nông ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân trí thấp, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, tự phát của các địa phương hiện nay. Chú trọng và hoàn thiện chính sách thông tin tuyên truyền về khuyến nông, lâm, ngư cho nông dân Khmer, Chăm (bằng tiếng Khmer, Chăm ) trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, báo chí...) ở các địa phương khu vực. Chú trọng biên soạn tài liệu, biên tập nội dung đơn giản, phù hợp với nhận thức của người dân. Đổi mới phương pháp hình thức khuyến nông, chú trọng địa bàn thôn, ấp trực tiếp đến người dân.
Thứ sáu, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của thị trường trong phát triển kinh tế hộ, cộng đồng dân tộc và địa phương.
Tiếp tục có chính sách đầu tư để xây dựng các cơ sở hạ tầng một cách sát hợp với nhu cầu và tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Khmer, Chăm, như: chợ, các trung tâm thương mại. Ưu đãi hơn về thuế, tín dụng nhằm tạo điều kiện để người dân làm quen và hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực tín dụng phục vụ phát triển sản xuất và thị trường. Có chính sách cho vay linh hoạt và thời gian cho vay kéo dài hợp lý hơn, thủ tục tiện lợi hơn phù hợp với trình độ dân trí; người nông dân cần được hướng dẫn, đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ sản xuất, đặc biệt là biết xây dựng kế hoạch sản xuất, hạch toán kinh tế trong đầu tư vốn, quay vòng vốn trong sản xuất.
Bao tiêu sản phẩm, hoặc hướng dẫn người nông dân Khmer, Chăm tiếp cận với kinh tế hàng hoá, thị trường... thì mới tạo động lực để họ thực hiện các đồng vốn được vay trong sản xuất. Thu hút các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài đủ mạnh để hỗ trợ người dân Khmer phát triển sản xuất, đi đôi với hoạt động tín dụng, từng bước nâng cao khả năng tín dụng của họ.
Thứ bảy, nâng cao năng lực về quản lý rủi ro trong hoạt động kinh tế, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Rủi ro trong đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng Khmer, Chăm bao gồm các vấn đề thiên tai, đất đai, sức khoẻ, thị trường giá cả… Để hạn chế và khắc phục các rủi ro đối với cộng đồng, Chính phủ và các địa phương trong thời gian tới cần tập trung có các chính sách:
+ Chính sách phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng đa dạng hoá các sản phẩm nhằm tạo ra các nguồn thu nhập, như: trồng rừng, trồng cây ăn quả theo mùa vụ, trồng lúa chất lượng cao, dịch vụ đi đôi với tích luỹ lương thực, bảo quản sau thu hoạch.
+ Chính sách tạo việc làm phù hợp với các nhóm đối tượng hộ, dân cư, lứa tuổi (đào tạo nghề, đa dạng hóa các nghề dịch vụ, xuất khẩu lao động...) làm sao các hoạt động sinh kế ngày càng chủ động không phục thuộc vào yếu tố thời tiết mưa lũ, hạn hán, dịch bệnh...
+ Giải quyết tốt vấn đề đất đai, tạo điều kiện để bộ phận dân cư có đất ở, đất sản xuất nhằm khắc phục tình trạng mua bán, cầm cố, sang nhượng... đất trong cộng đồng Khmer, hạn chế rủi ro này dẫn đến rủi ro khác cho người lao động.
+ Chính sách đầu tư, nâng cao dân trí về chăm sóc sức khoẻ, dân số - kế hoạch hoá gia đình nhằm nâng cao chất lượng dân cư về sức khoẻ, từng bước khắc phục rủi ro về đời sống, hoạt động kinh tế đối với một bộ phận dân cư.
Thứ tám, tiếp tục hoàn thiện và cung cấp hiệu quả dịch vụ công về giáo dục, an sinh xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng đi đôi với các thiết bị đào tạo ở các cấp học; chính sách hỗ trợ đối với học sinh nghèo, hộ nghèo về miễn giảm học phí, hỗ trợ tài liệu, phương tiện học tập; chính sách về lương, phụ cấp hợp lý đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục người Khmer, Chăm, giáo viên đến dạy tại vùng dân tộc Khmer, Chăm; nghiên cứu và xây dựng chương trình hợp lý trong việc dạy song ngữ.
Có chính sách, đề án hợp lý trong việc mở các trường đào tạo nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật. Tăng cường đào tạo cán bộ chủ chốt người Khmer, Chăm ở cơ sở; bồi dưỡng các vị sư sãi có trình độ có uy tín trong dân chúng; tuyển dụng thẳng và sử dụng hiệu quả sinh viên, học sinh dân tộc đã được đào tạo đi đôi với tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo trong quá trình công tác.
Tiếp tục củng cố trường Dân tộc nội trú về cơ sở vật chất, về chương trình, về chế độ chính sách đối với thầy và trò. Trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang cần có khoa dạy văn hoá Khmer, Chăm và ngữ văn Khmer, Chăm cho sinh viên trong vùng.
Có chính sách bắt buộc về giáo dục, xoá mù đối với nông dân Khmer nhằm nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo. Đây là chính sách cần được ưu tiên đầu tư từ vốn giáo dục và vốn xoá đói giảm nghèo nhằm tạo ra yếu tố nâng cao “mặt bằng dân trí” ở mức tối thiểu để tiếp cận toàn diện với các điều kiện xoá đói giảm nghèo cho từng nhóm hộ và cộng đồng.
Thứ chín, hoàn thiện và cung cấp hiệu quả dịch vụ công về y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Có chính sách tăng mức đầu tư để xây dựng hệ thống y tế thôn, ấp, xã trong việc đào tạo cán bộ chuyên môn (y tá, y sĩ, bác sĩ…), cán bộ quản lý, trang thiết bị, cơ sở vật chất, thuốc men. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách, cơ chế xây dựng mạng lưới truyền thông về y tế, dân số kế hoạch hoá gia đình vùng dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức của người dân về ý thức tự chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường sống. Phát huy vai trò của chính quyền các cấp để từng bước tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng vùng dân tộc cải tạo tập quán lạc hậu (chăn thả gia súc, gia cầm, sử dụng nước kênh rạch trong sinh hoạt, ma chay…) ảnh hưởng đến sức khoẻ cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ mười, hoàn thiện chính sách, đổi mới cung cấp các dịch vụ công về xoá đói giảm nghèo.
Cần xác định mối quan hệ giữa chính sách này với chính sách, chương trình phát triển chung của các địa phương; giữa giải pháp tình thế và giải pháp cơ bản, lâu dài; giữa cái cụ thể và cái tổng thể; khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận dân cư.
Có chính sách, cơ chế xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên gia xoá đói giảm nghèo trong vùng nói chung và đối với vùng dân tộc thiểu số nó riêng. Đội ngũ này phải được đào tạo về nghiệp vụ hướng dẫn cho người dân trong việc lập kế hoạch, sử dụng vốn, kỹ thuật nông nghiệp, chăm sóc sức khoẻ... và phải có chế độ chính sách thoả đáng để họ hoạt động có hiệu quả trong sự nghiệp xoá đói giảm nghèo.
Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các địa phương vùng Tây Nam Bộ nói chung và địa bàn có đồng bào Khme, Chăm nói riêng, đã thực hiện nhiều chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành đã có những đổi mới, nỗ lực cùng với ý thức, tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, tạo nên diện mạo mới vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta.
ThS. Nguyễn Duy Dũng - PV