Việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em ở Việt Nam

 Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam nêu rõ: trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Bài viết nêu một số quy định của luật pháp quốc tế và Việt Nam trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em, phân tích những kết quả đạt được trong triển khai Luật Trẻ em về quyền được trợ giúp pháp lý, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn hoạt động trợ giúp pháp lý đối với trẻ em trong thời gian tới.
Ảnh minh họa: tapchitoaan.vn 

1. Mở đầu

Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989 quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi, ngoại trừ pháp luật áp dụng quy định tuổi thành niên sớm hơn. Việt Nam quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi (Điều 1 Luật Trẻ em). Các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền của trẻ em ngày càng được hoàn thiện. Việc nội luật hóa các nội dung Công ước được thực hiện ở mức độ cao, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí.

2. Quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em

Một số quy định quốc tế

Quyền được TGPL cho trẻ em được thể hiện ở các văn kiện quốc tế như: Hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các văn kiện quốc tế khác. Quyền được TGPL là một thành tố cơ bản của hệ thống tư pháp hình sự. Nhà nước coi TGPL là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, ban hành các văn bản pháp luật và các hướng dẫn để bảo đảm có một hệ thống TGPL phù hợp nhằm tiếp cận hiệu quả và đáng tin cậy cho trẻ em. Một số quy định hiện hành về quyền TGPL như:

“Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em là việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong quá trình tố tụng hình sự, dân sự, hành chính mà mọi người có thể tiếp cận được, phù hợp với độ tuổi, đa ngành, có hiệu quả và đáp ứng một loạt các nhu cầu pháp lý và xã hội đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em được thực hiện bởi các luật sư hoặc những người không phải luật sư nhưng được đào tạo về pháp luật liên quan đến trẻ em, sự phát triển của trẻ em và vị thành niên, người có khả năng giao tiếp hiệu quả với trẻ em và người chăm sóc của trẻ” (theo Hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự).

“Được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo sự lựa chọn của mình; được thông báo về quyền này nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý; được nhận sự trợ giúp pháp lý theo chỉ định trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có đủ điều kiện trả” (Điểm d Khoản 3 Điều 14 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị).

“1. Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về mọi vấn đề tác động đến trẻ em và những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích đáng, tương ứng với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em.

2. Vì mục đích đó, trẻ em phải được đặc biệt trao cơ hội nói lên ý kiến của mình trong bất kỳ quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào có liên quan đến trẻ, trực tiếp hoặc thông qua một người đại diện hay một cơ quan thích hợp, theo cách thức phù hợp với những quy tắc thủ tục trong pháp luật quốc gia” (Điều 12 Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em).

Bên cạnh đó có các văn kiện quốc tế khác điều chỉnh riêng về người chưa thành niên trong tư pháp hình sự như: Hướng dẫn Riyadh của Liên hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên; Quy tắc Bắc Kinh tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về áp dụng pháp luật với người chưa thành niên; Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do; Hướng dẫn của Liên hợp quốc về công lý trong vấn đề liên quan đến nạn nhân và nhân chứng trẻ em (năm 2005); Nghị quyết số 67/187 ngày 20-12-2012 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc và những hướng dẫn về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự... đã tạo ra những nguyên tắc, chuẩn mực thân thiện tối thiểu, nhằm bảo đảm các quyền của người chưa thành niên, trong đó có trẻ em khi vi phạm pháp luật. 

Quy định của pháp luật Việt Nam

Theo Luật Trẻ em, trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được TGPL, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác (Điều 30).

Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định trẻ em được TGPL miễn phí. Mặc dù pháp luật Việt Nam quy định độ tuổi của trẻ em là người dưới 16 tuổi, nhưng Luật Trợ giúp pháp lý vẫn đáp ứng đầy đủ quyền được TGPL cho trẻ em theo Công ước quốc tế, thậm chí còn thể hiện tính ưu việt hơn so với Công ước. Cụ thể, Luật Trợ giúp pháp lý quy định:

-  Trẻ em (người dưới 16 tuổi) được TGPL trong tất cả các lĩnh vực pháp luật (chỉ loại trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại), trong đó có người dưới 16 tuổi bị buộc tội.

-  Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội.

Như vậy, Khoản 3 và Khoản 5 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý đã nội luật hóa quy định người dưới 18 tuổi bị tước quyền tự do của Công ước. Bên cạnh đó, khi trẻ em (người dưới 16 tuổi) là người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng… cũng được TGPL miễn phí. Ngoài ra, Điểm đ Khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý còn quy định khi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính (tức là người thuộc hộ cận nghèo hoặc đang được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định) cũng là đối tượng được TGPL.

Nhìn chung, hệ thống văn bản về TGPL đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động TGPL, trong đó có TGPL cho trẻ em. Các quy định của Luật Trẻ em, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho việc bảo đảm quyền được TGPL cho trẻ em. Các văn bản pháp luật khác như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam... đã có nhiều quy định liên quan đến hoạt động TGPL, như: Quy định trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia tố tụng, quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng (tòa án, viện kiểm sát, công an) trong việc giải thích, thông báo, thông tin về quyền được TGPL...

Hệ thống văn bản về TGPL đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động TGPL, trong đó có TGPL cho trẻ em. Các quy định của Luật Trẻ em, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho việc bảo đảm quyền được TGPL cho trẻ em.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp, Cục TGPL cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các sở tư pháp, trung tâm TGPL nhà nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các nội dung về TGPL cho trẻ em trong các văn bản như: Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phòng, chống mua bán người; hoạt động TGPL nhân tháng hành động vì trẻ em, phòng chống bạo lực, phòng chống mua bán người… Trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Cục TGPL, Bộ Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo, yêu cầu các trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh hoạt động TGPL cho trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi.

3. Kết quả thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em

Triển khai Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ 01-6-2017) và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (có hiệu lực từ 01-01-2018), đến nay hoạt động TGPL cho trẻ em đã đạt được những kết quả sau:

Một là, kiện toàn tổ chức và người thực hiện TGPL cho trẻ em

Theo báo cáo của Cục TGPL, Bộ Tư pháp, đến hết năm 2023 trên toàn quốc có 63 trung tâm TGPL nhà nước, 97 chi nhánh, 1.228 người làm việc trong các trung tâm, với 676 trợ giúp viên pháp lý; có 180 tổ chức tham gia TGPL (26 tổ chức ký hợp đồng, 174 tổ chức đăng ký tham gia TGPL); 675 cá nhân tham gia TGPL (32 cộng tác viên và 643 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL)(1). Bên cạnh đó, Cục TGPL và các địa phương đã tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về kỹ năng tham gia tố tụng hoặc kỹ năng thực hiện TGPL cho trẻ em; xây dựng, phát hành các tài liệu hướng dẫn TGPL cho trẻ em...

Hai là, cung cấp dịch vụ TGPL cho trẻ em

Từ năm 2018 - 2023, nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ TGPL cho trẻ em thông qua các vụ việc cụ thể và đạt được những kết quả đáng khích lệ:

Theo thống kê từ Cục TGPL, trong 6 năm từ năm 2018 - 2023, các tổ chức thực hiện TGPL đã cung cấp dịch vụ TGPL cho hơn 20 nghìn lượt trẻ em, trong đó có khoảng 14 nghìn vụ việc tham gia tố tụng(2). Số lượng vụ việc TGPL cho trẻ em ngày càng tăng, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lượt người được TGPL. Người thực hiện TGPL cho trẻ em thường là những người có kinh nghiệm, chuyên môn và am hiểu tâm lý trẻ. Các trung tâm TGPL tích cực theo dõi và kịp thời thực hiện TGPL cho trẻ em theo quy định.

Về chất lượng, các vụ việc TGPL cho trẻ em (bao gồm trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bạo lực,…) đều được đánh giá đạt chất lượng khá và tốt, đặc biệt có nhiều vụ việc được đánh giá thành công, hiệu quả. Nhiều quan điểm, lập luận bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được công an, viện kiểm sát, tòa án ghi nhận trong quá trình giải quyết vụ việc. Những kết quả đó đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong các vụ việc một cách tốt nhất và bảo đảm tính kịp thời.

Ba là, triển khai tốt việc phối hợp liên ngành và truyền thông về quyền được TGPL cho trẻ em

Việc phối hợp liên ngành trong TGPL, nhất là trong hoạt động tố tụng được triển khai ngày càng chặt chẽ, hiệu quả với các quy định về thông tin, thông báo TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL trong quá trình tố tụng. Để trẻ em có điều kiện tiếp cận sớm với dịch vụ TGPL khi có nhu cầu, các trung tâm TGPL đã triển khai các nội dung về trực TGPL trong điều tra hình sự 24/24 giờ, trực tại tòa án nhân dân và xây dựng điểm cầu trung tâm TGPL, tham gia phiên tòa trực tuyến. Việc phối hợp giữa các trung tâm TGPL với các cơ quan, tổ chức có liên quan như Hội Bảo vệ trẻ em, ủy ban nhân dân cấp xã, sở lao động - thương binh và xã hội… trong TGPL cho trẻ em ngày càng được quan tâm.

Công tác truyền thông về quyền được TGPL được đổi mới, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Cục TGPL, Bộ Tư pháp và các sở tư pháp, trung tâm TGPL nhà nước thực hiện nhiều hình thức truyền thông về TGPL, trong đó có quyền được TGPL của trẻ em như: xây dựng, phát sóng các thông điệp, tiểu phẩm, phóng sự, diễn án về các vụ việc TGPL thành công, các tài liệu truyền thông về TGPL, video về TGPL cho trẻ em; tổ chức các đợt truyền thông điểm về TGPL và thông qua các bảng tin, hộp tin về TGPL để nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan về TGPL và quyền được TGPL của trẻ em….

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TGPL cho trẻ em vẫn còn tồn tại một số khó khăn:

Một là, nhận thức về quyền được TGPL của các cá nhân, tổ chức, cơ quan có liên quan đôi khi chưa đầy đủ, trong đó có cả trẻ em và gia đình khi chưa biết về quyền được TGPL. Việc thông tin, truyền thông về quyền được TGPL cho trẻ em chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Hai là, một số cá nhân thực hiện TGPL chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng làm việc với trẻ em; số cán bộ biết tiếng dân tộc thiểu số chưa nhiều, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, gây ảnh hưởng tới hoạt động nghiệp vụ TGPL cho trẻ em.

Ba là, kinh phí và điều kiện về cơ sở vật chất của các trung tâm TGPL nhà nước ở một số địa phương còn hạn chế như: chưa có lối đi dành cho trẻ em khuyết tật; chưa có phòng, địa điểm tiếp đón thân thiện cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, trẻ nhỏ khi đến yêu cầu TGPL….

4. Nhiệm vụ và kiến nghị, đề xuất

Để triển khai hiệu quả quyền được TGPL cho trẻ em, cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu và tập trung thực hiện vụ việc TGPL cho trẻ em, nhất là vụ việc tham gia tố tụng, vụ việc được dư luận xã hội quan tâm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em kịp thời, hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TGPL cho trẻ em...; bảo đảm nguồn kinh phí, nhân lực và cơ sở vật chất phù hợp cho hoạt động TGPL đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về quyền trẻ em nhằm lan tỏa vị trí, vai trò của hoạt động TGPL; đẩy mạnh hoạt động phối hợp TGPL cho trẻ em, nhất là trong hoạt động tố tụng; tăng cường hợp tác quốc tế để nắm bắt kinh nghiệm TGPL thân thiện cho trẻ em trong tư pháp hình sự; ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường kết nối, liên thông dữ liệu về trẻ em trong quá trình thụ lý và thực hiện TGPL.

Một số kiến nghị góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho trẻ em:

Một là, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật về trẻ em; hoàn thiện thể chế để bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ, đặc biệt trong tư pháp hình sự và đối với các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (như ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên; nghiên cứu về độ tuổi trẻ em, người chưa thành niên, nhu cầu trợ giúp của nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt...) phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn phát triển của đất nước.

Hai là, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với các trung tâm TGPL nhà nước trong việc giải thích, thông tin, thông báo về các trường hợp liên quan đến trẻ em, nhất là trẻ bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, trẻ vi phạm pháp luật tại địa phương để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em theo quy định của pháp luật. Quan tâm, bảo đảm về nguồn lực, kinh phí, cơ sở vật chất để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ TGPL tại địa phương, trong đó có TGPL cho trẻ em. Tăng cường công tác phối hợp về giới thiệu quyền được TGPL cho trẻ em đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có liên quan.

_________________

Ngày nhận bài: 5-02-2024; Ngày bình duyệt: 9-02-2024; Ngày duyệt đăng: 16-3-2024.

(1) Xem: Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp:Tài liệu Hội nghị triển khai công tác trợ giúp pháp lý năm 2024.

(2) Số liệu thống kê lượt người trợ giúp pháp lý từ năm 2018 - 2023 của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp.

ThS TRỊNH THỊ THANH - Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp
ThS ĐỚI GIA THIÊN LINH - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Theo Tạp chí Lý luận Chính trị

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều