Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Phát biểu tại đây, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ), Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
ĐB Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá: Dự thảo luật lần này đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại Chỉ thị 30 ngày 2/1/2019, Chỉ thị 03 ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Dự thảo luật cũng kế thừa quy định phù hợp với luật năm 2010 đảm bảo xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam; và khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Để hoàn thiện dự thảo luật, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội thì quy định tại Điều 52 quy định về “tổ chức xã hội” tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định tại Điều 53 về “tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích” tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Quy định như vậy rất khó hiểu sẽ làm cho quá trình tổ chức thực hiện phải phân định đâu là “tổ chức xã hội”? đâu là “tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích” và đồng thời khi quy định như vậy không có điểm nào để giải thích từ ngữ cho rõ thế nào là tổ chức xã hội? và tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích”, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh chỉ rõ.
Từ đó, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị: Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ về khái niệm “tổ chức xã hội” và “tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích”. Vì hiện nay ở Việt Nam tổ chức xã hội có thể hiểu bao gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức tự quản (hay còn gọi là Hội) và theo quy định tại Nghị định 45 của Chính phủ thì các tổ chức Hội khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đều phải có Điều lệ, trong đó thể hiện rõ tôn chỉ, mục đích của Hội. Như vậy, việc quy định “tổ chức xã hội” và “tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích” có thể gây nhầm lẫn.
ĐB Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề nghị cần bổ sung thêm 1 điều về vai trò, trách nhiệm và quyền của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Hiện nay chúng ta đã có Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho nên cũng cần bổ sung vào Chương 4 về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Hội bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra về nghĩa vụ của người tiêu dùng tại Điều 5, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, cần bổ sung thêm nội dung nữa. Đó là quy định người tiêu dùng phải có trách nhiệm nhận chứng từ, hoá đơn khi thực hiện việc mua hàng hoá và dịch vụ. Quy định này để đảm bảo có cơ sở chứng cứ để bảo vệ cho quyền lợi người tiêu dùng khi có tranh chấp phát sinh. Đồng thời quy định này cũng góp phần xây dựng văn hoá ứng xử tiêu dùng có trách nhiệm.
Về thu hồi sản phẩm hàng hoá có khuyết tật nhóm A tại khoản 2 Điều 33, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, cần bổ sung 1 điểm để quy định phải lập biên bản, bảo vệ nguyên trạng sản phẩm hàng hoá khuyết tật phục vụ cho công tác kiểm định giám định của cơ quan chức năng. Quy định này để khắc phục tình trạng khi có thông tin về sản phẩm hàng hoá khuyết tật thì các doanh nghiệp thường tự ý tiêu huỷ các sản phẩm hàng hoá có khuyết tật chính vì vậy gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi kiểm định, giám định sản phẩm.
“Cần rà soát toàn bộ dự thảo luật để khắc phục tối đa những khoản, những điều còn chung chung, ví dụ khoản 1 Điều 4; khoản 6 Điều 5; điểm g khoản 3 Điều 8; điểm e khoản 1 Điều 9. Tất cả những nội dung này đang quy định thực hiện theo quy định khác của pháp luật sẽ gây rất khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật”, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ.
Theo Việt Thắng/Đại đoàn kết