|
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giúp đồng bào ổn định nơi ăn chốn ở (nguồn: Trang TTĐT Sở TN và MT tỉnh Quảng Bình) |
Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội ban hành là một trong những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện các Chương trình. Theo đó, cơ chế, chính sách đặc thù đối với 8 nội dung cơ bản gồm: (1) Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm; (2) Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm; (3) Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; (4) Về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện dự án phát triển sản xuất; (5) Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; (6) Về ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; (7) Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025; (8) Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.
Theo thông tin tổng hợp từ Cơ quan thường trực BCĐTƯ các CTMTQG, đến nay các địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kết quả cụ thể như sau:
+ 08 tỉnh Đắk Nông, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Trà Vinh, Yên Bái đã ban hành Nghị quyết lựa chọn huyện thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025.
+ 23 địa phương đã ban hành các văn bản điều hành về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hằng năm, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm, lập thủ tục chuyển nguồn kế hoạch vốn các năm trước sang năm 2024; trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất và các nội dung khác tại Nghị quyết số 111/2024/QH1523.
+ Có 08 tỉnh đã bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để cho vay các đối tượng chính sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021 - 2025.
Theo báo cáo, đến thời điểm này, các địa phương vùng Tây Nguyên đã ban hành đầy đủ cơ chế, chính sách để quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn làm căn cứ, cơ sở thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Tây Nguyên cũng là vùng ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đầy đủ trên cả nước. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 của khu vực Tây Nguyên đạt tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy trong 7 tháng đầu năm nay, các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng mới chỉ giải ngân được khoảng 1.532,6 tỷ đồng, đạt 36,45% kế hoạch. kết quả giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trong 7 tháng qua cũng còn rất thấp. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, ước luỹ kế giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng 7/2024 đạt khoảng 43,5% kế hoạch, cả nước mới chỉ có 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%, trong đó có tới 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 10%.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, trong đó có những khó khăn do việc một số văn bản chưa được ban hành như: Quyết định về điều chỉnh, bổ sung đối với 83 thôn, buôn đạt tiêu chí thôn, buôn đặc biệt khó khăn sau khi chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc đổi tên vẫn chưa được ban hành khiến các địa phương không có cơ sở triển khai chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này; chưa có quy định về trình tự, thủ tục bố trí kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách địa phương trung hạn, hàng năm ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội khi không phải lập danh mục chương trình, dự án theo quy định tại Luật Đầu tư công và chính sách tín dụng ưu đãi cho đối tượng vay vốn là “hộ có mức sống trung bình”...
Đỗ Thụy