Thủ đoạn đánh lận bản chất vụ Việt Á để chống phá Đảng, Nhà nước

(Mặt trận) - Những ngày đầu đợt dịch thứ 4 bùng phát trong nước, khi công cuộc phòng, chống Covid-19 diễn ra hết sức khẩn trương, khốc liệt, cũng là lúc công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được Đảng, Nhà nước chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".

Mở màn từ Phan Quốc Việt cùng các đồng phạm, với sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước, cho đến nay, vụ án đã tiến hành khởi tố hơn 60 cá nhân và một số tổ chức vi phạm. Dư luận cho rằng, chưa có vụ án nào mà Đảng ta xử lý nhanh, mạnh và quyết liệt như vậy.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngoài cùng bên phải) kiểm tra một trạm y tế lưu động tại TP. Hồ Chí Minh ngày 26/8/2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
1. Xuyên tạc, bóp méo và kích động

Không phải đến bây giờ, khi xảy ra vụ Việt Á, các thế lực thù địch mới chống phá. Chúng chỉ căn cứ hình thức bên ngoài, hoặc đánh tráo khái niệm để vu cáo ta. Phải kể đến là những “sản phẩm bịa đặt” của trang phản động Việt Tân với luận điệu xuyên tạc về chính sách của Nhà nước trong chống dịch, chính sách đối với các y bác sĩ và nhân viên y tế; xuyên tạc việc nhiều người dân phải về quê lánh dịch...

Xảo trá hơn, khi TP. Hồ Chí Minh bùng phát dịch, Đảng và Nhà nước huy động các lực lượng chi viện chống dịch, đặc biệt là lực lượng quân đội thì ngay lập tức, chúng cho rằng việc đưa quân đội vào là có mục đích khác. Thủ đoạn chúng sử dụng là cắt ghép hình ảnh để xuyên tạc, ví dụ hình ảnh xe thiết giáp (thực tế là hình ảnh xe thiết giáp được ghi nhận trong buổi diễn tập khu vực phòng thủ tại TP. Hải Phòng), hay hình ảnh xác chết của bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar bị chúng xuyên tạc là tại TP. Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó chúng còn phủ nhận những thành quả chống dịch, khi vu rằng TP. Hồ Chí Minh “bung và toang”, chết mấy chục vạn người…

Những thông tin bịa đặt nói trên nhanh chóng được chia sẻ, bình luận kích động tạo nên góc nhìn “tối tăm” về tình hình dịch bệnh, gieo rắc tâm lý hoài nghi, suy giảm lòng tin của người dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các thế lực thù địch cũng núp bóng văn hóa “dân chủ, nhân quyền” của phương Tây để bóp méo, xuyên tạc công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, trong chính sách đưa người đi cách ly tập trung hoặc giãn cách xã hội, chính sách tiêm chủng bắt buộc... Ngoài một số báo đài, tổ chức nước ngoài thiếu thiện chí, thì còn có cả những youtuber người Việt cũng tung luận điệu xuyên tạc để câu view, kiếm tiền.

Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết với các gói hỗ trợ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NĐ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19) trị giá 26 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Điều đó khẳng định tính ưu việt của chế độ chính trị Việt Nam, khẳng định bản chất của Nhà nước Việt Nam là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.

Khi vụ án Việt Á nổ ra, ngay lập tức nhiều nhóm phản động đã hùa vào “phanh phui” kít xét nghiệm và xuyên tạc về cách chống dịch của Việt Nam. Nhiều câu hỏi ác ý gây liên tưởng với kít Việt Á được tung ra.  

Một tờ thời báo phát hành trên mạng và kênh youtube tiếng Việt ở Đức tìm mọi thủ đoạn gán ghép những sai phạm của cá nhân, biến cái riêng thành cái chung, nâng cái cá biệt thành tổng thể. Từ đó, chúng phủ nhận thành quả chống dịch, bóp méo chính sách chống dịch của Nhà nước.

Đi xa hơn, chúng có sự liên kết, móc nối, hỗ trợ kẻ tung người hứng. Một số kẻ còn tự xưng là luật sư, nhà báo liên tục “xào xáo” tin tức để xuyên tạc việc có các phe phái tranh giành quyền lực. Đặc biệt sau khi hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, chúng liền suy diễn những thông tin mơ hồ về “trùm cuối”, hòng làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

2. Xét nghiệm chỉ là một khâu trong phòng, chống dịch

Đến nay có thể khẳng định, Covid-19 là đại dịch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đây là căn bệnh mà y học từ cổ chí kim chưa từng đề cập và nó đã xảy ra ở phạm vi toàn cầu. “Không có nước nào an toàn khi thế giới chưa an toàn” là thông điệp chung của cuộc chiến này. Việc sáng tạo ra bộ kít xét nghiệm là thành tựu trong công cuộc phòng, chống Covid-19.

 Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, đối tượng xấu phát tán thông tin giả, thông tin xấu độc. Ảnh: Tuyengiao.vn
Phải thấy ngay rằng sai phạm của Việt Á chỉ là một khâu trong quá trình chống dịch và kít xét nghiệm của Việt Á tung ra thị trường cũng chỉ chiếm một phần. Chính phủ cho phép rất nhiều doanh nghiệp được nhập các loại kít khác nhau từ các nước.

Việc xét nghiệm thần tốc mà chúng ta đã thực hiện không thể xuất phát từ ý muốn chủ quan mà phải từ thực tiễn khách quan. Khoanh vùng dập dịch, khoanh vùng xét nghiệm là phương châm đặt ra trong quá trình chống dịch và đã được khẳng định  là hợp lý trong thời điểm chưa có vắc xin, hoặc sau đó có những độ phủ còn chưa cao.

Như khẳng định của WHO, đây là căn bệnh chưa từng có tiền lệ, không chỉ ở nước ta mà các nước khác cũng truy vết thần tốc để dập dịch. Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát song mỗi giai đoạn lại có những đặc điểm riêng. Giai đoạn 4 là chủng khác nên việc phòng, chống cực kỳ phức tạp, khó khăn.

Cũng phải nói ngay rằng, phát hiện nguồn bệnh chỉ là một khâu trong phòng, chống dịch. Sự sáng tạo của các thầy thuốc Việt Nam là đã đưa những phác đồ điều trị đúng đắn. Đợt bùng phát thứ nhất, thứ hai đi qua với tỷ lệ tử vong rất thấp, chúng ta đã trở thành “nơi an toàn nhất thế giới”, được bạn bè thế giới ghi nhận.

Trong đợt bùng phát mới, biện pháp chống dịch được thực hiện một cách linh hoạt. Khi chưa có vắc xin thì cách xét nghiệm khác, khi đã đạt được tỷ lệ nhất định về độ phủ vắc xin thì xét nghiệm và cách chống dịch đã được điều chỉnh. Tuy nhiên các thế lực chống đối chỉ phiến diện khi nhìn việc chúng ta thay đổi nhiều lần các biện pháp chống dịch và quy cho đó là sai lầm.  

 Hình ảnh y bác sĩ cả nước lan tỏa thông điệp “Chung sức, vững tâm vượt qua đại dịch". Ảnh: Báo Người lao động
Với một đại dịch lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, chưa một quốc gia, vùng lãnh thổ nào có kinh nghiệm phòng chống, tuy nhiên theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, tỷ lệ tử vong của Việt Nam thuộc nhóm thấp trên thế giới. Tính đến ngày 14/6/2022: tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ.  

Do đó việc một vài cá nhân vi phạm trong vụ án Việt Á không thể làm lu mờ hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc Việt Nam. Công bằng mà nói, trong các đợt cao điểm dịch bùng phát, đóng góp của cán bộ, nhân viên ngành y là vô cùng to lớn. Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động tôn vinh và động viên kịp thời lực lượng này, giúp họ vững tin và có thêm động lực để vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch.

Với thực tiễn ấy, việc các thế lực phản động dùng vụ án Việt Á như một công cụ chống phá không thể đánh lừa được dư luận. Hàng trăm triệu liều vắc xin được khẩn trương huy động bằng mọi kênh và được tiêm miễn phí cho nhân dân, rồi những đánh giá khách quan, sự thán phục của các tổ chức quốc tế như WTO đã chứng minh điều đó.  

Anh Ngọc - Đăng Tấn (Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều