|
Người dân phường 8, quận 10 (thành phố Hồ Chí Minh) đổi rác thải nhựa lấy quà, hưởng ứng phong trào “sống xanh”, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường. |
Nhiều việc làm thiết thực
Sáng chủ nhật, chị Vũ Thanh Thủy ngụ tại đường số 1 phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức cùng các con mang túi đựng sản phẩm nhựa và rác bao bì đến điểm “Đổi rác nhựa nhận quà” của phường để bên thu gom tập trung tái chế. Đây cũng là hoạt động thường xuyên của người dân địa phương.
“Chúng tôi nhận về cây xanh, vật dụng tuyên truyền bảo vệ môi trường và cộng đồng đang muốn lan tỏa tinh thần này đến thế hệ trẻ để các cháu có ý thức bảo vệ môi trường”, chị Thủy tâm sự.
Chỉ trong một ngày hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), hơn 211 lượt người dân khu phố 5 phường Thảo Điền đã cùng nhau thu gom hơn 90kg giấy vụn, 1.317 chai, lon, thùng nhựa các loại. Ban Tổ chức đã trao hơn 100 cây sen đá, 200 túi vải, 200 móc khóa và hơn 100kg đường cho người mang rác đổi quà. Đây cũng là phần việc được chính quyền xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) triển khai thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Giàu, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hai, cho biết xã còn tổ chức cuộc thi “Tái chế vì môi trường”, nhằm lan tỏa thông điệp tích cực tham gia các hoạt động tái chế, xây dựng mảng xanh tại gia đình, nơi công cộng và nói không với rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.
Trên quy mô toàn thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh vừa phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ tổng kết, trao giải Hội thi xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư lần 2 - năm 2023. Theo đó, qua hơn 3 tháng triển khai, đã có 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức tích cực hưởng ứng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; có 555 công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường của 379 đơn vị cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, thành phố đang duy trì 1.920 điểm, công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường. Các bên sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường nhằm huy động các nguồn lực xã hội, vận động người dân, cộng đồng dân cư cùng tham gia chuyển hóa khu vực ô nhiễm môi trường thành khu sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi thiếu nhi, vườn rau, vườn hoa; chung tay trang trí tạo mảng xanh, góp phần xây dựng thành phố sạch - xanh - thân thiện môi trường.
Duy trì kết quả thực chất, lâu dài
Thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030” do UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành, Báo Sài Gòn Giải phóng và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) vừa tổ chức Chiến dịch tiêu dùng xanh lần thứ 14, thực hiện trong tháng 6-2023. Đây là việc làm thường niên của hai đơn vị.
Theo Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng Phạm Văn Trường, mục tiêu của chiến dịch nhằm vận động cộng đồng ưu tiên sử dụng các sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, thiết lập thói quen tiêu dùng mới có lợi cho môi trường. Còn Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Lê Trường Sơn, các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op bố trí các khu vực trưng bày riêng biệt cho sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
“Lâu nay, chúng tôi đã loại bỏ ống hút nhựa và nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần ra khỏi danh mục bán hàng. 100% các siêu thị, cửa hàng bán lẻ sử dụng túi tự hủy để đựng hàng cho khách, góp phần nâng cao nhận thức về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển kinh tế bền vững trong cộng đồng”, ông Lê Trường Sơn nói thêm.
Công ty TNHH Mondelez Kinh Đô (thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những doanh nghiệp chuyên về thực phẩm. Đến nay, hơn 97% tổng số bao bì của Mondelez Kinh Đô, bao gồm chất liệu nhựa và chất liệu khác, đều có thể tái chế và tái sử dụng. Doanh nghiệp đang tăng tốc để đạt được 100% mục tiêu sớm hơn toàn cầu vào năm 2025.
Tổng Giám đốc Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam Anil Viswanathan cho biết, doanh nghiệp đang triển khai chuyển đổi nguồn điện tiêu thụ cho sản xuất sang nguồn năng lượng tái tạo tại các nhà máy sản xuất; thay thế nhiên liệu nhiệt bằng các nguồn nhiên liệu thay thế “xanh”; thực hiện các chương trình giảm thiểu lượng nước thải và lãng phí thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng…
“Thói quen của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng nhiều đến hướng phát triển sản phẩm bao bì thân thiện môi trường của doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam thường ưa thích bao bì sặc sỡ, trang trí bắt mắt khi dùng làm quà vào các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, những bao bì đó đòi hỏi dùng nhiều hóa chất mực để in hơn, dùng màng ni lông bao phủ… và sẽ khó tái chế hơn. Hiện xu hướng tiêu dùng hiện đại đang khuyến khích phát triển bao bì đơn giản, dễ tái chế. Mong rằng chúng ta sớm có nhận thức chung về vấn đề này”, ông Anil Viswanathan chia sẻ.
Theo Nam Trung/Báo Hànộimới