Bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Trợ giúp pháp lý góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân, trong đó có người dân tộc thiểu số. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thường phải chịu thiệt thòi hơn so với các đối tượng khác; do đó, pháp luật cần có những quy định cụ thể cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số được hưởng trợ giúp pháp lý nhằm góp phần bảo đảm quyền lợi và điều kiện phát triển của họ.

Quan niệm và quy định của pháp luật về quyền trợ giúp pháp lý của người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Dân tộc thiểu số (DTTS) là dân tộc có số dân ít, cư trú trong một quốc gia thống nhất có nhiều dân tộc, trong đó có một dân tộc có số dân đông nhất. Như vậy, ở nước ta dân tộc Kinh là dân tộc đa số, còn lại 53 dân tộc khác là các dân tộc thiểu số. Trợ giúp pháp lý là một quyền con người, quyền công dân. Điều 2, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Từ đó, có thể định nghĩa: Trợ giúp pháp lý cho người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là việc thực hiện các dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước và xã hội do pháp luật quy định đối với các đối tượng cụ thể là người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa, kiến nghị giải quyết vụ việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo đảm cho mọi công dân bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng pháp luật nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, đồng thời góp phần bảo đảm quyền, lợi ích của cộng đồng và xã hội.

Kiểm sát viên tuyên truyền phát luật cho đồng bào_Nguồn: baovephapluat.vn

Quyền của người DTTS, trong đó có quyền trợ giúp pháp lý, được hiểu, được thực hiện trên cả 2 phương diện quyền bình đẳng và quyền ưu tiên, cụ thể:

Một, quyền bình đẳng với dân tộc đa số, đồng thời bảo đảm các chính sách nhằm phát triển đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai, quyền bình đẳng giữa các dân tộc - tộc người với nhau, đồng thời có chính sách đối với các dân tộc rất ít người, các dân tộc sống trong điều kiện đặc biệt khó khăn.

Ba, ngoài quyền bình đẳng như dân tộc đa số, người DTTS còn được Đảng, Nhà nước ưu tiên hỗ trợ bằng chủ trương, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, không bị bỏ lại phía sau.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, công tác bảo đảm quyền của các đồng bào DTTS là trách nhiệm trước tiên và cơ bản của Nhà nước; cá nhân, gia đình, cộng đồng và các tổ chức chính trị - xã hội,... đều có nghĩa vụ thực hiện cách thức, biện pháp để hiện thực hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn về quyền của người DTTS; đồng thời, ngăn ngừa sự lạm dụng, vi phạm quyền của họ trong thực tế.

Trợ giúp pháp lý của người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là được tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật, nhằm giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật và góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, đồng thời phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật,...

Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 xác định các quyền trợ giúp pháp lý cần được bảo đảm: 1- Quyền được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; 2- Quyền tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; 3- Quyền được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; 4- Quyền yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý; 5- Quyền lựa chọn 1 tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý; 6- Quyền thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý; 7- Quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; 8- Quyền khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Để bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý, các cơ sở trợ giúp pháp lý được mở rộng. Bên cạnh 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý, đến cuối năm 2021, theo số liệu báo cáo cả nước có 40 tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp, bao gồm 31 tổ chức hành nghề luật sư, 9 tổ chức tư vấn pháp luật(1).

Trợ giúp pháp lý đang ngày càng lan tỏa và phát huy tác dụng trong đời sống nhà nước, đời sống xã hội. Từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-10-2022, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 157.504 vụ việc cho 157.504 lượt người, trong đó có 49.569 người dân tộc thiểu số(2). Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng lực cho các Trung tâm trợ giúp pháp lý, trong đó có sự hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề luật sư và cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại địa phương ít nhất 2 năm kể từ khi đi đào tạo trở về; tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý; xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số trên Đài Truyền thanh xã.

Đặc điểm bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của đồng bào là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Một là, bảo đảm quyền con người gắn với quyền dân tộc - tộc người và quyền dân tộc - quốc gia

Đặc điểm về chủ thể quyền: Cá nhân người dân tộc thiểu số bao gồm những người thuộc về một nhóm địa phương tộc người có đặc trưng về mặt dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ nhất định thuộc một dân tộc thiểu số.

Đặc điểm và tính chất của quyền: Quyền của người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù. Tuy nhiên, do cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, họ cần được bảo đảm các quyền có tính ưu tiên nhằm hỗ trợ phát triển, như quyền trợ giúp pháp lý.

Quyền con người trước hết là quyền cá nhân, các quyền đó đều được bảo đảm một cách cụ thể gắn với trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.

Thể chế quyền công dân trong quan hệ giữa quyền của người dân tộc thiểu số và quyền con người: Quyền con người không đồng nhất với quyền công dân, nhưng quá trình bảo đảm quyền của người DTTS cơ bản diễn ra trong khung khổ thể chế quyền công dân tại mỗi quốc gia. Pháp luật quốc tế không thể bao phủ và thể chế hóa đầy đủ quyền con người và quyền công dân của từng dân tộc - tộc người ở mỗi quốc gia. Việc quy định cụ thể quyền con người và quyền công dân phải gắn với pháp luật của từng quốc gia. Do đó, quá trình bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng và quyền con người nói chung luôn phải được cụ thể hóa, thể chế hóa bằng quyền công dân trong những trường hợp cụ thể thì mới phát huy được hiệu lực trong thực tiễn.

Hai là, đồng bào người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội

Không giống với các đối tượng được trợ giúp pháp lý khác, người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là đối tượng chủ yếu phải đối mặt với sự thiếu thốn về vật chất và cả tinh thần - văn hóa, nhất là điều kiện sống - vốn là những tiền đề có tính quyết định sự sinh tồn của con người trong xã hội. Hạn chế về điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội thường kéo theo hạn chế về nhận thức pháp luật, do đó họ không có khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, dễ bị các chủ thể khác xâm hại. Trong tương quan xã hội, người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu trợ giúp pháp lý cũng dễ bị rơi vào vị thế bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương hơn, do không có khả năng tự bảo vệ, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin và sử dụng nguồn lực, dịch vụ pháp lý... Chính vì vậy, trợ giúp pháp lý cho họ cũng phát sinh ngay trong những trường hợp không có tranh chấp mà trước hết là giúp họ hiểu biết pháp luật, tôn trọng pháp luật và lối sống cộng đồng.

Ba là, tính bổ trợ tư pháp trong bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trợ giúp viên pháp lý, luật sư, cộng tác viên là các chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý. Vì vậy, việc tham gia của họ với tư cách là người bào chữa, đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tộc thiểu số tại các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là tham gia tại Tòa án, được coi là một chủ thể bổ trợ cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bốn là, Nhà nước là chủ thể hàng đầu trong bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Công dân được Nhà nước bảo đảm về mặt pháp lý để được hưởng công bằng trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Trợ giúp pháp lý là một trong những biểu hiện rõ nét bảo vệ người yếu thế của Nhà nước. Để thực hiện nghĩa vụ của mình, Nhà nước thông qua các cơ quan chức năng có thẩm quyền từ Bộ Tư pháp đến Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Trung tâm trợ giúp pháp lý... tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý không thu phí cho người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Năm là, bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của đồng bào người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo hướng xã hội hóa

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 xác định trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước và Nhà nước phải có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác này và khuyến khích, ghi nhận, tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước tham gia đóng góp cho hoạt động này. Các nguồn lực xã hội tham gia cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, bao gồm nguồn nhân lực, vật chất, kỹ thuật và tài chính. Việc lựa chọn cách thức nào là tùy thuộc khả năng tham gia của xã hội mà khả năng đó lại phụ thuộc chủ yếu vào các điều kiện kinh tế - xã hội khách quan ở từng giai đoạn phát triển, không thể tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của Nhà nước.

Sáu là, tăng cường tính đa dạng trong bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn          

Do hạn chế về thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn nên người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thường chịu nhiều thiệt thòi, gặp nhiều áp lực, vướng mắc trong cuộc sống. Do đó, họ có nhu cầu trợ giúp pháp lý trong hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội, như hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, nhà ở, môi trường, lao động,... khi có tranh chấp. Trong khi các đối tượng khác thường chỉ có nhu cầu về một vụ việc, lĩnh vực đặc thù, nhưng người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu trợ giúp pháp lý thường rất đa dạng.

Nội hàm khái niệm trợ giúp pháp lý thể hiện trên cả phương diện kinh tế (sự giúp đỡ về tài chính cho những người không có khả năng thanh toán các chi phí khi tiếp cận với dịch vụ pháp lý) cũng như tính pháp lý (giúp đỡ đối tượng giải quyết các vụ, việc có liên quan đến pháp luật) và tính nhân đạo (trợ giúp pháp lý cho những nhóm người cụ thể và nhóm này không phải trả thù lao các dịch vụ được hưởng). Trong trợ giúp pháp lý, Nhà nước, xã hội tạo cơ chế để người được nhận tư vấn pháp luật, được đại diện bảo vệ quyền lợi và được miễn phí.

Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tuyên tryền chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên_Ảnh: TTXVN

Một số nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Một là, hỗ trợ người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận, chia sẻ thông tin và được sử dụng dịch vụ trợ giúp khi có nhu cầu hoặc vướng mắc

Hiện nay, nhiều người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do những lý do khách quan, chủ quan nên khó khăn hay ngại không tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, mặc dù đây là dịch vụ miễn phí, tạo ra cơ hội cho họ được tiếp cận, chia sẻ thông tin, giảm áp lực và được sử dụng dịch vụ trợ giúp khi có nhu cầu mà không bị cản trở bởi các điều kiện kinh tế, vị thế xã hội; từ đó, họ tích cực tham gia vào các hoạt động xóa đói, giảm nghèo, đoàn kết, tương trợ với những người cùng dân tộc hay thuộc các dân tộc khác về mặt pháp luật; góp phần nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật cho những người cùng hoàn cảnh để họ có thể tự mình sử dụng và thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp, sử dụng chính sách của Nhà nước để vươn lên xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống và thực thi nghiêm chỉnh pháp luật; hạn chế vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, do hoàn cảnh khó khăn về kinh tế; nhờ đó có thể yên tâm làm việc, sinh sống. Như vậy, trợ giúp pháp lý góp phần giúp người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có niềm tin vào pháp luật, nhân đạo và công bằng.

Tăng cường công tác tuyên truyền với các hình thức đa dạng, ngôn ngữ dễ hiểu để người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hiểu biết về vai trò quan trọng của trợ giúp pháp lý, thiết thực trong bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, tránh tâm lý e ngại khi cần trợ giúp pháp lý.

Hai là, tăng cường hướng dẫn pháp luật cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ

Trợ giúp pháp lý là một hình thức dịch vụ pháp lý mà Nhà nước và cả tổ chức xã hội cung ứng cho người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn những hiểu biết về pháp luật liên quan trực tiếp đến vụ việc vướng mắc của họ. Trợ giúp pháp lý còn trực tiếp tham gia vào xét xử các vụ việc theo quy định của pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thông qua đó giúp họ có cơ hội bình đẳng với các đối tượng khác trong tiếp cận công lý, để họ sử dụng pháp luật làm công cụ bảo vệ quyền khi bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm, như được tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu, nắm bắt và nâng cao hiểu biết pháp luật, kể cả vận dụng thực hiện ở mức tối thiểu thủ tục về hành chính - pháp lý, giúp họ nâng cao niềm tin vào công lý.

Ba là, giúp các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý tuân thủ và thực hiện công minh pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về trợ giúp pháp lý nói riêng

Đồng thời, công tác này cũng giúp các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cơ sở tháo gỡ khó khăn trong giải quyết công việc hành chính, liên quan đến pháp luật nói chung, pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nói riêng. Từ đó, góp phần làm cho chính quyền gần dân hơn, nhân dân hiểu chính quyền hơn. Ngoài ra, bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện tranh tụng trước tòa để giải quyết các vụ việc khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật.

Thông qua trợ giúp pháp lý, cả chủ thể quyền và chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phát hiện nhiều bất cập từ các quy định của pháp luật, trước hết là pháp luật liên quan đến người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Từ đó, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách và pháp luật phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới.

Bốn là, tạo điều kiện tốt hơn cho trợ giúp pháp lý

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, các Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, thành phố cần coi trọng việc nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ, trợ giúp viên; tăng cường và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý; rà soát, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở cơ sở; tăng cường hỗ trợ các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để duy trì hoạt động thường xuyên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng hoạt động tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng cho người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm bảo đảm các đối tượng là người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật được tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp lý một cách thuận tiện, dễ dàng và rộng khắp hơn. Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các chương trình, mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội./.

---------------------

(1) Xem: Bộ Tư pháp: “Báo cáo Sơ kết công tác trợ giúp pháp lý 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp công tác những tháng cuối năm 2021”, ngày 1-9-2021
(2) Thu Hiền: “Trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số - Thực trạng và giải pháp”, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, ngày 28-12-2022, https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=1918&l=Nghiencuutraodoi

PGS, TS HOÀNG HÙNG HẢI

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều