Ông Nguyễn Mậu Chi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bia Huế, nguyên Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế nhiệm kỳ 2012-2017 cho rằng, mục tiêu tỉnh Thừa Thiên-Huế chọn nhà đầu tư chiến lược để vực dậy ngành du lịch là đúng nhưng cách làm sai.
Theo ông Chi, khi chuyển nhượng hơn 62% cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế lại không đấu giá theo quy định. Sau đó, Bitexco sở hữu một loạt khách sạn lớn, sang trọng, nằm ở những vị trí đắc địa tại thành phố Huế.
Khách sạn Hương Giang Resort & Spa.
Theo ông Nguyễn Mậu Chi, tỉnh Thừa Thiên-Huế quá ưu ái cho nhà đầu tư chiến lược dễ dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước: “Lẽ ra phải đấu thầu để chọn công ty nào mua, có thể là Bitexco, có thể là công ty khác nhưng khi đấu thầu thì nên đưa các tiêu chí là doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực du lịch họ được ưu thế hơn, số điểm trong hồ sơ thầu sẽ được cao hơn. Về giá, giá trị của công ty Du lịch Hương Giang lớn, sở hữu về mặt đất đai, địa thế, thương hiệu lớn, cho nên giá trị (năm 2016) giảm xuống chỉ còn 1/3 so với 9 năm trước là điều không thể chấp nhận. Sự vụ này cho thấy, Nhà nước đang bị thất thoát tài sản khá lớn”.
Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang, có trụ sở tại số 2 đường Nguyễn Công Trứ, thành phố Huế, đây là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1996. Từ năm 2007 đến 2013, Công ty này thực hiện xong cổ phần hóa, vốn nhà nước chỉ còn 62,86%. Theo giấy chứng nhận đầu tư, vốn điều lệ của Công ty là 200 tỷ đồng và 20 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây là đơn vị kinh doanh du lịch, khách sạn lớn hàng đầu của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ngoài khách sạn Hương Giang Resort&Spa 4 sao ở số 51 Lê Lợi, thành phố Huế; Công ty còn một số công ty trực thuộc như Công ty TNHH lữ hành Hương Giang ở số 11 Lê Lợi; Công ty Cổ phần du lịch Mỹ An ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Ngoài ra, Công ty Du lịch Hương Giang còn có 3 đơn vị liên doanh bằng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đó là Khách sạn 4 sao Saigon Morin, liên doanh với Saigontourist tỉ lệ góp vốn 50%, Khách sạn 5 sao La Residence, liên doanh với Công ty Khách sạn Kinh Thành, góp vốn 49% và Lăng Cô Beach Resort với tỷ lệ góp vốn 40%.
Khách sạn Laresidence, Citadel ở số 5 Lê Lợi.
Thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước tại các Công ty cổ phần, vào ngày 30/3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có quyết định phê duyệt nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco để thực hiện thoái vốn trọn lô số cổ phần nhà nước hiện đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang. Tổng số cổ phần chuyển nhượng là 12.572.200 cổ phần, mức giá nhận chuyển nhượng là 12.600 đồng/cổ phần, tương đương khoảng 158 tỷ đồng.
Với số tiền bỏ ra chỉ 158 tỷ đồng để mua lại cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng với hơn 7,5% cổ phần có trước đó, Bitexco đã chiếm giữ hơn 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang và thâu tóm được chuỗi khách sạn có vị trí đắc địa nhất ở thành phố Huế.
Luật sư Nguyễn Văn Kỷ, Văn Phòng Công ty luật Kỷ Nguyễn và cộng sự tại thanh phố Huế cho biết, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển nhượng cổ phần không qua đấu giá tạo ra lỗ hổng, dễ gây thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình chuyển nhượng.
“Căn cứ khoản 4, Điều 38 Nghị định 91 năm 2015 của Chính phủ thì việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty Du lịch Hương Giang phải thông qua đấu giá công khai. Nếu đấu giá công khai không thành công thì khi đó tiếp tục đấu giá cổ phần theo lô, nếu các bước được thực hiện cùng một lúc thì mới bán thoả thuận trực tiếp làm việc với nhà đầu tư để tìm đối tác tiềm năng nhất. Khi không thẩm định đúng quy trình sẽ tạo ra lỗ hổng, tạo tiền lệ xấu”, luật sư Nguyễn Văn Kỷ cho hay.
Hiện, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã báo cáo vụ việc này với Chính phủ. Ông Đồng Hữu Mạo, nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thừa Thiên Huế khóa XIII, nguyên Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho biết, về góc độ chính sách pháp luật thì việc mua bán tài sản nhà nước mà chỉ qua thẩm định giá dễ dẫn đến thiếu trung thực và không bảo đảm khách quan.
“Xung quanh việc thẩm định giá, hiện nay có một số trường hợp việc mua bán tài sản của nhà nước thì không phải trường hợp nào cũng đấu giá hoàn toàn. Có trường hợp thông qua giá thẩm định. Giá thẩm định được quy định phải trung thực, khách quan. Thế nhưng chưa có một cơ chế nào để bảo đảm trung thực khách quan hoàn toàn. Để bảo đảm cho thẩm định trung thực khách quan, trên góc độ luật pháp cần phải bổ sung thêm”.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Bitexco giải thích: Việc mua Hương Giang không qua đấu giá do Bitexco được lựa chọn là Nhà đầu tư chiến lược. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình Chính phủ và được Chính phủ chấp thuận bằng văn bản cho phép lựa chọn nhà đầu tư bán cổ phần trọn lô do Huế cần một nhà đầu tư chiến lược. Nhiệm vụ nhà đầu tư chiến lược là ngoài việc cam kết đầu tư vào Huế thì nhà đầu tư còn phải hỗ trợ tỉnh trong việc xúc tiến đầu tư và du lịch.
Đại diện Bitexco cho biết: Từ khi ký kết hợp tác với Huế, Bitexco và các công ty con đã xây dựng khu đô thị The Manor Crown Huế - một trong những khu đô thị đẹp, đẳng cấp, đem lại một diện mạo mới cho TP. Huế.
Bên cạnh đó là lập quy hoạch nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng; Giới thiệu và xúc tiến nhiều nhà đầu tư quốc tế đến Huế để tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực du lịch; Tài trợ Festival Huế, trong đó có phần tổ chức bắn pháo hoa; Tài trợ đường bay Huế; Hỗ trợ, ủng hộ các nạn nhân bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ của tỉnh nhanh chóng ổn định lại đời sống; Làm phim xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch...
Cũng theo vị đại diện Bitexco, trong giai đoạn 2013-2016 Hương Giang rất thua lỗ nên giá giao dịch thực tế của các cổ đông chuyển nhượng cho nhau chỉ là 5.000 đồng/cổ phần và 8.000 đồng/cổ phần. Như vậy, việc Bitexco đã mua cổ phần với giá 12.600 đồng/cổ phần tại thời điểm đó là cao, mức giá này cũng cao hơn mức giá thẩm định ban đầu do Huế đưa ra mức giá sàn cao hơn để thoả thuận.
Theo Lê Hiếu/VOV.VN