Giải báo chí này nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời khuyến khích người dân và các cơ quan báo chí phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Từ số này, Tạp chí Mặt trận sẽ có những loạt bài công phu để hưởng ứng giải báo chí trên. Tạp chí Mặt trận trân trọng đón nhận sự quan tâm, cộng tác của bạn đọc về chủ đề này.
Tổ hợp các tòa nhà chung cư HH1, HH2, HH3, HH4 ở Khu đô thị Linh Đàm là một trong những biểu tượng gây “sốc” tại Hà Nội trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
Lỗ hổng lớn trong quản lý trật tự xây dựng
Hiện nay, công tác quản lý trật tự xây dựng được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của chính quyền các cấp tại nhiều tỉnh thành, song tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các đô thị lớn. Nhiều vi phạm về trật tự xây dựng không được xử lý quyết liệt, dứt điểm, cùng với tình trạng gia tăng dân số cơ học, đã gây sức ép lên hạ tầng đô thị, giao thông, trở thành thách thức rất lớn trong quản lý phát triển đô thị, quy hoạch kiến trúc và xây dựng, quản trị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại.
Tại Hà Nội, bộ mặt đô thị đang bị “bóp méo” nghiêm trọng bởi một loạt công trình xây dựng không phép, sai phép xảy ra trên địa bàn các quận, huyện nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Hệ quả tất yếu của tình trạng xây dựng sai phép, không phù hợp quy hoạch diễn ra tràn lan trong thời gian qua, trong đó có nhiều trường hợp là các tòa cao ốc khiến Hà Nội phải trả giá “rất đắt” khi quy mô dân số tăng “đột biến”, chất lượng sống của người dân ở mức thấp, gây ra sự “bất ổn” cho hạ tầng, quá tải về nguồn điện, nước; “thiếu thốn” trầm trọng các không gian cộng đồng, quy hoạch giao thông dành cho đi lại, giao tiếp và sinh hoạt xã hội.
Hiện nay, chung cư cao tầng mọc lên như “nấm” nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân Thủ đô. Các công trình được cấp phép xây dựng phải tuân thủ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, thực tế, trên một diện tích đất hữu hạn, để tối đa hóa lợi nhuận, chủ đầu tư chọn xây dựng một tòa, thậm chí cả một quần thể chung cư cao hàng chục tầng, xây vượt cả giấy phép, sai mật độ nghiêm trọng rồi sau đó hợp thức hóa bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch.
Mặc dù hệ thống pháp luật, quy định của Nhà nước về quy hoạch đô thị đầy đủ và chặt chẽ, nhưng xây dựng sai phép, trái quy hoạch vẫn thường xuyên xảy ra. Điển hình là nhiều dự án chung cư do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư đã có rất nhiều sai phạm về trật tự xây dựng và đây đều là những vi phạm hết sức nghiêm trọng.
Tại Hà Nội, Tập đoàn Mường Thanh cho ra mắt rất nhiều dự án nhà chung cư giá rẻ tại các quận Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Các dự án nhà giá rẻ đã triển khai của Mường Thanh có thể kể ra như: Khu đô thị Xa La (Hà Đông), chung cư CT5 Tân Triều, CT6, A, B, C Tân Triều, khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì). Riêng tại quận Hoàng Mai, Mường Thanh ra mắt rất nhiều dự án như chung cư CT11, CT12A, CT12B, CT12C KĐT Kim Văn - Kim Lũ, chung cư VP3, chung cư VP6 Linh Đàm, tổ hợp chung cư HH1, HH2, HH3, HH4 bán đảo Linh Đàm.
Vậy nhưng, tại nhiều dự án kể trên, sai phạm nghiêm trọng xảy ra liên tiếp, có hệ thống và kéo dài qua nhiều năm.
Theo Kết luận Thanh tra số 164/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng công bố cho thấy, tại các tòa chung cư CT8 lô HH2 và CT10 lô HH1 Đại Thanh, Mường Thanh chỉ được phê duyệt cao 29 tầng, nhưng thực tế công trình xây cao 31 tầng và xây thêm tầng áp mái; phần xây thêm được chia thành căn hộ để bán. Tầng 2 nhà CT8 và CT10 đã chuyển đổi mục đích sử dụng từ dịch vụ thương mại, công cộng thành căn hộ. Mật độ xây dựng tại các dự án này cũng rất cao, lô HH1, HH2 được phê duyệt trên 40%; tuy nhiên chủ đầu tư xây thêm nhà cầu cao 2 tầng nối 3 đơn nguyên với nhau, dẫn đến mật độ xây dựng khoảng gần 67%. Vậy số tiền lợi nhuận khổng lồ do chủ đầu tư “lách luật” chảy vào túi ai?
Bên cạnh đó, theo quy hoạch, các lô đất được phê duyệt làm diện tích công viên, cây xanh, hồ điều hòa, xây dựng trường mẫu giáo thì nay chủ đầu tư lại xây dựng các công trình kiên cố khác. Trên các lô đất quy hoạch làm trường mẫu giáo diện tích là 3.300m2 và lô đất công cộng có diện tích là 4.283m2, hiện nay đã được chủ đầu tư sử dụng làm 2 bãi đỗ xe.
Còn trên lô đất quy hoạch để trồng cây xanh, công viên kết hợp hồ điều hòa và sân thể dục thể thao có diện tích là 12.520m2, được chủ đầu tư “biến tướng” thành trụ sở làm việc của Ban quản lý cao 5 tầng và Trung tâm chăm sóc sức khỏe cao 4 tầng; thêm vào đó là 1 bể bơi và 2 sân tennis; phần còn lại có diện tích khoảng 6.000m2 là hồ điều hòa chưa được giải phóng mặt bằng. Như vậy, không gian sống của người dân đã bị chiếm đoạt một cách “trắng trợn”.
Mở rộng sang các dự án khác do Mường Thanh làm chủ đầu tư, sai phạm phổ biến là lỗi xây dựng vượt tầng và phá vỡ quy hoạch. Ngoài khu chung cư Đại Thanh, thì Tòa nhà VP6 (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai) được cấp phép xây 25 tầng + 2 tầng kỹ thuật + 3 tầng hầm. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng lên tới 35 tầng + 1 tầng mái + 1 tầng hầm (xây dựng vượt 10 tầng so với quy hoạch được phê duyệt). Về diện tích tầng hầm, theo quy hoạch được phê duyệt là 4.941m2, tuy nhiên, bản vẽ thiết kế thi công và thực tế xây dựng chỉ có 2.637,4m2 (giảm 2.304m2). Diện tích xây dựng, quy hoạch được phê duyệt là 1.170 m2, trong khi bản vẽ thiết kế thi công khoảng 1.800m2 (tăng gần 700m2)... Tại thời điểm ban hành Kết luận Thanh tra, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành thủ tục và nghĩa vụ về tiền sử dụng đất. Các căn hộ từ tầng 2 đến tầng 9; từ tầng 26 đến tầng 35 đều không nằm trong thiết kế được phê duyệt, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, ngang nhiên xây dựng vượt tầng.
Cũng tại quận Hoàng Mai, Khu đô thị mới Linh Đàm là một trong những khu đô thị đầu tiên ở Hà Nội tạo động lực cho sự ra đời của kinh tế bất động sản. Thế nhưng, trong nhiều năm liền, sự gia tăng xây dựng cao ốc ở đây vượt quá sức chịu đựng của hạ tầng. Hàng loạt tòa nhà đã hoàn thiện, hàng chục ngàn người dân về ở khiến áp lực ngày càng tăng cao. Quy mô dân số tăng vọt khiến hạ tầng giao thông tại Khu đô thị Linh Đàm trở nên quá tải. Khu đô thị kiểu mẫu giờ trở thành nỗi ám ảnh của không ít người dân.
Khu đất 5ha của trung tâm dịch vụ tổng hợp kết nối giữa Bắc Linh Đàm, bán đảo Linh Đàm, khu Tây Nam Linh Đàm và cả khu Nam Linh Đàm trong tương lai đã nhường chỗ cho khu nhà ở giá rẻ gồm 12 tòa chung cư cao 36 - 42 tầng có ký hiệu HH, với mật độ xây dựng và cư trú cao. Cả 12 tòa chung cư này được xây thành một khối hình vuông vây quanh một khoảng đất ở giữa. Các tòa chung cư được phân thành 4 cụm: HH1, HH2, HH3 và HH4. Theo quy định, để bảo đảm an toàn phòng cháy, các tòa nhà cao tầng phải cách nhau tối thiểu 25m, có đường dành cho xe chữa cháy rộng tối thiểu 3,5m... Nhưng thực tế, ở vị trí 12 khối nhà HH1, HH2, HH3, HH4 án ngữ đều bố trí san sát nhau và khoảng cách giữa 3 tòa A - B - C của khối chỉ là 10 - 15m.
Theo hồ sơ kỹ thuật, thì tổ hợp chung cư HH Linh Đàm được xây dựng ở mảnh đất giữa khu đô thị Linh Đàm có diện tích 3.553m2. Vói quy mô gần 9.000 căn hộ, mỗi sàn có từ 20 - 24 căn hộ, nếu làm phép tính, mỗi căn hộ trung bình có 3 người ở thì số dân tại khu tổ hợp chung cư này khoảng 30.000 người. Không ít người đã ví von đây như những “lò bát quái” hay “chung cư tổ kiến”, không sân chơi, không bể bơi, không công viên...
Ngoài các sai phạm về mật độ xây dựng dày đặc, chiều cao vượt phép, Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên còn đứng đầu danh sách 15/38 công trình cao tầng đang được sử dụng nhưng không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Trước đó, tại các tòa chung cư do đơn vị này làm chủ đầu tư, đã nhiều lần xảy ra hỏa hoạn. Vào tháng 10/2015, vụ cháy tại tầng hầm tòa nhà CT4A Xa La (Hà Đông) làm hư hại gần 300 xe máy, một số ôtô, hàng trăm hộ dân phải sơ tán khỏi nhà để đảm bảo an toàn. Sau hỏa hoạn, phát hiện tòa nhà có một số bất cập về phòng cháy chữa cháy, thành phố Hà Nội đã yêu cầu thanh tra toàn diện công tác này tại các tòa nhà thuộc khu đô thị.
Trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 14/12/2016, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng đã kiểm tra khu nhà ở Đại Thanh do Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư và thấy có những vi phạm rất nghiêm trọng.
Ông Chung liệt kê: “Thứ nhất là xây dựng không phép; thứ hai là xây dựng quá chiều cao quy định; tiếp nữa là xây cả vào khu không được phép xây như các vị trí quy hoạch dải cây xanh. Các khu này xây xong thì người dân đã vào ở và đã bán trao tay hết rồi. Tiếp nữa là các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy cũng không đủ, dân cũng chưa cấp được sổ đỏ”.
Theo ông Chung, hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho cơ quan điều tra của Công an thành phố thụ lý điều tra và xử lý theo đúng tinh thần truy tố theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng trôi qua, dư luận và cử tri cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang hết sức quan tâm, trông đợi kết quả điều tra, xác minh cụ thể của Cơ quan Công an với những sai phạm nghiêm trọng của Tập đoàn Mường Thanh.
Nhiều biểu hiện bao che, hợp thức hóa cho sai phạm
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương chưa lúc nào “nóng” như thời gian qua. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… việc xử lý vi phạm vẫn còn nhiều bất cập, chưa xử lý kiên quyết, triệt để. Xuất phát từ yếu tố lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư bất chấp các quy định của pháp luật, hoặc tìm cách hợp thức hóa sai phạm. Chính vì lẽ đó, khi chính quyền địa phương không đôn đốc, lơ là giám sát thì vi phạm lại tiếp tục. Thậm chí, việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra còn không được thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc.
Mặt khác, sự phối hợp giữa lực lượng Thanh tra xây dựng với chính quyền cơ sở chưa tốt, chưa hiệu quả, vẫn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến việc xử lý công trình vi phạm chậm, không dứt điểm. Năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, không công tâm, thiếu trách nhiệm. Công tác tham mưu chính sách trong quản lý trật tự xây dựng để người dân biết, kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm.
Vụ việc hoàn công và đưa vào sử dụng công trình xây dựng tại 54 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính là biểu hiện rõ nét nhất cho hành vi vi phạm trật tự xây dựng được người dân phát hiện, tố giác, cơ quan báo chí phản ánh tới các cấp chính quyền nhưng sai phạm vẫn không được xử lý dứt điểm, thậm chí chính quyền còn có biểu hiện làm ngơ, bao che, hợp thức hóa bất chấp luật pháp và dư luận.
Công trình xây dựng tại 54 Thợ Nhuộm thuộc sở hữu tư nhân, được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cấp phép xây dựng với quy mô 8 tầng + 2 tầng hầm. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã có tình xây dựng sai phép mật độ, khoảng lùi tầng 7, 8; xây thêm tầng 9 công trình.
Bất chấp chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý, chính quyền quận Hoàn Kiếm, phường Trần Hưng Đạo, cùng các sở ban, ngành vẫn để cho công trình “ung dung” thi công, hoàn thành.
Khi báo chí vào cuộc phanh phui sự thật, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã nhiều lần ra văn bản đình chỉ, xử lý phần sai phạm. Tháng 3/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo, xử lý nghiêm vi phạm, báo cáo Bí thư Thành ủy kết quả thực hiện, nhưng đến nay công trình vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Vừa qua, vụ việc “động trời” tại dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) đã được chính quyền ra quân xử lý nghiêm, cưỡng chế cắt ngọn tòa cao ốc này, như một minh chứng cho sự thượng tôn của pháp luật. Cứ tưởng sai phạm của 8B Lê Trực sẽ là lời cảnh báo cho những nhà đầu tư, doanh nghiệp đang có ý định làm sai. Vậy nhưng, quay trở lại những sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh, việc xây dựng sai phép này đã có Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng, nhưng sau kết luận, mọi việc vẫn “án binh bất động”. Đáng nói hơn, những sai phạm của Tập đoàn này lần sau còn nghiêm trọng hơn lần trước.
Ở nhiều tỉnh thành khác, Tập đoàn này đều thể hiện muôn hình vạn trạng các kiểu vi phạm. Từ Quảng Ninh đến Nha Trang, Đắk Lắk, Mũi Né, Cần Thơ... hầu như ở vùng miền nào trên đất nước cũng đều có các công trình xây dựng sai phạm mang tên Mường Thanh.
Rõ ràng, các công trình sai phép, chỗ được phạt cho tồn tại, nơi đập bỏ hoàn toàn, không chỉ phụ thuộc vào pháp luật mà quan trọng hơn là ý chí chủ quan cá nhân của những người có trách nhiệm và thẩm quyền trong lĩnh vực này.
Quy định cho phép nộp phạt để tồn tại các công trình sai phép đã và đang được áp dụng ở nước ta; tuy nhiên, việc xuất hiện ngày càng nhiều các công trình vi phạm trật tự xây dựng có tính chất nghiêm trọng, quy định này đang có các cách hiểu khác nhau từ điều kiện, đối tượng đến mốc thời gian vi phạm. Nếu không thống nhất sẽ dẫn đến sự bất hợp lý, nơi thì siết chặt nhưng nơi khác lại dễ dãi dẫn đến việc nhờn luật của các cá nhân, tổ chức.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức tiền phạt mà chủ đầu tư công trình xây dựng trái phép phải nộp theo quy định là quá thấp, không đủ tính răn đe. Ví dụ, đối với phần sai phép, chủ đầu tư không phải tốn thêm phí thiết kế, tiền sử dụng đất. Nhưng khi xây dựng thêm được m2 nào là chủ đầu tư “vớ bẫm” phần diện tích đó.
Tại các đô thị, 1m2 vuông nhà đất đáng giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, nếu chỉ phạt hành chính cho tồn tại thì chủ đầu tư sẽ cố tình vi phạm, rồi sẵn sàng dùng tiền nộp phạt để đạt được mục đích đặt ra. Chính vì vậy, cần phải loại bỏ hoàn toàn quy định phạt cho tồn tại, đồng thời cũng cần phải truy tố những “đại án” về vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm an toàn về phòng chống cháy nổ, phòng cháy chữa cháy của các cá nhân, tổ chức ra trước “vành móng ngựa” mới thể hiện được tính thượng tôn của pháp luật, mới giữ được quy hoạch đô thị, kiến trúc cảnh quan vì đó mà không bị phá vỡ. Bởi đây chính là dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái quy định, chiếm đoạt tài sản của công dân.
Giải pháp lập lại trật tự xây dựng từ cơ sở
Sai phạm tại một số công trình xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh, 8B Lê Trực... là những ví dụ điển hình của hàng loạt sai phạm về trật tự xây dựng có hệ thống, thể hiện sự coi thường kỷ cương phép nước. Có thể thấy các vi phạm này diễn ra ở khắp các tỉnh, thành; trong đó có những công trình có quy mô rất lớn được xây dựng ngay trước mắt các lực lượng chức năng. Vậy nhưng, ở một số nơi thay vì xử lý, các cơ quan chức năng lại “chụm” vào hợp thức hóa sai phạm, làm theo yêu cầu của chủ đầu tư. Và có không ít công trình sau đó được phạt cho tồn tại như một sự đã rồi.
Từ thực tiễn cho thấy, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị hiện nay vẫn còn nhiều điểm tồn tại, hạn chế, nhiều khu vực đô thị còn thiếu quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, dẫn đến lúng túng trong thực hiện quản lý trật tự xây dựng. Đặc biệt, việc tồn tại những công trình xây dựng không phép hoặc sai phép, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc đô thị và gây bức xúc trong nhân dân.
Trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng, một bộ phận không nhỏ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng không những yếu kém về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mà còn nảy sinh nhiều tiêu cực, nhũng nhiễu.
Do đó, cần phải có những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng:
Một là, quản lý việc xây dựng theo quy hoạch. Tất cả các hành vi vi phạm quy hoạch xây dựng phải bị đình chỉ ngay và được xử lý kịp thời theo các quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền quản lý quy hoạch xây dựng theo phân cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những công việc quản lý được giao và phải bồi thường thiệt hại do các quyết định không đúng, không kịp thời, trái thẩm quyền gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Kiên quyết đình chỉ xây dựng, cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng trái phép, xây dựng sai giấy phép, xây dựng không tuân thủ theo quy hoạch xây dựng.
Hai là, công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phải tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng phải được gửi đến tổ trưởng tổ dân phố nơi có công trình thi công, được dán công khai tại các công trình. Qua đó, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư và nhân dân có thể theo dõi, giám sát các hoạt động xây dựng, nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin về quy hoạch của tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đây là vấn đề mà thời gian vừa qua, tại một số địa phương, các cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nhiệm vụ, chức trách của mình.
Ba là, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc các cấp đưa nội dung công tác giám sát việc thực hiện quản lý và xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn vào chương trình công tác hằng năm. Khuyến khích Mặt trận Tổ quốc xây dựng cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tham gia giám sát công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn.
Bốn là, thực hiện luân chuyển, có hình thức kỷ luật thích đáng đối với các cán bộ để xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng. Trong trường hợp cần thiết, cần công khai hình thức xử lý, kỷ luật cán bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng sai phép, không để chủ đầu tư “lách luật” bằng hình thức “phạt cho tồn tại”.
Bảo Tường - Phan Anh Tuấn