Không chỉ bám nắm địa bàn, những cán bộ biên phòng tăng cường xuống cơ sở còn chủ động kế hoạch, thường xuyên tuần tra biên giới.
Thượng tá Mê Văn Đạt cho biết, ngày mới nhận nhiệm vụ mới, anh gặp rất nhiều khó khăn do kiến thức, kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Trong khi đó, đời sống kinh tế của người dân còn nghèo, trình độ dân trí thấp, phương thức sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp, tỉ lệ hộ nghèo cao. Đội ngũ cán bộ xã có trên 50% chưa đạt chuẩn về chuyên môn; trên 70% chưa tốt nghiệp THPT. Năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của Đảng ủy, chính quyền và đoàn thể còn nhiều mặt hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong công tác, làm việc còn thụ động, trông chờ ỷ lại vào cấp trên, phương pháp làm việc đơn giản, tuỳ tiện, kém hiệu quả.
Do đó nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng nhiều năm không đạt kế hoạch trên giao. Cơ sở chính trị từ xã đến thôn, xóm chậm được củng cố kiện toàn. Nhiều vấn đề nổi cộm, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chậm được giải quyết, để tồn đọng kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.
Trước thực trạng trên, với chức trách, nhiệm vụ được giao, sau một thời gian ngắn tập trung bám địa bàn, nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Thượng tá Mê Văn Đạt đã đề xuất với Đảng ủy, chính quyền xã xác định nội dung tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu quả hoạt động, điều hành của chính quyền, đoàn thể từ xã đến các thôn, xóm.
“Tôi đã đề xuất sửa đổi, ban hành quy chế làm việc của Đảng uỷ và UBND xã; duy trì thường xuyên, nề nếp chế độ làm việc, giao ban theo quy định. Trực tiếp bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ xã phương pháp làm việc khoa học, trách nhiệm và hiệu quả. Tham mưu đề xuất và có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch tạo nguồn, nhất là cán bộ trẻ có trình độ, củng cố kiện toàn các ban ngành, đoàn thể xã, xóm phù hợp với khả năng công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao”, Thượng tá Mê Văn Đạt nói.
Trên cơ sở tự nghiên cứu, học tập, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, của Huyện ủy, UBND huyện, các phòng ban chuyên môn; căn cứ vào đặc điểm, điều kiện và thế mạnh của địa phương, Thượng tá Mê Văn Đạt đã tham mưu đề xuất và trực tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Tăng cường quan hệ gắn bó giữa cán bộ với nhân dân, kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, xử lý những mâu thuẫn từ cơ sở.
Anh đã hướng dẫn nhân dân chuyển đổi nếp nghĩ, thói quen sinh hoạt và phương thức canh tác. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nương rẫy sang canh tác trồng lúa nước, mở rộng khai hoang tăng diện tích trồng lúa, phát triển đàn gia súc, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống. Tích cực khai thác, phát triển các dịch vụ và sản phẩm du lịch. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ghi nhận những nỗ lực, tâm huyết của Thượng tá Mê Văn Đạt về phương pháp, cách làm hiệu quả, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, Nguyễn Hoàng Anh cho rằng: Cách làm sáng tạo của BĐBP đưa cán bộ tăng cường xuống cơ sở đã góp phần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ xã, thôn, xóm được chuẩn hóa, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể hoạt động có nề nếp, hiệu quả.
Với những đóng góp của Thượng tá Mê Văn Đạt, trình độ nhận thức của người dân đã nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được thay đổi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, đến nay toàn xã Đàm Thủy chỉ còn 13,7% hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, củng cố; an ninh trật tự được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ được quản lý, bảo vệ vững chắc. Đàm Thủy từ một xã nghèo, phức tạp về an ninh trật tự, nay đã trở thành một xã năng động, có kinh tế phát triển khá, là trung tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng.
Để có những kết quả trên, Thượng tá Mê Văn Đạt cho rằng bản thân người cán bộ tăng cường cần phải nhận thức sâu sắc về trách nhiệm tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố cơ sở chính trị, quốc phòng - an ninh tại các xã biên giới là một nhiệm vụ quan trọng.
“Điều này cũng xuất phát từ truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa BĐBP với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, cũng như yêu cầu nhiệm vụ của BĐBP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, Thượng tá Mê Văn Đạt khẳng định.
Với những kết quả đạt được, Thượng tá Mê Văn Đạt đã vinh dự được Chủ tịch nước gặp mặt động viên 3 lần. Chính phủ tặng 2 Bằng khen và một Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Tám năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2015 được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quân và nhiều phần thưởng khác.
Anh cho rằng, việc tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã, thị trấn biên giới không chỉ là để giúp xây dựng địa phương vững mạnh toàn diện mà còn là yêu cầu và điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Ngoài ra, cán bộ biên phòng được tăng cường còn phải nắm vững chức trách, nhiệm vụ; đề cao tinh thần nêu gương trong công việc. Tích cực, tự giác trong nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức tổng hợp về mọi mặt. Phải có sự am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán của địa phương, thật sự tận tụy với công việc, không quản ngại khó khăn, luôn sâu sát bám nắm địa bàn.
Chiến sĩ biên phòng xuống cơ sở phải gắn bó mật thiết và bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, khi triển khai các nhiệm vụ phải phù hợp với tình hình thực tiễn và thế mạnh của địa phương cũng như cần phát huy được trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân địa phương để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Chủ động làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ tại chỗ, vừa đảm bảo tính kế thừa cũng như các bước chuyển tiếp giữa các thế hệ đảm bảo vững chắc.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Thượng tá Mê Văn Đạt xác định việc lựa chọn cán bộ Biên phòng tham gia làm nhiệm vụ tăng cường tại các xã, thị trấn biên giới cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn những đồng chí có phẩm chất, năng lực, yên tâm công tác, có kinh nghiệm. Bên cạnh đó cần chú trọng tuổi quân, tuổi đời và trình độ kiến thức của cán bộ tăng cường tương xứng với mặt bằng chung của cán bộ xã để thuận lợi trong quan hệ công tác…
Theo Báo Tin tức