Việt Nam luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (năm 1989), một bản Công ước về quyền con người cho đến hôm nay vẫn được coi là tiến bộ nhất và có đông quốc gia thành viên nhất (196 quốc gia).
 

(Ảnh minh họa)

Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này (vào ngày 20-2-1990). Với nỗ lực cao nhất, dành những gì tốt nhất cho trẻ em, Nhà nước Việt Nam đã không ngừng làm hài hòa pháp luật quốc gia với Công ước quyền trẻ em. Hiến pháp của Việt Nam quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” (khoản 1, Điều 37, Hiến pháp năm 2013).

Pháp luật về quyền trẻ em, từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần đầu được Quốc hội thông qua năm 1991 - ngay sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước, tiếp tục được sửa đổi năm 2004, cho đến Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn các quyền và bổn phận của trẻ em, trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.

Luật Trẻ em năm 2016 quy định đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế của trẻ em phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và chuẩn mực quốc tế khác về quyền con người, quyền trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em cũng quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em và quyền được tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Trong suốt 30 năm qua, cùng với Luật Trẻ em - đạo luật cơ bản về quyền trẻ em, các bộ luật, luật khác trong quá trình sửa đổi, bổ sung cũng luôn cập nhật, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn các thông lệ và chuẩn mực quốc tế có liên quan đến quyền trẻ em, như: Hình sự, Tố tụng hình sự, Xử lý vi phạm hành chính, Lao động, Hôn nhân và gia đình, Tổ chức tòa án nhân dân… Các nguyên tắc và yêu cầu về bảo vệ người chưa thành niên trong quá trình tư pháp của các bộ luật, luật này cũng đồng thời chuẩn bị cho một hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên dần định hình.

Cùng với hệ thống pháp luật về quyền trẻ em không ngừng được xây dựng theo hướng ngày càng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện để bảo đảm các quyền của trẻ em được đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn và giải quyết các vấn đề trẻ em phát sinh. Điều này cho thấy đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam đặt trẻ em vào trọng tâm ưu tiên của đầu tư cho xã hội, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển bền vững và chuẩn bị tốt nhất cho nguồn nhân lực.

Tháng Hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Chủ đề Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 là:“Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Chỉ thị số 20/CT-TW, ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới đã nhấn mạnh: “Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt các cấp địa phương, cơ sở đã nâng cao nhận thức và quan tâm về công tác trẻ em; thực hiện 25 quyền trẻ em theo quy định của pháp luật và chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em; hướng dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; thực hiện trách nhiệm phát hiện thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; giáo dục của nhà trường thực hiện việc cung cấp kiến thức pháp lý về chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ trẻ em; công viên, cây xanh, sân chơi cho trẻ em, các thiết chế văn hóa cho trẻ em đã được quan tâm hơn.

Nhiều tổ chức và bạn bè quốc tế đánh giá cao về những cố gắng và kết quả chăm sóc, bảo vệ trẻ em của Việt Nam trong 30 năm qua.

Mặc dù chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi; gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Nhiều mô hình tốt, cách làm hay về bảo vệ trẻ em đang được triển khai rất hiệu quả, thiết thực: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, hoạt động 24/7 miễn phí; quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng điều tra thân thiện với trẻ em...

Đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm vào cuộc tích cực, kịp thời, trách nhiệm của các cơ quan, ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tư pháp, các cơ quan báo chí, các tổ chức xã hội, đội ngũ cán bộ, công tác viên làm công tác trẻ em trong cả nước.

 

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng các em nhỏ tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020.

Năm 2020, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành kế hoạch hành động để thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10-5-2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4-6-2019 về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030), trong đó có 13 mục tiêu và 40 chỉ tiêu về hoặc liên quan đến trẻ em.

Ngay từ bây giờ, chúng ta cần phân tích, dự báo và có ngay giải pháp đối với những vấn đề sẽ làm hạn chế hoặc làm mất đi các quyền của trẻ em, đó là:

Thứ nhất, kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế một mặt thúc đẩy các cam kết, chuẩn mực chung về quyền con người và quyền trẻ em thông qua các hiệp định thương mại tự do. Mặt khác, đa dạng hóa các thành phần kinh tế, nới lỏng di cư, xuất nhập cảnh, đăng ký hộ tịch, quốc tịch, thúc đẩy du lịch... làm gia tăng các nguy cơ sử dụng lao động trẻ em, mua bán trẻ em, xâm hại, bóc lột trẻ em, trẻ em lánh nạn, tị nạn không có người lớn đi cùng... Đặc biệt, làm gia tăng bất bình đẳng về cơ hội phát triển đối với trẻ em miền núi, thiểu số, vùng nghèo.

Thứ hai, trẻ em là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên và dai dẳng của biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường khắc nghiệt, suy giảm nguồn tài nguyên; bị mất và hạn chế việc bảo đảm các quyền từ nhiều góc độ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ.

Thứ ba, đô thị hóa và di cư dẫn đến tình trạng trẻ em nông thôn thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ. Trẻ em cùng cha mẹ đến đô thị, khu công nghiệp khó tiếp cận dịch vụ cơ bản có chất lượng; giáo dục, đặc biệt giáo dục mầm non thiếu và không đảm bảo tiêu chuẩn; không được khai sinh; không tiếp cận được bảo hiểm y tế; gia tăng tai nạn thương tích do thiếu giám sát của gia đình... Trong khi đó, trẻ em ở đô thị cũng chịu áp lực do thiếu hạ tầng dịch vụ giáo dục, y tế, vui chơi giải trí; môi trường sống thiếu an toàn (tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường…).

Thứ tư, cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển Internet, mạng xã hội một mặt tạo môi trường để trẻ em phát triển trí tuệ, giao tiếp xã hội nhanh hơn thì cũng đồng thời làm gia tăng các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc, thiếu chuẩn mực; bị bạo lực, xâm hại trên và thông qua môi trường mạng.

Truyền thống của dân tộc Việt Nam là “kính già, yêu trẻ - trên kính, dưới nhường”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Chúng ta hy sinh phấn đấu, đều nhằm mục đích xây dựng đời sống hạnh phúc cho nhi đồng ta”. 30 năm Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam cần nhìn lại những bài học quá khứ và hướng về tương lai phát triển bền vững mà ở đó trẻ em chính là những người kiến tạo. Trẻ em vừa thuộc về hiện tại vừa thuộc về tương lại nên phải làm mọi cách để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Và hơn bao giờ hết, chúng ta cần biến tất cả cam kết thành hành động khẩn trương, mạnh mẽ, cụ thể ngay từ bây giờ vì mỗi trẻ em bị bỏ lại phía sau thì nguy cơ tụt hậu của quốc gia sẽ lại càng lớn hơn.

“Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”, Việt Nam sẽ tiếp tục hành động thiết thực để mọi trẻ em của chúng ta đều được hạnh phúc./.

Theo Nguyễn Thị Nga/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều