|
Lễ hội Đền Hùng được tổ chức long trọng hàng năm với nghi thức đại lễ quốc gia tại đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. ẢNH: QUANG VINH |
Phú Thọ là tỉnh trung du, miền núi, nơi sinh sống của 34 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số có khoảng hơn 220 nghìn người. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ chủ yếu là dân tộc Mường (184.560 người), dân tộc Dao (13.149 người), dân tộc Sán Chay (3.294 người), dân tộc Mông (866 người), ngoài ra là các dân tộc Tày, Giáy, Thái… Các dân tộc thiểu số sống thành làng, bản ở những vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, điều kiện đất đai canh tác không thuận lợi, trình độ học vấn thấp, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, tự túc, tự cấp trong cuộc sống nên tỷ lệ nghèo còn cao.
Thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo đại đoàn kết toàn dân tộc
Từ năm 2008 đến nay, thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở 10/13 huyện, thành, thị; 218/277 xã, phường, thị trấn nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò của người có uy tín để tuyên truyền, vận động Nhân dân trên các địa bàn dân cư tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Về công tác lựa chọn, xây dựng lực lượng người có uy tín: Căn cứ Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về xác định tiêu chí người có uy tín: “Người có uy tín là người được đồng bào dân tộc thiểu số tín nhiệm, tự nguyện đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến; có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng nhất định với cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có khả năng tác động, chi phối, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín có thể là người cao tuổi hoặc trẻ tuổi, là trí thức hoặc người thành đạt trong lao động sản xuất kinh doanh, trong hoạt động xã hội hoặc người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân”, Công an tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Mặt trận các cấp lựa chọn, xây dựng được 576 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh,với 495 người uy tín trong dân tộc Mường, 53 người uy tín trong dân tộc Dao, 14 người uy tín trong dân tộc Kinh, 11 người uy tín dân tộc Sán Chay, 2 người uy tín dân tộc Tày, 1 người uy tín dân tộc Mông. Người uy tín của tỉnh chủ yếu là những cán bộ, trí thức nghỉ công tác, thầy cúng, thầy mo, già làng, trưởng bản, trưởng tộc…
Về công tác bồi dưỡng: Xác định người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền với người dân, hằng năm Ủy ban nhân dân tỉnh luôn dành nguồn lực để thực hiện chính sách cho người có uy tín, tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, tham quan học tập, thăm hỏi ốm đau, thăm hỏi gia đình người có uy tín gặp khó khăn do thiên tai, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán; kịp thời biểu dương, khen thưởng và cấp miễn phí một số báo chí phù hợp cho người có uy tín. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành đã phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mở hội nghị, tọa đàm, gặp gỡ, giao lưu và tổ chức các đợt tham quan trong và ngoài địa phương cho một số người có uy tín tiêu biểu trong dân tộc thiểu số đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, bồi dưỡng, xây dựng những người uy tín gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tham gia đảm nhận các chức vụ như Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh, thành viên các tổ chức chính trị - xã hội.
Đặc biệt, trong dịp lễ, tết hàng năm, Mặt trận và Công an tỉnh Phú Thọ tham mưu tổ chức đoàn người có uy tín tiêu biểu về Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm gặp gỡ, động viên và biểu dương ghi nhận. Qua các hoạt động đã tạo điều kiện cho người có uy tín được mở mang kiến thức, trực tiếp chứng kiến sự phát triển, đổi mới của đất nước, tạo điều kiện giúp cho người có uy tín nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục cố gắng lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương.
Về phát huy vai trò người có uy tín: Trong nhiều năm qua, bằng uy tín cá nhân, lực lượng người có uy tín trong tỉnh đã tích cực tham gia có hiệu quả vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào và vận động gia đình, người thân, dòng họ tích cực thực hiện. Người có uy tín đã tích cực tham gia, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở; tuyên truyền vận động, giúp đỡ, hướng dẫn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội của địa phương; vận động đồng bào thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, góp phần phát triển văn hóa - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Điển hình như: Ông Triệu Văn Quang, người Dao có uy tín tại bản Thành Công, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn đã tích cực vận động cộng đồng người Dao tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng sơn, trồng chè, chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Gia đình ông đã nhận hơn 20 ha đất rừng và vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho 10 đến 15 lao động trong bản. Ông Phùng Đức Hòa, xã Hương Cần là người dân tộc Mường có uy tín trong lao động sản xuất, với 7 sào ruộng, 5 sào màu, 13 ha rừng trồng keo, sơn; kết hợp với nuôi đàn nái lợn, hơn chục đàn ong… đã cho tổng thu nhập hằng năm của gia đình ông vào khoảng trên 200 triệu đồng/năm. Ông không chỉ là tấm gương trong phát triển kinh tế gia đình và hướng dẫn bà con cùng phát triển kinh tế, mà còn là tấm gương điển hình cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài của xã Hương Cần và xã Hương Cần cũng là một trong những địa phương đi đầu của huyện Thanh Sơn trong phong trào khuyến học, khuyến tài và lan tỏa rộng khắp sang các xã khác.
Đặc biệt, trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở vùng dân tộc thiểu số, người có uy tín đã vận động Nhân dân tích cực thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm hình sự, giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự ngay tại cơ sở thông qua công tác xây dựng và duy trì hoạt động của 630 Ban an ninh trật tự, hơn 3.000 tổ liên gia, 10 dòng họ các tổ chức tự quản về an ninh trật tự. Từ các mô hình này đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự. Điển hình là dòng họ Trần, xã Xuân Đài, huyện Thanh Sơn đã thành lập hội đồng gia tộc gồm những người có uy tín trong dòng họ tham gia công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Hoạt động có tính chất lan tỏa không những trong dòng tộc, mà còn tham gia trong các Tổ liên gia tự quản ở khu dân cư, thực hiện có hiệu quả các nội dung của phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh có 48/60 xã có người dân tộc thiểu số sinh sống không có tệ nạn ma túy, nhiều thôn bản không có tệ nạn cờ bạc. Hầu hết các bản ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, số người phạm tội là dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ thấp, không phát sinh tội phạm và tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm…
Giải pháp phát huy vai trò người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một là, chính quyền và Mặt trận các cấp cần phối hợp thường xuyên rà soát, bổ sung phân loại người có uy tín theo các tiêu chí để đảm bảo tính bền vững, tính kế thừa và tính chiến lược trong công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời phối hợp chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc, thủ tục, trình tự hồ sơ xét công nhận người có uy tín để thực hiện chế độ chính sách đối với người có uy tín.
Hai là, chú ý đến vấn đề có tính chất truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số, cần đặc biệt quan tâm đến già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, từ đó không nhất thiết chỉ công nhận mỗi thôn, bản chỉ có một người có uy tín, mà từ thực tế đề xuất tăng số lượng người có uy tín. Kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, cân đối nguồn kinh phí, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách với người có uy tín để họ nhận thấy được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể nói chung và lực lượng Công an nói riêng.
Ba là, lực lượng Công an chủ trì phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể theo chức năng nhiệm vụ trong công tác bảo vệ an ninh trật tự để làm tốt công tác vận động, tranh thủ người có uy tín với các yêu cầu cụ thể ở cơ sở. Căn cứ đặc điểm, tính chất địa bàn thôn, bản, lực lượng Công an tập trung vào các địa bàn trọng điểm, quan trọng, phức tạp trong công tác an ninh trật tự để vận động tranh thủ người có uy tín tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng ngừa không để các thế lực thù địch, kẻ xấu tác động lôi kéo quần chúng, nhất là trong các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền đạo trái phép; chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh mà các phần tử cơ hội có thể lợi dụng. Kết hợp vận động phòng ngừa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, vận động đối tượng tự thú, quản lý giáo dục đối tượng tại cộng đồng, quản lý, giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, thực hiện các nội dung quản lý cư trú, nhân hộ khẩu, quản lý và bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản.
Đào Thị Tuyết Thanh - Thạc sĩ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ
Vũ Minh Anh - Tạp chí Mặt trận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam