|
Hướng dẫn và phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi, nạn nhân chất độc da cam, người nghèo thuộc 2 huyện Hàm Yên, Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng các nhà hảo tâm tổ chức (2019). Ảnh minh họa: Nam Sương/TTXVN |
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, mọi tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy vai trò trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, trở thành tấm gương sáng, lan tỏa những giá trị nhân văn...
Nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực
Suốt 7 năm qua, mỗi tháng 2 lần bếp ăn từ thiện của Hội Người cao tuổi phường Tân Thuận Đông quận 7, TP Hồ Chí Minh lại phục vụ cho người cao tuổi, người dân, người bán vé số, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường.
Bà Đoàn Thị Thỉnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Tân Thuận Đông cho biết: Hoạt động của bếp ăn chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, sự đóng góp của hội viên Hội Người cao tuổi phường. Cơm nấu xong sẽ đóng hộp và được phát cho những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo và trẻ em không nơi nương tựa...
Không chỉ ở phường Tân Thuận Đông, rất nhiều địa phương trên cả nước tổ chức tốt các mô hình chăm sóc cho người cao tuổi mà ý tưởng cũng như nhân lực thực hiện cho hoạt động ý nghĩa này đều xuất phát từ Hội người cao tuổi ở cơ sở. Những chương trình như “Mắt sáng cho người cao tuổi”; "Chung tay chăm sóc sức khỏe người cao tuổi", "Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau"... đã đem lại ý nghĩa thiết thực, giúp cho người cao tuổi ổn định cuộc sống; đồng thời góp phần lan tỏa yêu thương, nhân lên thật nhiều những điển hình tiên tiến, thu hút nhà hảo tâm để huy động ngày càng nhiều nguồn lực hỗ trợ người cao tuổi.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện Việt Nam đang có một nguồn nhân lực chất lượng cao nằm ngoài độ tuổi lao động, nhưng vẫn nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi năm có hàng nghìn cán bộ, tri thức về hưu nhưng sức khỏe vẫn tốt, lại có nhiều kinh nghiệm chuyên môn mà thế hệ trẻ chưa thể có được. Đội ngũ này trở về cơ sở, tiếp tục tham gia vào các hoạt động, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Nhiều lãnh đạo cấp sơ sở đánh giá, đội ngũ cán bộ lão thành không chỉ phát huy vai trò trong các hoạt động chăm sóc người cao tuổi, mà còn có đóng góp không nhỏ trong công tác tham mưu, trợ giúp cấp ủy, chính quyền về công tác chuyên môn. Theo thống kê, cả nước có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi; 130.000 người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ...
Bên cạnh đó, với tư cách là người đi trước, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong cộng đồng, người cao tuổi còn phát huy vai trò là người vận động tư vấn, giám sát, phản biện, tổ chức các hoạt động tự quản trong dân cư. Đặc biệt, những năm qua, cùng với các tầng lớp nhân dân, cán bộ, hội viên hội người cao tuổi ở các địa bàn giáp biên vẫn luôn đồng hành cùng lực lượng bộ đội biên phòng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Viết Châm, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai khẳng định, dù tuổi đã cao, trí tuệ và sức khỏe giảm sút nhưng người cao tuổi luôn là “cây cao bóng cả”, là nguồn lực nội sinh quý giá. Đối với xã hội, người cao tuổi có bề dày kinh nghiệm, có kỹ năng trong nhiều phương diện, lĩnh vực; tiếng nói và việc làm của người cao tuổi luôn được trân trọng, góp sức cho sự phát triển của gia đình, địa phương và đất nước.
Nhân rộng những hành động thiết thực chăm sóc người cao tuổi
Trong thư chúc mừng nhân Ngày truyền thống Người cao tuổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Thực hiện khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng và hùng cường sẽ giúp chúng ta đem lại cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc và an lành cho mỗi người dân. Sự nghiệp này cần sự tham gia của tất cả mọi người, trong đó không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của người cao tuổi.
"Mỗi gia đình, mỗi người dân luôn quan tâm, yêu thương, kính trọng người già, nhân rộng những hành động thiết thực chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi, từ đó vun đắp, tô thắm truyền thống đạo nghĩa nhân văn tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn hạnh phúc, thuần phong mỹ tục trong mỗi gia đình Việt Nam, thực hiện tốt an sinh xã hội, phát huy cao nhất sự đóng góp của người cao tuổi.
Có thể thấy, với những đóng góp to lớn, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nâng cao đời sống vật chất tinh thần đối với người dân và người cao tuổi. Song một bộ phận nhân dân trong đó có người cao tuổi còn hết sức khó khăn, vẫn phải mưu sinh kiếm sống, chưa có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân.
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, trong tổng số trên 10 triệu người cao tuổi hiện nay vẫn còn nhiều người sống khó khăn do không có tích lũy; một bộ phận người cao tuổi vẫn phải tự kiếm sống; một số người già chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm. Hiện nay đã có những mô hình chăm sóc người cao tuổi thông qua công tác xã hội hóa nhưng chưa nhiều; vẫn còn những rào cản cho việc ra đời và hoạt động của các trung tâm chăm sóc người cao tuổi do cá nhân, tổ chức thành lập.
Để chăm sóc tốt cho người cao tuổi, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi cho rằng Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội. Đồng thời, cần ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm cho các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, đồng bào dân tộc ít người, người di cư.
Theo ông Nguyễn Thành Phiên, Phó Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Sơn La, truyền thống vẻ vang của người cao tuổi Việt Nam luôn gắn liền với truyền thống bốn ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng, oanh liệt của dân tộc. Những đóng góp của người cao tuổi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc là niềm tự hào và nguồn cảm hứng vô tận.
Bà Bùi Thị Hương, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Điện Biên khẳng định, người cao tuổi Việt Nam với bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng, có công lao đóng góp xây dựng đất nước, là trụ cột trong gia đình và xã hội, là nguồn lực nội sinh quý giá của dân tộc.
Để chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, theo bà Bùi Thị Hương, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn xã hội cần tiếp tục xác định đúng vị thế, vai trò của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi (đặc biệt đối với cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị địa phương) để có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp nhằm chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn, đặc biệt là những người già yếu, người cao tuổi đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Phiên đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch, chiến lược quốc gia về người cao tuổi, thiết thực chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho người cao tuổi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, bối cảnh già hóa dân số cũng như thực trạng đời sống của người cao tuổi.
Các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, gia đình và người dân về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; vận động xã hội hóa để có thêm nguồn lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi. Các chính sách an sinh cần kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, góp phần để người cao tuổi sống vui, khỏe, hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội...
Theo Đỗ Bình (TTXVN)