Sự cần thiết đổi mới phương pháp bồi dưỡng cán bộ chuyên trách MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Phương pháp bồi dưỡng là một cấu phần quan trọng của công tác bồi dưỡng cán bộ chuyên trách Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Đổi mới phương pháp bồi dưỡng là một yêu cầu vừa mang tính bức thiết, vừa mang tính chiến lược để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Quang cảnh buổi tọa đàm khoa học “Đổi mới công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp trong giai đoạn hiện nay” ngày 08/12/2020.

Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thức IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 nêu rõ nhiệm vụ: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trên cơ sở đổi mới toàn diện các mặt công tác, lĩnh vực hoạt động của Mặt trận”1. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra giải pháp “Xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận”2. Đổi mới phương pháp bồi dưỡng cán bộ Mặt trận là một khâu quan trọng trong quá trình thực hiện đổi mới công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ Mặt trận, đặc biệt là cán bộ chuyên trách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với tư cách là lực lượng nòng cốt, chủ công trong triển khai thực hiện công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Một số đặc điểm về chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến phương pháp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hiện nay

Hầu hết cán bộ chuyên trách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều chưa qua trường lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về công tác Mặt trận; đồng thời, trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận ở các cấp không đồng đều. Đặc điểm này vừa là một trong những nguyên nhân gây nên những khó khăn trong quá trình thực hiện các phương pháp bồi dưỡng, vừa làm cho việc bồi dưỡng trở thành một nhiệm vụ thiết yếu, quan trọng trong xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Một thời gian dài công tác bồi dưỡng cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa có tài liệu chính thức như một loại giáo trình giảng dạy mà tài liệu bồi dưỡng được soạn, giảng theo từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể đặt ra. Đặc điểm này làm cho công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận vừa mang tính bị động, vừa thiếu sự đồng bộ, liên tục và yêu cầu lô gíc trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác.

Về lực lượng giảng viên, báo cáo viên. Việc bồi dưỡng cán bộ của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có ưu thế về lực lượng báo cáo viên là những người đã và đang trải qua hoạt động thực tiễn, trực tiếp triển khai các hoạt động cụ thể trong Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng thiếu lực lượng giảng viên, báo cáo viên chuyên sâu về lý luận công tác Mặt trận. Đặc điểm này làm cho việc bồi dưỡng còn nặng về truyền đạt kinh nghiệm, chủ yếu là theo lối “bắt tay chỉ việc”, còn nhiều khó khăn trong việc làm rõ và trang bị các luận cứ khoa học, căn bản về công tác Mặt trận cho học viên.

Sử dụng phương pháp truyền thống (thuyết trình một chiều từ báo cáo viên, học viên nghe và ghi chép) là phương pháp chủ yếu trong việc bồi dưỡng cán bộ Mặt trận. Đặc điểm này đã tạo nên tính thụ động trong quá trình tương tác giữa giảng viên, báo cáo viên và học viên. Giảng viên, báo cáo viên khó nắm được mức độ tiếp thu kiến thức của người học, người học thì thụ động trong tiếp nhận thông tin.

Thực trạng về việc thực hiện các phương pháp chủ yếu trong công tác bồi dưỡng cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Hiện nay, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đang thực hiện các phương pháp bồi dưỡng cán bộ chuyên trách sau đây:

Phương pháp thuyết trình

Báo cáo viên đọc tài liệu hoặc thuyết trình nội dung bài giảng, học viên ghi chép. Do sự thiếu đồng bộ về trình độ học vấn, nền tảng chuyên môn được đào tạo liên quan đến công tác Mặt trận, sự khác biệt về tuổi tác... giữa các học viên trong một lớp bồi dưỡng nên kết quả ghi chép, tiếp nhận thông tin, kiến thức của học viên khác nhau, thậm chí có người không theo kịp nội dung thuyết trình của giảng viên, báo cáo viên, trong khi đó những người khác thì cảm thấy nhàm chán vì phải nghe lại những điều đã biết hoặc chờ đợi lâu sự chuyển tiếp sang nội dung khác của giảng viên.

Phương pháp Hỏi - Đáp

Một số giảng viên, báo cáo viên thực hiện phương pháp này trong quá trình lên lớp nhưng sự tham gia của học viên rất thụ động, thậm chí không trả lời được vì tâm lý tự ti hoặc sự hạn chế về khả năng diễn đạt của mình.

Tổ chức hoạt động nhóm

Phương pháp này hầu như không thực hiện được trong các lớp bồi dưỡng cán bộ Mặt trận vì sự hạn hẹp về thời gian lên lớp cũng như chưa xây dựng thói quen hoạt động nhóm của học viên tại các lớp bồi dưỡng cán bộ.

Tổ chức tham quan, nghiên cứu thực tế, học tập mô hình và làm bài kiểm tra cuối khoá, lớp bồi dưỡng

Đây là một cấu phần không thể thiếu trong mỗi khoá, lớp học bồi dưỡng tập trung của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Việc tham quan thực tế giúp cho học viên có điều kiện kiểm chứng phần lý luận, nội dung phần lý thuyết đã được trang bị trên hội trường với những vấn đề thực tiễn diễn ra ở cơ sở. Tham quan thực tế cũng là dịp để học viên được tìm hiểu tình hình của địa phương, mở mang kiến thức và thay đổi hình thức tiếp nhận thông tin, tạo nên sự hứng khởi trong việc tiếp thu bài học của học viên.

Bài kiểm tra của học viên là cơ sở để chủ thể tổ chức lớp học đánh giá kết quả học tập của học viên; đồng thời là căn cứ để cấp giấy chứng nhận hoàn thành khoá bồi dưỡng, lớp bồi dưỡng.

Tuy nhiên, việc tham quan thực tế chưa bảo đảm yêu cầu làm rõ hoặc bổ sung những nội dung đã được trang bị trên hội trường, thường là hoạt động tìm hiểu tình hình kết hợp với tham quan di tích lịch sử, thắng cảnh của địa phương. Phương pháp kiểm tra đánh giá chủ yếu là học viên viết bài thu hoạch, trả lại cho ban tổ chức khoá bồi dưỡng những nội dung mà giảng viên truyền đạt trên lớp. Phần liên hệ thực tế và giải quyết những vấn đề do thực tế đặt ra còn mang tính chung chung, chưa gắn kết phần lý luận với thực tiễn.

Một hình thức khá mới là bồi dưỡng theo phương thức hội nghị trực tuyến đối với các lớp chuyên đề

Phương thức này được thực hiện trong 2 năm gần đây, là bước khởi đầu của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Mặt trận nói chung, của công tác bồi dưỡng cán bộ nói riêng. Tuy nhiên, đến nay chưa có một hoạt động nào mang tính tổng kết, chỉ ra những ưu điểm để phát huy và khắc phục những hạn chế, bất cập của phương pháp này.

Giai đoạn mới và yêu cầu đổi mới phương pháp bồi dưỡng cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm tốt vai trò, nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Đảng nêu rõ: “Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư”3. Yêu cầu này đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đổi mới phương pháp bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống của mình để thực hiện nhiệm vụ đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động.

Phương pháp bồi dưỡng cán bộ chuyên trách của Mặt trận trong giai đoạn mới phải hướng tới việc hoàn thiện các yêu cầu về nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng của những người chuyên trách làm công tác Mặt trận, cụ thể:

Công tác Mặt trận là một nghề, đòi hỏi phải có chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể. Để thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện giám sát và phản biện xã hội những chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là những chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền làm chủ và lợi ích của nhân dân; vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới, công tác Mặt trận phải thoát khỏi phong cách làm việc theo kiểu hô hào chung chung, nội dung công việc đại khái, phô trương hình thức mà phải đi sâu vào từng vấn đề, lĩnh vực cụ thể. Do đó, cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận phải được trang bị kiến thức, chuyên môn, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực được giao.

Sự đồng bộ, hiệu quả của công tác Mặt trận trên tất cả các nội dung, lĩnh vực hoạt động vừa là đòi hỏi cấp thiết, vừa mang tính chiến lược của yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận. Lực lượng cán bộ chuyên trách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng quyết định kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của Uỷ ban và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đề ra ở tất cả các lĩnh vực hoạt động nói trên.

Phương pháp bồi dưỡng cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn mới phải bảo đảm sự đồng bộ trong thực hiện sắp xếp, bố trí, đánh giá cán bộ của hệ thống chính trị. Do thực hiện “cơ chế hành chính” về cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy cơ quan chuyên trách Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cán bộ chuyên trách của Mặt trận phải thực hiện tất cả yêu cầu, quy định của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; phải bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn, ngạch bậc theo quy định, tiêu chuẩn về vị trí, việc làm. Do đó, phải đổi mới phương pháp bồi dưỡng cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vừa đáp ứng cơ chế hành chính của cơ quan nhà nước, vừa bảo đảm tính đặc thù của công tác Mặt trận.

Phương pháp bồi dưỡng cán bộ Mặt trận trong giai đoạn mới phải đáp ứng yêu cầu của đất nước trong bối cảnh hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công tác Mặt trận giai đoạn mới phải tiếp cận với hoạt động của hệ thống chính trị trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là những kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ... mà người cán bộ Mặt trận phải có để tổ chức thực hiện trong các cơ quan chuyên trách Mặt trận, cũng như phục vụ công tác giám sát hoạt động của cơ quan, bộ máy hành chính trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 - nền hành chính số mà Chính phủ đang triển khai thực hiện. Cán bộ chuyên trách của Mặt trận phải được trang bị những kiến thức cơ bản về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Internet kết nối vạn vật - Internet of Things (IoT); Dữ liệu lớn - Big Data; Máy in 3D; Vật liệu mới và Công nghệ sinh học trong nông nghiệp) và quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề này. Toàn bộ những yêu cầu này chỉ có thể thực hiện được thông qua công tác bồi dưỡng của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, trong đó đổi mới phương pháp bồi dưỡng là một cấu phần rất quan trọng của đổi mới công tác bồi dưỡng.

Phương pháp bồi dưỡng cán bộ Mặt trận trong giai đoạn mới phải bảo đảm yêu cầu đổi mới sự liên kết trong công tác bồi dưỡng và mở rộng nội dung, hình thức bồi dưỡng.

Với đặc thù Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo chuyên sâu nên việc liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với các cơ sở đào tạo, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị là một phương thức bồi dưỡng có vai trò quan trọng, là cơ sở hướng đến việc liên kết đào tạo cán bộ Mặt trận mà Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học của Mặt trận được giao nhiệm vụ trong thời gian sắp tới; đồng thời cần hướng đến việc mở rộng hợp tác, liên kết bồi dưỡng với các đối tác tương ứng ở nước ngoài như lâu nay đã làm với Mặt trận Lào xây dựng đất nước hoặc Hiệp hội Nhân dân Singapore.

Một số định hướng về đổi mới phương pháp bồi dưỡng cán bộ chuyên trách Mặt trận trong thời gian tới

Dù có đổi mới, thực hiện theo phương pháp nào, công tác bồi dưỡng cán bộ chuyên trách của Mặt trận phải bảo đảm các nguyên lý dạy học: Lấy người học làm trung tâm; Học đi đôi với hành; Lý luận gắn với thực tiễn, trong đó các nguyên lý: Học đi đôi với hành; Lý luận gắn với thực tiễn là yêu cầu rất cao trong công tác bồi dưỡng cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp. Với yêu cầu đó, việc đổi mới phương pháp bồi dưỡng cần được định hướng như sau:

Đối với việc tổ chức bồi dưỡng

Phải tạo ra sản phẩm là đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận có đầy đủ phẩm chất, năng lực thực hiện công tác Mặt trận trong giai đoạn mới, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn về chức danh, vị trí việc làm và cơ cấu cán bộ trong các đơn vị chuyên môn, văn phòng của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Kế thừa có chọn lọc các phương pháp truyền thống; đồng thời tăng cường và phát huy phương pháp bồi dưỡng trực tuyến để mở rộng số lượng người được bồi dưỡng. Điều này yêu cầu phải đổi mới, bổ sung nội dung bồi dưỡng, tức là tăng thêm kiến thức, nghiệp vụ về sử dụng công nghệ thông tin, mạng Internet của tất cả cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp. Xem đó như là một điều kiện thiết yếu trong các điều kiện phục vụ việc đổi mới phương pháp bồi dưỡng.

Đổi mới phương pháp tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế trong chương trình, khoá bồi dưỡng. Khắc phục tình trạng tổ chức khảo sát thực tế chỉ nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho người học được tham quan danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử... của địa phương hoặc học tập chung chung các mô hình mà không có chủ đề cụ thể. Tham quan, khảo sát thực tế phải phục vụ việc làm rõ các nội dung trọng tâm mà khoá học trang bị cho học viên.

Rà soát, thay đổi phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên bằng một kênh thông tin duy nhất là bài thu hoạch cuối khoá hiện nay; bổ sung các phương pháp mới như: đánh giá thông qua tương tác trên mạng Internet, phiếu điều tra xã hội học, thuyết trình nhóm...

Mở một cấu phần (Module) của Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên Website của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phục vụ phương pháp bồi dương mới: Cung cấp kiến thức, lý thuyết hình thành kỹ năng, nghiệp vụ công tác Mặt trận; Tổ chức thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ công tác Mặt trận; hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin và dạy, bồi dưỡng ngoại ngữ trực tuyến cho cán bộ Mặt trận...

Đối với cán bộ Mặt trận chuyên trách dự các lớp bồi dưỡng

Điều tra, khảo sát thực tế trình độ văn hoá, nguồn gốc và chuyên môn đào tạo, nhu cầu trang bị kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ công tác Mặt trận... để lựa chọn, phân loại đối tượng và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hằng năm, toàn nhiệm kỳ với phương châm kế thừa và từng bước chuẩn hoá, nâng cao năng lực, nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Đối với giảng viên, báo cáo viên

Yêu cầu phải bảo đảm có nghiệp vụ căn bản về sư phạm: Phương pháp truyền đạt (chuẩn bị nội dung bài giảng; cử chỉ, giọng nói, tốc độ diễn đạt...), khả năng trình bày vấn đề, kiến thức và kỹ năng về tâm lý học để định hướng, thu hút sự chú ý của học viên... để học viên tiếp nhận được thông tin.

Nắm chắc phần lý luận và thực tiễn về công tác Mặt trận (các nội dung truyền đạt phải có căn cứ lý luận và minh chứng từ thực tiễn), phân biệt được những nội dung chính và nội dung mang tính gợi ý, câu chuyện kể để thêm sức hấp dẫn trong việc truyền đạt; đồng thời phải có năng lực sử dụng công nghệ thông tin một cách cơ bản phục vụ việc giảng dạy: Soạn bài và trình chiếu PowerPoint, sử dụng mạng xã hội để tương tác với học viên...

Phải chuyên sâu lĩnh vực, bộ môn được phân công giảng dạy chính và có kiến thức cơ bản đối với các môn học khác để làm rõ mối quan hệ trên các lĩnh vực của công tác Mặt trận. Ví dụ: Giảng viên, báo cáo viên được giao báo cáo chuyên đề công tác vận động, đoàn kết tôn giáo thì phải có kiến thức, hiểu biết cơ bản về công tác giám sát và phản biện xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận, công tác dân tộc, công tác tuyên truyền...

Phải biết sử dụng linh hoạt phương pháp truyền thống (thầy thuyết trình, trò chép; đàm thoại một cách đơn thuần...) với phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại. Phải có khả năng phân tích và giải đáp, giải quyết tình huống khi có vấn đề nêu lên từ học viên...

Đối với đơn vị tổ chức các khoá, lớp bồi dưỡng

Phải có lực lượng báo cáo viên, giảng viên chuyên sâu, hướng đến chuyên nghiệp giảng dạy công tác Mặt trận bảo đảm 2 yêu cầu: Lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về công tác Mặt trận.

Lê Bá Trình

PGS.TS, nguyên Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1,2. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Văn kiện Đại hội lần thứ IX.

3. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-3669.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều