Một số vấn đề về quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật
Quản lý nhà nước là công việc quản lý của bộ máy nhà nước đối với toàn bộ đời sống xã hội. Theo nghĩa rộng, quản lý nhà nước đối với xã hội thực hiện trên cả 3 phương diện: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo nghĩa hẹp, quản lý nhà nước là hoạt động quản lý, điều hành các lĩnh vực đời sống xã hội của cơ quan hành chính nhà nước để thực thi quyền lực nhà nước theo quy định của pháp luật.
Chủ thể quản lý nhà nước là các cơ quan, công chức trong bộ máy nhà nước được trao quyền thực thi công vụ, gồm: Quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Đối tượng quản lý nhà nước là tất cả các cá nhân, tổ chức sinh sống và hoạt động trong phạm vi lãnh thổ quốc gia Việt Nam.
Phạm vi quản lý nhà nước được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao; tín ngưỡng, tôn giáo…
Mục tiêu của quản lý nhà nước là phục vụ Nhân dân, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội.
Từ khái niệm nêu trên, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được hiểu theo nghĩa rộng là sự tác động của cả bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo trên các phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo nghĩa hẹp, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để thực thi quyền lực nhà nước theo quy định của pháp luật.
Chủ thể quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là các cơ quan nhà nước thuộc hệ thống hành pháp gồm: Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân được nhà nước trao quyền thực hiện công tác quản lý.
Đối tượng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là tất cả các tổ chức, cá nhân có tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo (trong đó có tổ chức, cá nhân là chủ thể tổ chức hoạt động và tham gia hoạt động) trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Mục đích của quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân cùng với sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội.
|
Ảnh minh họa.Nguồn Internet |
Về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, việc xác định hành vi vi phạm hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo được vận dụng theo Điều 2 Luật Xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Vi phạm hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật, phải bị xử phạt vi phạm hành chính1.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có 9 chương, 68 điều. Tổ chức, cá nhân vi phạm một trong các nội dung của 68 điều của Luật này đều được xem là vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Tuỳ thuộc vào mức độ của tình tiết vi phạm theo quy định của pháp luật mà cơ quan quản lý nhà nước xác định vi phạm hình sự hoặc vi phạm hành chính.
Đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể hoá Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 62 của luật này quy định: Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thực hiện thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm thực hiện các nhiệm vụ: Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Ủy ban nhân dân các cấp; Thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Mặt khác, Điều 65 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo khi thi hành công vụ.
Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo không phải chỉ có trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo đối với tổ chức, cá nhân là chủ thể thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật với tính chất vụ việc ở mức xử lý vi phạm hành chính mà còn có trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thực thi công vụ trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Dự thảo (lần 4) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều nội dung cần bổ sung, hoàn thiện để bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa chủ thể quản lý và chủ thể bị quản lý trước pháp luật
Những nội dung đã rõ. Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đã bám sát các điều khoản quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể là các hành vi vi phạm được quy định chi tiết tại Chương II với các mức phạt hành chính tương ứng, trên cơ sở của Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2020).
Những vấn đề chưa rõ. Dự thảo Nghị định chưa thể chế hoá quan điểm “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”2 trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo;
Chưa thể chế hoá quan điểm “Công tác tôn tôn giáo là trách nhiệm của hệ thống chính trị”3, trong đó có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người có tín ngưỡng, tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình;
Chưa có điều khoản bảo đảm tính khách quan, công bằng, bình đẳng trong việc thực thi pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của cơ quan quản lý nhà nước (chủ thể quản lý) và tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo (chủ thể chịu sự quản lý) trong việc xử phạt vi phạm hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo.
Bảo đảm tính khách quan, đồng bộ trong thực thi pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng
Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cần làm rõ một số vấn đề sau đây về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ nhất, Nghị định cần có điều khoản thể chế hoá quan điểm “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”4 của cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân được giao nhiệm vụ thực thi công vụ ở các cấp trong quá trình xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Tín ngưỡng và tôn giáo do con người sáng tạo ra và chính con người quay trở lại thực hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Quần chúng nhân dân là chủ thể tổ chức các sinh hoạt và hoạt động tôn giáo theo giáo lý, giáo luật của tôn giáo và tín ngưỡng mà mình tin theo. Với thực tế đó, công tác tôn giáo là công tác liên quan trực tiếp đến con người, bao gồm lực lượng chức sắc, chức việc và tín đồ của tôn giáo, tín ngưỡng.
Nội dung, biện pháp của công tác tôn giáo tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng; đặc biệt là niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của quần chúng nhân dân. Nên nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, công tác về con người, phương thức thực hiện có nhiều điểm khác biệt với công tác quản lý hành chính đơn thuần.
Khi cơ quan quản lý nhà nước và người thực thi công vụ tiến hành xử phạt một hành vi vi phạm hành chính về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đáp ứng yêu cầu tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Trên cơ sở đó, trước khi ban hành và thực hiện quyết định xử phạt, cơ quan quản lý nhà nước và người được giao thực thi nhiệm vụ phải sử dụng các biện pháp tuyên truyền, giải thích, giáo dục để người vi phạm hiểu rõ hành vi của họ là trái với quy định nào của giáo lý, giáo luật, đường hướng hành đạo tích cực của tổ chức tôn giáo mình theo; đặc biệt là trái với điểm nào, mục nào của quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định pháp luật khác liên quan.
Khi người vi phạm đã hiểu được, nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình thì họ sẽ tự giác chấp thuận, đồng tình với mức độ xử lý theo tính chất của hành vi vi phạm, không có những phản ứng tiêu cực mà những kẻ cơ hội, cực đoan, thế lực chống đối, phản động lợi dụng để xuyên tạc chính sách, pháp luật, vu khống nhà nước, chính quyền không tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân.
Cơ quan quản lý nhà nước, người thi hành công vụ không được áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đơn thuần mà không giải thích, làm rõ vi phạm, mặc dù việc xử lý vi phạm là đúng với quy định của pháp luật.
Thứ hai, Nghị định cần có điều khoản cụ thể quy định cơ quan quản lý nhà nước và người thực thi công vụ trên lĩnh vực công tác tín ngưỡng, tôn giáo phải bảo đảm tính bình đẳng, khách quan, công bằng khi xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng và người tham gia các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.
Việc quản lý, điều hành xã hội nói chung, đối với công tác tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng của cơ quan quản lý nhà nước phải căn cứ các quy định của pháp luật. Tất cả các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng đều bình đẳng trước pháp luật trong quá trình chịu sự tác động của công tác quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước và người thực thi công vụ khi xử lý vi phạm hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo không được coi trọng, ưu ái đối với tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng này, xem nhẹ tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng khác.
Mặt khác, để bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, Nghị định cần có điều khoản quy định cả việc xử lý vi phạm hành chính đối với chủ thể quản lý, điều hành (là cơ quan quản lý nhà nước, cá nhân được giao nhiệm vụ thực thi công vụ về công tác tôn giáo, tín ngưỡng) nếu có vi phạm, chứ không chỉ xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân tôn giáo, tín ngưỡng. Cụ thể là chi tiết hoá Điều 5 đối với hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ và Điều 65 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ ba, để bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực và sự đồng thuận cao của việc xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định cần có điều khoản quy định trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị theo tinh thần thể chế hoá quan điểm “công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”.
Trong dự thảo lần 4 của Nghị định có quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn xử phạt của các cơ quan trong hệ thống quản lý nhà nước các cấp, từ cơ sở đến Trung ương, nhưng chưa có điều khoản quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nghị định cần có điều khoản quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tuyên truyền, vận động chủ thể vi phạm chấp hành hình phạt của cơ quan quản lý nhà nước và người được giao thực thi công vụ.
Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải thực hiện việc giám sát quá trình xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan quản lý nhà nước và người được giao thực thi công vụ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bộ phận Nhân dân có tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần làm cho việc xử phạt vừa bảo đảm tính nghiêm minh, khách quan trong thực thi pháp luật, vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người có tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ tư, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cần có điều khoản xử phạt việc lợi dụng mạng xã hội, Internet để truyền đạo trái pháp luật hoặc lợi dụng danh nghĩa tổ chức tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng để tuyên truyền những nội dung gây tác hại đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá, tinh thần của Nhân dân.
Làm rõ và đầy đủ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong Nghị định quy định xử phạt hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo góp phần làm cho việc ban hành và thực hiện Nghị định có tính thiết thực cao, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay.
Chú thích:
1. Điều 2, Luật Xử phạt hành chính. Quốc hội, Luật số: 15/2012/QH13, ngày 20/6/2012.
2,3,4. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX Về công tác tôn giáo.
Lê Bá Trình - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch
nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN