Quang cảnh Hội thảo về đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố ngày 18/10/2021.
1. Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an luôn khẳng định “Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có vị trí, vai trò quan trọng, là hình thức thích hợp, hiệu quả để tập hợp, thu hút đông đảo nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân”. Kết luận số 44/KL-TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” nêu rõ: “Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là cơ sở rất quan trọng để xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Từ đây có thể thấy rằng, muốn xây dựng được “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân gắn liền với thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thì phải xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở khắp các địa bàn. Tuy nhiên, muốn có phong trào và muốn phong trào hoạt động ổn định, hiệu quả thì cần hoàn thiện các quy định làm sơ sở pháp lý cho công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
2. Thực tế hiện nay cho thấy, các quy định liên quan đến công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc còn tản mạn, rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Qua khảo sát thực tế có thể chia các quy định về việc xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành 5 nhóm như sau:
Một là, nhóm quy định về vị trí, vai trò của công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Điều 16 Luật An ninh quốc gia đã quy định cụ thể về hoạt động xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, trong đó xác định “Vận động toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc” là nội dung hàng đầu để xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân” hay Điều 6 Luật Công an nhân dân năm 2018 cũng xác định ghi rõ: “Ngày 19/8 hàng năm là ngày truyền thống của Công an nhân dân và là “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Bên cạnh đó, Quyết định 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Thủ tướng về “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cũng xác định ngày 19/8 hàng năm là “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Hai là, nhóm quy định về chủ thể, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các quy định này hiện nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, như: Điều 19 của Luật An ninh quốc gia có đề cập đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó có trách nhiệm phải tuyên truyền, động viên nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tại khoản 2 Điều 10 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…”. Bên cạnh đó, Điều 16 Luật An ninh quốc gia quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân, trong đó có nhiệm vụ làm nòng cốt xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ba là, nhóm quy định về các lực lượng tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ quy định về Bảo vệ dân phố có xác định “Bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn”; Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về “Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp” quy định lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp có nhiệm vụ “làm nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp; xây dựng cơ quan, doanh nghiệp an toàn”. Ngoài ra, quần chúng nhân là lực lượng đông đảo tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo quy định tại Điều 17 của Luật An ninh quốc gia.
Bốn là, nhóm quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm và bảo đảm điều kiện áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự. Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21/1/2014 của Chính phủ về “Biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”, cụ thể tại Điều 5 của Nghị định này có quy định về nội dung biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự có nội dung “Tổ chức, đông viên, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Trên cơ sở các nhóm quy định đó, với vị trí, vai trò nòng cốt trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ trưởng Bộ Công an cũng ban hành Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 quy định về khu dân cư, xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”, Thông tư số 67/2012/TT-BCA ngày 1/11/2012 về “Quy định trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trong đó xác định rõ về nguyên tắc, nội dung, phân công trách nhiệm của công an các đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác này. Ngoài ra, tùy từng thời kỳ, từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng khác nhau, Bộ Công an cũng ban hành các văn bản quy định riêng nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, như: Chỉ thị số 04/CT-BCA-V28 ngày 21/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Chỉ thị số 07/CT-BCA-V28 ngày 15/8/2014 về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới”, Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28 ngày 19/8/2015 về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo”, Chỉ thị số 10/CT-BCA- V28 ngày 23/12/2015 về “Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Công an cấp xã”, Chỉ thị số 03/CT-BCA-V28 ngày 3/6/2016 về “Tăng cường công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28 ngày 1/11/2016 về “Tăng cường công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”.
Năm là, nhóm quy định về kinh phí xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngày 24/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 165/2016/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Trong đó có quy định về nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước cho phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (điểm 2.1 khoản 2 Điều 9) và địa phương (điểm 2.1 và 2.11 khoản 2 Điều 11). Tại Điều 11 Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21/1/2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội quy định về kinh phí bảo đảm thực hiện biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự.
Với hệ thống các văn bản quy định như hiện nay, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cũng chỉ ra rằng, hệ thống các quy định liên quan đến công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung.
Một là, chưa có một văn bản thống nhất các quy định liên quan đến công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; còn nằm tản mạn, rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, dẫn đến nhiều chủ thể, đặc biệt là lực lượng Công an địa phương lúng túng trong quá trình vận dụng các quy định có liên quan.
Hai là, nhiều vấn đề hợp lý liên quan đến xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhưng chưa được quy định trong các văn bản pháp luật dẫn đến mỗi đơn vị, mỗi địa phương lại có cách vận dụng khác nhau, chưa có sự thống nhất ở phạm vi cả nước, như: nguyên tắc, nội dung, hình thức, phương pháp, trình tự, thủ tục xây dựng phong trào này.
Ba là, chưa có các quy định về hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hầu hết đều vận dụng các quy định của pháp luật có liên quan như: Bộ Luật hình sự, Luật Hành chính và các nghị định về xử lý vi phạm…
Bốn là, nhiều cấp, đơn vị trong Công an nhân dân đã được xóa bỏ theo chủ trương thu gọn đầu mối, tinh giảm biên chế của Chính phủ và Bộ Công an, nhưng hiện nay các quy định về nhiệm vụ của các cấp, các đơn vị này trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vẫn chưa được sửa đổi. Điển hình là Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 quy định về khu dân cư, xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” và Thông tư số 67/2012/TT-BCA ngày 1/11/2012 của Bộ Công an “Quy định trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Năm là, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể về các nội dung chi, mức chi kinh phí phục vụ công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hàng năm ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và địa phương đều chưa bố trí được nguồn kinh phí chi riêng cho công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu xây dựng thế trận an ninh nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự, các chủ thể nòng cốt, đặc biệt là lực lượng Công an cần nghiên cứu, phát hiện, tham mưu và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định tiến tới hoàn thiện các quy định phục vụ có hiệu quả công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
3. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định tiến tới hoàn thiện các quy định về xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có thể thực hiện theo hai hướng cơ bản.
Thứ nhất, cần xây dựng một văn bản Luật quy định về công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể nòng cốt, đối tượng tham gia và điều kiện xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện của các chủ thể liên quan đến công tác này. Các quy định cần thể hiện cụ thể các nội dung liên quan đến quá trình xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tăng cường pháp chế. Sau khi ban hành Luật, Chính phủ cần xây dựng, ban hành các nghị định quy định chi tiết một số điều của văn bản luật này, đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần thông tư hướng dẫn hoặc các văn bản dưới luật khác để điều chỉnh hoạt động này trong nội bộ ngành của mình, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với hoạt động xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thuộc chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, cần ban hành thông tư quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng kinh phí xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn phù hợp theo hướng phân loại như sau:
+ Đối với các văn bản quy phạm pháp luật ban hành có nội dung thiết thực, hợp lý nhưng chưa được quy định hoặc chỉ mới được nhắc đến trong các văn bản hướng dẫn Luật, cần được pháp luật hóa, như quy định về “trách nhiệm của dân phố, dân phòng, lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã” trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Muốn làm được điều này, cần khẩn trương xây dựng và ban hành luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, trong đó cần quy định cụ thể trách nhiệm của “dân phố, dân phòng, lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã” trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
+ Đối với các văn bản quy định có nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế, gây khó khăn trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thì cần bãi bỏ hoặc sửa đổi cho phù hợp. Điển hình như: Cần sửa đổi Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 quy định về khu dân cư, xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”, Thông tư số 67/2012/TT-BCA ngày 1/11/2012 của Bộ Công an “Quy định trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” bởi vì hiện nay trong Bộ Công an không còn cấp Tổng cục, một số đơn vị đã sáp nhập với nhau dẫn đến sự thay đổi về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ. Vì vậy, cần sửa đổi, thay thế thông tư trên để phù hợp với tên gọi và chức năng, nhiệm vụ mới của các đơn vị và tình hình thực tiễn.
Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cần đảm bảo các yêu cầu sau:
Một là, tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phù hợp với các quy định khác có liên quan, đảm bảo không chồng chéo.
Hai là, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy đảng; quản lý, điều hành của chính quyền; chỉ đạo thống nhất, đồng bộ của chủ thể tham gia thực hiện công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ba là, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bốn là, đáp ứng các yêu cầu của công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong từng địa bàn và lĩnh vực cụ thể.
Lê Trọng Phúc
Đại tá, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2004), Luật An ninh quốc gia, Hà Nội.
2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật Công an nhân dân, Hà Nội.
3. Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Quyết định 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Hà Nội.
4. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 quy định về Bảo vệ dân phố, Hà Nội.
5. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013 quy định chi tiết về “Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp”, Hà Nội.
6. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Nghị định số 06/2014/NĐ-CP, ngày 21/1/2014 của Chính phủ về “Biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”, Hà Nội.