Gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô có nêu, trong 6 năm thi hành Luật Thủ đô, tiến độ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất… thực hiện rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho TP để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại điều 15 Luật Thủ đô. Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô thì khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú, song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.
“Tuy nhiên, trong thời gian qua ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội” - báo cáo nêu rõ. “Thực tế đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời. Ví dụ như trên đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp như Caosu Sao Vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long, Dệt Mùa đông, Xe đạp Thống Nhất, Xe buýt Hà Nội… Nay là những dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn” - báo cáo chỉ ra.
Dự án cao ốc trên ô đất của nhà máy dệt Mùa Động ở địa chỉ 47 Nguyễn Tuân. Ảnh: T.C
Không cho phép cao ốc mọc lên trong nội đô
Lần theo những khu vực đã chỉ ra trong báo cáo, ngày 11/10, PV đã có mặt tại trục khu vực đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân). Tại đây, trục đường này từ lâu trở thành điểm nóng về phát triển cao ốc chung cư tại Hà Nội. Theo tính toán, dọc trục đường Nguyễn Tuân dài 720m nhưng có tới khoảng 6.000 căn hộ chung cư đã và đang mở bán. Sau khi các nhà máy di dời, các khu đất nhanh chóng xin chuyển đổi để xây dựng chung cư. Cụ thể, dự án Thống Nhất Complex trước kia là Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân (820 căn hộ và 87 căn liền kề) trước kia là Xí nghiệp xe bus 10/10. Dự án TNR Goldseason rộng 2,2ha trước kia là Xí nghiệp Dệt Mùa Đông...
Theo quan sát của PV, các tiện ích nội khu, các sân chơi, khuôn viên hầu như không tìm thấy ở các dự án dọc đường này. Các dự án hầu như chỉ là tòa nhà xây sát mặt đường, không có cảnh quan, được bán với giá khoảng 30 triệu đồng/m2. Về mật độ giao thông, các chung cư này không chỉ bóp nghẹt đường Nguyễn Tuân mà cả các đường lân cận như: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum... bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tắc đường triền miên ở khu vực này.
Về cao ốc bóp nghẹt nội đô, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Trần Ngọc Chính cho rằng, trong quy hoạch Hà Nội, những người làm chuyên môn đã xác định việc đầu tiên cần làm là di dời một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện… ra khỏi nội đô. Những khu đất phải giải phóng, về nguyên tắc là để làm không gian cây xanh, mặt nước, các công trình dịch vụ công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng. Ông Chính phân tích, khi nguyên tắc này được xác định, đáng ra, các thành phố phải lập ngay quy hoạch chi tiết với từng miếng đất, lô đất như vậy sẽ làm gì và đưa ra xin ý kiến cộng đồng dân cư, để người dân biết, quyết định trên cơ sở phục vụ cộng đồng. “Chính vì việc này không được thực hiện song song với chủ trương quy hoạch lại thành phố nên tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, người nhìn rõ đó là những vị trí đất vàng tìm cách nhảy vào” - ông Chính nói.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ điều này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị khẩn trương ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại các quận nội đô lịch sử: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. “Trong quy hoạch, kiến trúc, cần hạn chế, thậm chí không cho phép xây dựng các tòa nhà chung cư cao tầng trong nội đô để hạn chế tình trạng tăng dân số cơ học trong nội thành” - báo cáo nêu rõ.
Khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô quy định: Quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 9 của luật này và quỹ đất sau khi di dời cơ quan, đơn vị quy định tại điểm b Khoản 3 Điều này được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Nhà máy Rạng Đông có quy hoạch thành cao ốc 50 tầng
Theo tài liệu của PV, Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông vừa xảy ra hoả hoạn nằm trong quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỉ lệ 1/2000 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt từ năm 2005, bao gồm các ô đất được ký hiệu C1-HH14, C1-CC3, C1-TH3, C1-TH5, và C1-CX7. Năm 2007, TP.Hà Nội cấp sổ đỏ Cty Rạng Đông quản lý sử dụng khu đất với một phần thuê 30 năm từ 1.9.2004, một phần là đất thuê hằng năm. Quy hoạch này thể hiện khu đất của Cty Rạng Đông có chức năng sử dụng: Đất công cộng, hỗn hợp, với dự kiến mật độ xây dựng khoảng 30% - 40%, tầng cao công trình 3 - 50 tầng.
T.CHÍ
|