Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Một là, rà soát chức năng, nhiệm vụ, số lượng nhân sự, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong nội bộ mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức để thu gọn đầu mối trực thuộc theo nguyên tắc: (1) Sáp nhập các đơn vị tương đồng hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. (2) Một đơn vị có thể phụ trách nhiều công việc. (3) Mỗi công việc chỉ do một đầu mối chủ trì, qua đó sàng lọc và bố trí, phân công công tác đối với nhân sự hiện có theo lĩnh vực chuyên môn phù hợp. Trước mắt, sáp nhập và cơ cấu lại bộ phận văn phòng – hành chính - phục vụ dùng chung cho toàn đơn vị. Tăng cường áp dụng công nghệ tin học trong hoạt động quản lý và điều hành cơ quan, đơn vị, tiến tới tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Việc này được một số địa phương thực hiện thí điểm đã cho kết quả bước đầu khả quan trong việc tinh gọn đầu mối, phát huy số lượng biên chế hiện có, hướng đến tinh giản biên chế hiệu quả, tránh xáo trộn nhân sự.
Hai là, quy định và áp dụng tiêu chí về số lượng nhân sự tối thiểu đối với việc thành lập hay sáp nhập, cho tồn tại hay giải thể một cơ quan, đơn vị nào đó. Chúng tôi đề xuất mỗi một đầu mối tổ chức phải có tối thiểu 5 nhân sự trở lên. Những trường hợp đặc biệt phải có quy định riêng. Theo đó, các ban, ngành, địa phương, đơn vị rà soát, sắp xếp lại các đầu mối cơ quan, đơn vị, phân công công việc phù hợp với số lượng cán bộ, nhân sự hiện có, đồng thời xác định rõ số nhân sự dôi dư để có phương án và kế hoạch kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế.
Ba là, quy định và áp dụng ngay số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị theo một số tiêu chí: chức năng, nhiệm vụ, tính chất quan trọng, số lượng nhân sự của cơ quan đơn vị… Chúng tôi đề xuất: Mỗi cơ quan, đơn vị có tối thiểu 5 nhân sự thì chỉ nên có 1 lãnh đạo hoặc tối thiểu 1 cấp trưởng và 1 cấp phó. Đối với cơ quan, đơn vị có trên 5 nhân sự thì tùy điều kiện mà bố trí 1 cấp trưởng và các phó, nhưng không quá 3 phó. Đối với những cán bộ, lãnh đạo, quản lý dôi dư sau quá trình kiện toàn tổ chức, cần vận dụng chính sách động viên quá trình công tác, cống hiến, tránh xảy ra những xáo trộn tư tưởng, tâm lý gây trở ngại cho hoạt động của cơ quan, đơn vị. Như vậy sẽ tránh được tình trạng thừa cán bộ lãnh đạo, quản lý, thiếu cán bộ, chuyên viên, nhân viên xử lý công việc chuyên môn.
Bốn là, sáp nhập, nhất thể hóa chức danh người đứng đầu đối với các cơ quan, đơn vị có chức năng tương đồng hoặc trùng chéo, gây nên tình trạng thiếu rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân và tổ chức, phân tán nguồn lực, góp phần dẫn đến nạn quan liêu, lãng phí, tham nhũng
Việc cần làm ngay hiện nay là rà soát lại tổng thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trước mắt, hợp nhất chức danh người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng với chức danh người đứng đầu cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội có tương đồng chức năng, nhiệm vụ như: Trưởng ban tổ chức với giám đốc sở nội vụ; trưởng ban tuyên giáo với giám đốc trường (trung tâm) bồi dưỡng chính trị; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy với chánh thanh tra nhà nước…. Sáp nhập, tinh gọn hợp lý các đầu mối, đơn vị bộ phận có cùng chung nhiệm vụ như bộ phận văn phòng; bộ phận hành chính tổng hợp thành cơ quan giúp việc dùng chung. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong bộ máy của Đảng. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị của Đảng.
Năm là, đối với các tổ chức có tính trung gian như: các ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương có thể xem xét giải thể hoặc trao lại chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan của Đảng hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước phù hợp đảm nhận.
Để thực hiện những công việc trên, đòi hỏi các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan đảng, nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải có dũng khí và quyết tâm chính trị lớn, kiên quyết gạt bỏ những lợi ích bộ phận vì mục tiêu chung là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Theo Ths Bùi Văn Hải - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Xây dựng Đảng