Thanh Hóa nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, điểm kết nối Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ với Vùng đồng bằng Sông Hồng, diện tích 11.120 km2, địa hình đa dạng trải dài từ đồng bằng, ven biển, đến trung du và miền núi, nơi sinh sống quần tụ lâu đời, hòa thuận của 7 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú, với trên 4,2 triệu người. Trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn khẳng định vị trí quan trọng; là "phên dậu", hậu cứ, thế dựa vững chắc để giữ nước.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới kéo dài, tác động tiêu cực đến tất cả các ngành, lĩnh vực và đời sống của Nhân dân; song, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã đoàn kết, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn, nên bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc.
Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm ước đạt 9,69%1, đứng thứ 5 cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh luôn vượt dự toán, tốc độ tăng thu đạt 11,3%; trong đó, năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 51 nghìn tỷ đồng, gấp 1,62 lần. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; nhiều chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tăng cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết và so với năm 2020.
Tỉnh đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp mới, quy mô lớn, như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy xi-măng Đại Dương 1, Đại Dương 2, Dây chuyền 4 - Nhà máy xi-măng Long Sơn, Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy sản xuất găng tay Nitrile Intco Việt Nam, Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân, Nhà máy may xuất khẩu S&D Thanh Hóa tại xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, Nhà máy may mặc Leading Star Thanh Hóa...; đồng thời, khởi công một số dự án giao thông quan trọng, như: Đường Vạn Thiện - Bến En, đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân (huyện Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (huyện Thiệu Hóa), đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa... qua đó, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và tăng năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Là vùng đất trầm tích các giá trị văn hóa, giàu bản sắc, được tôi luyện qua lịch sử đầy thăng trầm nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc; cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, Tỉnh luôn quan tâm đến các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên; nhiều hộ gia đình nghèo nhiều năm sinh sống trên sông và ở các khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới nơi an toàn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm.
Các sự kiện lớn của Tỉnh được tổ chức thành công; nhiều dấu ấn về văn hóa, giáo dục, thể thao đạt các danh hiệu quán quân của cả nước, đã tạo sức lan toả mạnh mẽ, được dư luận và Nhân dân khen ngợi, đánh giá cao. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành bạn được tăng cường.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và đạt kết quả tích cực. Tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở. Đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong cả hệ thống chính trị, trong Nhân dân được củng cố. Niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, vào Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục được nâng lên.
Những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong những năm qua là rất có ý nghĩa. Những kết quả đó đến từ sự đồng lòng, nhất trí, quyết tâm rất cao của Đảng bộ tỉnh, của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đồng thời, khẳng định đường lối đổi mới đất nước của Đảng ta ngày càng đi vào cuộc sống, khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và vị trí, vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính trị.
|
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). ẢNH: QUANG VINH |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh nghiêm túc nhận thấy vẫn còn những việc cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, đó là: Tốc độ tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển; hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp và ở khu vực miền núi chưa được đầu tư đồng bộ, thậm chí còn thiếu và yếu; năng lực khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có mặt chuyển biến chậm; đời sống một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế... Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
Trong suốt cuộc đời cũng như cả tiến trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đại đoàn kết là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn, thành bại của cách mạng. Người từng khẳng định: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”2. Thực hiện nhất quán phương châm “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc;… Giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển… Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”3.
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc", tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán “Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân”.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, để thực hiện thành công mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã xác định, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đoàn kết, thống nhất là việc ưu tiên nhất, là phương pháp đặc biệt quan trọng trong đấu tranh cách mạng và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức sâu rộng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát huy tài năng, trí tuệ của Nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Thứ hai, tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển của khu vực và cả nước. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ...
Cùng với các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; rà soát, sắp xếp dân cư ở những khu vực thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, bố trí nơi ở ổn định cho đồng bào sinh sống trên sông; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo phát triển sinh kế, ổn định đời sống, tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, tạo sự đồng thuận, xây dựng "cầu nối" vững chắc giữa "ý Đảng - lòng Dân" trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Nhân dân; chăm lo thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội quần chúng trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề dân tộc, tôn giáo phát sinh. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận các cấp; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước.
Thứ tư, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, đề cao tính thiết thực, hiệu quả trong các hoạt động, trong các phong trào thi đua; hướng mạnh các hoạt động về cơ sở để tuyên truyền, vận động, tổ chức cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức ở cơ sở, phát triển đoàn viên, hội viên, nhất là trong các doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội; Quyết định số 2543-QĐ/TU ngày 17/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia góp ý kiến, thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp.
Thứ năm, tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng thực hiện thật tốt công tác cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế; triển khai thực hiện tốt Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tổt, có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thực sự làm tốt vai trò “người đày tớ của Nhân dân”, phụng sự Nhân dân, gần dân, hiểu dân, làm cho dân tin, dân yêu.
Khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”4. Tiếp nối và phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, huy động tối đa các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, từng bước hiện thực hoá khát vọng thịnh vượng, sớm thực hiện thắng lợi mong ước của Bác Hồ kính yêu, xây dựng Thanh Hóa trở thành “tỉnh kiểu mẫu”.
Chú thích:
1. Năm 2021 đạt 9,44%; năm 2022 đạt 12,4% và năm 2023 đạt 7,01%; quý I năm 2024 đạt 13,15%.
2. Bài viết trên báo Việt Nam độc lập, số ra ngày 1/2/1942.
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 2, tr. 250.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.206.
ĐỖ TRỌNG HƯNG - Tiến sĩ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa