Một số kết quả sau 5 năm thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Mặt trận) - Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã tạo hành lang pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, mà nòng cốt là các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Bài viết khái quát một số kết quả chính và đề xuất những giải pháp thực hiện tốt Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới.

  Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, ngày 16/4/2019.

Từ khi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, mà nòng cốt là các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyền hạn của mình.

Trong 5 năm thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, hướng dẫn... để triển khai thi hành Luật trong hệ thống. Đồng thời, tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt Luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân với các hình thức phong phú, đa dạng như: phối hợp với Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp tổ chức hội nghị triển khai cho cán bộ, công chức, đưa nội dung vào các lớp tập huấn cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam định kỳ hàng năm; tuyên truyền lồng ghép nhân kỷ niệm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hàng năm; giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên bản tin hàng tháng và trang tin điện tử của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp còn phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp thông qua việc thực hiện quy chế phối hợp để tuyên truyền. Theo đó, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nâng lên rõ rệt.

Thực hiện quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, ngày 15/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Công tác tổ chức thi hành và hiệu lực của Luật đã đem lại những kết quả thể hiện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác hướng dẫn triển khai thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương tới cơ sở đã đem lại kết quả ở mọi mặt công tác. Việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, hoạt động góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, thực hiện đối ngoại nhân dân… hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội rất thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015

Trong việc tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và “Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020”; phát động và trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm “Thực trạng, giải pháp Mặt trận tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tham gia xây dựng và triển khai thực hiện Quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tri hướng dẫn giám sát, cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; duy trì tổng hợp và xử lý thông tin nhanh hàng tuần phản ánh trên báo chí về chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chủ động giám sát việc giải quyết các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động, giám sát của Mặt trận đã góp phần tạo dư luận lên án mạnh mẽ, phát huy sức mạnh của nhân dân, nâng cao ý thức của cả cộng đồng trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, vì nhân dân phục vụ.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ tham gia chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tham gia các Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp; chủ trì lựa chọn, giới thiệu người để Hội đồng nhân dân các cấp bầu làm Hội thẩm nhân dân. Đã phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhiều ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương xã hội.

Trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và các bộ, ngành có liên quan tích cực triển khai nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tập trung vào các lĩnh vực: chính sách đối với người có công với cách mạng; thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ; đổi mới giáo dục và đào tạo; quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; cải cách hành chính; thuế và hải quan; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế; bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham mưu đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền ưu tiên lựa chọn những chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc ở địa phương để tổ chức giám sát. Nhiều lĩnh vực quản lý phức tạp, khó khăn, nhạy cảm như bồi thường tái định cư, thu hồi đất, quản lý sử dụng các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, bồi thường sự cố ô nhiễm môi trường biển... đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát có hiệu quả. Những kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong nhân dân đã được các cấp ủy, chính quyền tiếp nhận, chỉ đạo xem xét giải quyết và thông báo đến các tầng lớp nhân dân.

 Trong việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trình bày tại phiên khai mạc các kỳ họp của Quốc hội. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đã thể hiện đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những lĩnh vực, vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, phản ánh; đồng thời thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt. Thông qua việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp và việc tham gia xây dựng pháp luật, thể chế và các cơ chế, chính sách, Mặt trận đã thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Hàng năm, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đều tổ chức các cuộc làm việc với Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ để sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan này; qua đó kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Một số giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015

Một là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tổng hợp những quy định còn vướng mắc, bất cập của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 qua 5 năm triển khai thi hành để kiến nghị Quốc hội khóa XV xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Trước mắt, tổng hợp những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 để có văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền thực hiện thống nhất trong phạm vi hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 27 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 về "Hình thức giám sát" cho phù hợp với Điều 7 - "Phương pháp giám sát" quy định tại Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI); sửa đổi, bổ sung Điều 34 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định về "Hình thức phản biện xã hội" cho phù hợp với quy định về "Phương pháp phản biện xã hội" tại Điều 11 Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI) và Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.

Sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 theo hướng có những điều quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội; với các tổ chức thành viên khác; Nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong việc tiếp thu, giải trình, giải quyết các nội dung giám sát, phản biện xã hội, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội các thành viên khác của Mặt trận. Hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế phát huy vai trò của nhân dân trong quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 sâu rộng đến các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là bộ phận của hệ thống chính trị; trong mối quan hệ tổng thể Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - nhân dân làm chủ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện tốt các nội dung của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, trọng tâm là tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh; giám sát và phản biện xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Muốn vậy cần đào tạo, bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh của cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nhất là cấp huyện và cấp xã), thực hiện tốt vai trò chủ trì, phát huy sự chủ động của các tổ chức thành viên, mà nòng cốt là các tổ chức chính trị - xã hội trong phối hợp thống nhất hành động.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền các cấp, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện tốt các quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

Ba là, nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Hoạt động giám sát của nhân dân; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để đảm bảo đồng bộ với quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện khi thực hiện trên thực tế hiện nay còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần có biện pháp tháo gỡ cho phù hợp mới bảo đảm để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả quyền và trách nhiệm của mình.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn những nội dung khác thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 để đảm bảo việc thực hiện được nghiêm túc, đồng bộ. Cần kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.

Phạm Thị Hồng

TS, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều