Chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.
Nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được ghi rõ trong các văn bản có liên quan của Đảng và Nhà nước; trong đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại Điều 157 ghi rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường”; “… thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường”.
Từ năm 2013 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm và Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Đồng thời, lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong các phong trào, cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (trước đây là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”) gắn bảo vệ môi trường với phát triển bền vững đất nước. Đây là cơ sở, tiền đề để hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó có phong trào “chống rác thải nhựa”.
Kết quả triển khai thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” gắn với bảo vệ môi trường
Trong công tác tuyên truyền, vận động, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường gắn với thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”; đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở từng cộng đồng dân cư và ngay từ hộ gia đình; trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về bảo vệ môi trường ở gia đình và trên địa bàn dân cư. Biểu dương, tôn vinh và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường và thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”.
Năm 2018, hưởng ứng phát động của Liên hợp quốc nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” và Thư ngỏ của của Thủ tướng Chính phủ về “chống rác thải nhựa", Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận các cấp triển khai tuyên truyền, vận động, kêu gọi cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cùng nhau chung tay “chống rác thải nhựa” và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tự nhiên, bảo vệ sức khỏe con người.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo các đơn vị báo chí, thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức thực hiện nhiều hình thức đa dạng, phong phú tuyên truyền về “chống rác thải nhựa” trên các báo in, tạp chí, trang thông tin điện tử. Phối hợp tuyên truyền trên các chuyên mục “Đại đoàn kết” trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam; “Đoàn kết là sức mạnh” trên kênh VOVTV của Đài Tiếng nói Việt Nam; các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương ...
Công tác tuyên truyền, vận động “chống rác thải nhựa” được đẩy mạnh vào dịp cao điểm như: Ngày Môi trường thế giới (5/6) hàng năm, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; Tuần lễ làm cho thế giới sạch hơn; Giờ Trái đất…; đưa nội dung “chống rác thải nhựa” vào nội dung chương trình các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường cho cán bộ Mặt trận ở các cấp.
Lồng ghép phong trào “chống rác thải nhựa” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo đưa nội dung “chống rác thải nhựa” vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Cụ thể: Vận động nhân dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần; thu gom, phân loại rác thải nhựa tại gia đình; hướng dẫn và phát huy hiệu quả các hoạt động tự quản của cộng đồng trong việc giám sát thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đến tháng 3/2021, cả nước có 5.193 xã (62,82%) đạt chuẩn nông thôn mới; 190 huyện (28,61%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 6.223 xã (75,30%) đạt tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm. Nhiều cách làm hay, sáng tạo của các tổ chức thành viên Mặt trận và trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa” như: Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần”; sử dụng làn nhựa đi chợ nhiều lần; “Ngày không túi ni lông”; cửa hàng, siêu thị, quán cà phê sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay cho sản phẩm nhựa dùng 1 lần; Thanh niên tình nguyện chống rác thải nhựa;…
Thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” gắn với xây dựng các mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường”, ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở, tùy theo đặc điểm của các loại hình khu dân cư ở thành thị, nông thôn, miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biển, vùng có đông đồng bào tín đồ các tôn giáo để lựa chọn khu dân cư xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường gắn với phong trào chống rác thải nhựa ở cộng đồng dân cư; từ đó rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng mô hình tại các địa phương và trong cả nước.
Nội dung xây dựng mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gồm: (1) Nhân dân tự giác thực hiện hương ước, quy ước hoặc bản cam kết thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu dân cư; trong đó có “trên 95% hộ đăng ký và thực hiện cam kết”, “trên 90% hộ tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường”, “trên 90% hộ gia đình nộp đủ các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định”. (2) Bảo đảm vệ sinh, môi trường ở nơi công cộng và nơi sinh hoạt của khu dân cư. (3) Có các tổ chức tự quản và hoạt động tích cực, hiệu quả. Có lịch hoạt động, kiểm tra, đánh giá kết quả; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường (tuần, tháng, quý, năm). (4) Có các hình thức, biện pháp thu gom, phân loại rác thải do cộng đồng dân cư tự tổ chức thực hiện. (5) Đường làng, ngõ xóm, ngõ phố phong quang, vệ sinh, sạch đẹp, trồng cây xanh ở những nơi công cộng. (6) Có 90% số hộ gia đình (đối với đô thị, nông thôn) và 80% số hộ gia đình (đối với miền núi) thực hiện tốt các tiêu chí.
Tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng và nhân rộng hàng vạn mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với phong trào “chống rác thải nhựa” với nội dung, hình thức hoạt động rất phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương, cơ sở. Trong đó, năm 2018, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng 100 mô hình điểm tại 50 tỉnh, thành phố; năm 2019, hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng 100 mô hình mới tại 50 tỉnh, thành phố; năm 2020, hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng 46 mô hình tại 23 tỉnh, thành phố; năm 2021 hỗ trợ 10 khu dân cư tại 5 tỉnh xây dựng mới mô hình điểm thu gom, phân loại rác tại nguồn. Đến hết tháng 12/2020, tại 50 tỉnh, thành phố đã xây dựng và nhân rộng được 40.626 mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hoạt động tư vấn, giám sát và phản biện xã hội trên lĩnh vực bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức hàng trăm cuộc giám sát và phản biện xã hội, các hoạt động tư vấn, góp ý về bảo vệ môi trường và thực hiện các giải pháp “chống rác thải nhựa”; góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” ở địa phương, cơ sở. Đồng thời, tham mưu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” sát với yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân ở địa bàn dân cư. Tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân về bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” gửi các cơ quan đảng, chính quyền các cấp. Tổ chức góp ý kiến, phản biện xã hội vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan...
Từ năm 2018 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp với một số tổ chức thành viên và các cơ quan có liên quan tổ chức giám sát về khai thác tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tại 15 tỉnh, thành phố; trong đó có nội dung giám sát việc thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”. Qua giám sát cho thấy, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như rác thải nhựa đang có những hạn chế, bất cập và là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương, cơ sở. Điều đó đã và đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và “chống rác thải nhựa” từ xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật; khoa học - công nghệ; cơ chế tài chính, thuế; huy động vốn và thực hiện xã hội hóa; tổ chức bộ máy và nhân lực; tổ chức tuyên truyền, vận động; đặc biệt cơ chế ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khoa học - công nghệ để xử lý rác thải, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần…
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” gắn với bảo vệ môi trường
Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) tại Điều 73 ghi rõ: “giảm thiểu tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương”. Để thực hiện hiệu quả phong trào “chống rác thải nhựa” gắn với bảo vệ môi trường trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”. Đẩy mạnh và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mọi người dân và toàn xã hội về bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”. Tăng cường tuyên truyền trên báo chí ở Trung ương, địa phương, mạng internet, mạng xã hội (facebook, zalo, yahoo, twitter…); lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo, tọa đàm của các cơ quan, tổ chức, các cuộc họp nhân dân ở địa bàn dân cư. Chỉ đạo các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”.
Đưa phong trào “chống rác thải nhựa” thành nội dung trọng tâm trong Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chương phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường cùng cấp tổ chức thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” ở địa phương, cơ sở.
Hai là, phát huy vai trò chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và nhân rộng các mô hình điểm bảo vệ môi trường gắn với phong trào “chống rác thải nhựa”, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”, góp phần xây dựng khu dân cư nông thôn mới, đô thị văn minh sáng - xanh - sạch - đẹp, khu dân cư tiêu biểu. Duy trì tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình, từng khu dân cư về bảo vệ môi trường và hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” đối với sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội trên lĩnh vực bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”. Tổ chức phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, các đề án, kế hoạch, quy hoạch về bảo vệ môi trường; giám sát định kỳ, hoặc đột xuất những vụ việc, các điểm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa gây bức xúc trong nhân dân. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”; kiến nghị các biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” ở địa phương, cơ sở. Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”. Tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân trên lĩnh vực bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền các cấp.
Bốn là, chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa” gắn với “Tháng hành động vì môi trường” và Ngày Môi trường thế giới 5/6 hàng năm. Cụ thể: Tổ chức lễ mít tinh; treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề Ngày Môi trường thế giới 6/5 gắn với “chống rác thải nhựa”; phổ biến pháp luật nhằm nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội và tham vấn của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”; vận động các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư.
Phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, cộng tác viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia tư vấn, góp ý vào các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” của Trung ương và địa phương, cơ sở. Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để thảo luận, trao đổi, xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý về bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” để tư vấn cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”.
Năm là, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn và đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó có sản phẩm chất dẻo tự phân hủy thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần; đồng thời có giải pháp hạn chế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia công tác bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”. Tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”.
Sáu là, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng về bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp. Xây dựng và nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phong trào “chống rác thải nhựa” trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phát huy vai trò của cán bộ, đoàn viên, hội viên và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị gương mẫu đi đầu trong phong trào “chống rác thải nhựa”. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đấu tranh, phê phán các hành vi gây ô nhiễm môi trường, thiếu ý thức trong sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Nguyễn Văn Vẻ
Phó Trưởng ban Tuyên giáo, UBTW MTTQ Việt Nam